12/06/2017 15:34 GMT+7

Tổng thống Macron đi tìm lại hào quang cho nước Pháp

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Vị tổng thống trẻ tuổi của Pháp Emmanuel Macron đang muốn tìm lại hào quang cho nước Pháp, nhưng để làm được điều khó khăn đó, đầu tiên phải chiến thắng trong kỳ bầu cử quốc hội.  

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Trogneux (giữa) đạp xe rời nhà riêng ngày 10-6 ở Le Touquet trong dịp về đây nghỉ cuối tuần và đi bỏ phiếu quốc hội - Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) cùng phu nhân Brigitte Trogneux (giữa) đạp xe rời nhà riêng ngày 10-6 ở Le Touquet trong dịp về đây nghỉ cuối tuần và đi bỏ phiếu Quốc hội - Ảnh: Reuters

Sau khi người đồng cấp Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng hô hào các nước “Hãy làm cho hành tinh này vĩ đại trở lại”.

Với tuyên bố này, ông Macron không chỉ thể hiện quyết tâm bảo vệ Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu mà còn tỏ rõ vai trò “đầu tàu” khối Liên minh châu Âu (EU) cùng với Đức.

Ông Macron tỏ ra rất năng nổ tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên trường quốc tế sau một giai đoạn nhạt nhòa dưới thời tổng thống François Hollande. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thử thách không dễ dàng cho vị tổng thống bị coi như ít kinh nghiệm chính trường này.

Trăm mối lo toan trong ngoài

Ông Macron còn có trách nhiệm phải vực dậy nền kinh tế èo uột của đất nước.

Năm 2016, GDP của Pháp chỉ tăng 1,2% so với tỉ lệ tăng trung bình của khối eurozone là 1,6%. Thâm hụt ngân sách công là 3,4% GDP. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 3-2017 là 10,1% (khoảng 3 triệu người), tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên dưới 25 tuổi là 23,7% (nguồn: Eurostat).

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron đã bay sang Đức gặp Thủ tướng Merkel. Không chỉ có “Brexit” (Anh rời khỏi EU) mà khối EU còn phải đương đầu với những thử thách khó vượt qua nhất từ trước tới nay, từ vấn đề kiểm soát biên giới giữa các nước trong khối cùng biên giới ngoại vi, cuộc khủng hoảng người nhập cư và tị nạn đến nạn khủng bố quốc tế. 

Đó còn là mối quan hệ nhạy cảm với cả Nga và Mỹ, nhu cầu cấp bách cải tổ khối EU và khu vực eurozone.

Thêm vào đó là vấn đề ngân sách của khối EU sau khi Anh đã ra đi. Khi không còn phần đóng góp đáng kể của Anh thì chỉ còn hai biện pháp: Hoặc cắt giảm hoặc 27 nước còn lại phải đóng góp thêm - một điều mà không người dân nước nào muốn!

Một kế hoạch mà “Merkron” - cách báo chí Đức gọi bà Merkel và ông Macron - muốn tiến hành là tăng cường “Hợp tác quốc phòng châu Âu” - sử dụng tiềm năng hiện tại của Hiệp ước Lisbon để thiết lập một cấu trúc quốc phòng đơn giản như một sự bổ sung cho NATO, hầu thực hiện các nhiệm vụ quân sự của EU nhanh hơn và tiết kiệm hơn.

Sự hợp tác này cũng sẽ được dùng vào việc nghiên cứu về phòng thủ trên mạng.

Ông Macron tuyên bố sẽ đặt trọng tâm vào việc tiến hành cải tổ tại Pháp, nhưng cũng cần có những cải tổ lớn trong khối mà ông gọi là “Sự khởi động lại của EU và eurozone” và đề xuất việc lập một quỹ đầu tư chung và có một bộ trưởng tài chính cho khu vực này.

Thủ tướng Merkel, tuy trước đây không đề cập chuyện cải tổ sâu rộng trong khối, cũng đồng ý là phải làm sao cho khu vực eurozone ổn định hơn trong tương quan với khủng hoảng và đảm bảo một sự gắn kết tốt hơn giữa các nước, cần thiết thì phải có một hiệp ước.

Tuy nhiên kế hoạch phát triển chung cho khu vực eurozone lại khiến những nước EU không sử dụng đồng euro như Đan Mạch, Thụy Điển lo ngại là ảnh hưởng của họ với khối sẽ bị giảm, trong khi sự phát triển của các nước này có ý nghĩa đáng kể đối với EU.

Trong khi đó, ý tưởng về đạo luật “Mua (hàng hóa) châu Âu” (nhằm bảo hộ thị trường châu Âu) của Tổng thống Macron đã không nhận được sự ủng hộ như mong muốn.

Ông Macron đề xuất là các nước trong khối phải thực hiện việc mua sắm công hay thuê dịch vụ với những doanh nghiệp có hơn một nửa số hàng hóa được sản xuất tại EU.

Tuy nhiên phó chủ tịch Ủy ban EU Jyrki Katainen cho rằng nếu chỉ dựa vào xuất xứ, không tính đến giá cả hay chất lượng thì không phù hợp với các quy định của EU trong việc đảm bảo lợi ích của người đóng thuế.

Ông Frans Timmermans, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu (EC), coi đó là chủ nghĩa cô lập, và các chính sách bảo hộ hay cô lập hóa là những phương tiện của chủ nghĩa dân tộc.

Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen cũng gọi đây là phản ứng “có tính quá bảo vệ trước một số thách thức của toàn cầu hóa”. Hơn nữa, đạo luật này cũng có thể vi phạm các quy tắc của WTO về mua sắm công.

Thử thách từ Đông Âu

Tổng thống Macron cũng đang yêu cầu EC ngăn chặn làn sóng lao động nhập cư từ Đông Âu sang Tây Âu làm việc.

Lý do nêu ra là những lao động nhập cư từ các nước như Ba Lan, Bulgaria… thường chấp nhận làm việc với mức lương như ở quê nhà (tức thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định tại Tây Âu), chưa kể đến tình trạng lao động chui.

Đây cũng là một trong những lời hứa của ông với cử tri Pháp khi tranh cử.

Theo luật EU, người lao động được phép đến làm việc tại một nước khác trong khối trong một thời gian nhất định. Một số nước EU cũng muốn điều chỉnh quy định này để bảo vệ lao động trong nước nhưng lại gặp phải sự phản đối của nhiều chủ doanh nghiệp vì nguồn lao động từ Đông Âu là thực sự cần thiết.

Trên thực tế, tại các nước Tây và Bắc Âu, có không ít người thích ở nhà lãnh tiền trợ cấp hơn là làm những công việc nặng nhọc, còn người gốc nhập cư Hồi giáo thì không thích các công việc lao động chân tay hoặc trong ngành phục vụ vì cho là không có địa vị trong xã hội.

Vai trò đầu tàu EU của ông Macron thật chẳng dễ dàng!

Chặng đầu Hạ viện

Sáng 11-6 (theo giờ địa phương), cử tri Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu trong vòng 1 cuộc bầu cử Hạ viện Pháp với kết quả được dự báo là Đảng Nền cộng hòa tiến bước của Tổng thống Macron sẽ thắng lớn, vượt xa mức đa số tuyệt đối. Các hòm phiếu bắt đầu mở cửa lúc 8h sáng (tức 13h giờ Việt Nam) và sẽ đóng cửa vào 20h cùng ngày.

Cuộc bầu cử Hạ viện Pháp diễn ra trong hai vòng (vòng 2 diễn ra ngày 18-6) và cử tri sẽ chọn ra 577 nghị sĩ trong tổng số 7.882 ứng cử viên.

Hơn 50.000 cảnh sát đã được huy động để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử này.

Theo kết quả cuộc thăm dò gần nhất của Ipsos Sopra Steria tiến hành một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Đảng Nền cộng hòa tiến bước của ông Macron dự kiến sẽ giành được khoảng 397-427 ghế, đảm bảo thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện.

Như vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có nhiều cơ hội thực hiện những cam kết đầy tham vọng của mình.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên