12/06/2017 13:01 GMT+7

Quân đội Philippines lại qua mặt tổng thống?

HOÀNG NAM - TÚ ANH
HOÀNG NAM - TÚ ANH

TTO - Sau khi Mỹ tuyên bố đã gửi lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ Manila chống phiến quân Hồi giáo, Tổng thống Philippines lại nói rằng ông chưa hề yêu cầu sự giúp đỡ.

Ông Duterte trả lời phỏng vấn khi đến thăm bệnh viện quân đội Cagayan De Oro ngày 11-6 - Ảnh: Reuters
Ông Duterte trả lời phỏng vấn khi đến thăm bệnh viện quân đội Cagayan De Oro ngày 11-6 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte nói tại cuộc họp báo ngày 11-6 rằng ông “chưa từng đặt vấn đề với Mỹ” để yêu cầu viện trợ quân sự và ông “không biết cho đến khi họ đến”.

Ngày 10-6, thông cáo từ Đại sứ quán Mỹ ở Manila cho biết quân đội Mỹ đã cử lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ hậu cần quân sự nhằm giúp quân đội Philippines trong cuộc vây ráp phiến quân Hồi giáo tại đảo Mindanao. Yêu cầu này xuất phát từ yêu cầu trong chính quyền Manila.

Cũng hôm 10-6, người phát ngôn của quân đội Philippines xác nhận rằng quân đội Mỹ đã hỗ trợ công tác hậu cầu và do thám, nhưng không “đặt chân xuống mặt đất”. 

Như vậy phải chăng quân đội Philippines qua mặt tổng thống, cho phép quân đội Mỹ can dự vào cuộc chiến chống khủng bố?

Phát biểu của ông Duterte trong cuộc họp báo khi thăm bệnh viện quân đội Cagayan De Oro ngày 11-6 cũng có nhắc đến ý giảm nhẹ tình hình: "Binh sĩ chúng tôi tập trận với binh sĩ Mỹ nhiều năm qua nên họ thân với người Mỹ, tôi không thể chối bỏ điều đó".

Ông Duterte đã không bình luận gì về khả năng các quan chức quân đội Philippines đã vượt quyền ông để xin hỗ trợ từ lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, trong khi đó, phát đi thông cáo cho biết quân đội Mỹ không được phép tham chiến tại miền nam Philippines. 

Theo Reuters, thông cáo đó có đoạn cũng nhằm giảm nhẹ khả năng căng thẳng: “Cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là mối quan tâm của Philippines và Mỹ mà còn là vấn đề của tất cả các nước trên thế giới. Philippines luôn chào đón sự hỗ trợ từ các nước khác, nếu các nước có đề nghị hỗ trợ".

Sau khi các tay súng Hồi giáo thuộc nhóm Maute có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng một phần thành phố Mindanao, ông Duterte đã tuyên bố thiết quân luật tại đây. Trong tình trạng thiết quân luật, tổng thống có quyền kiểm soát quân đội.

Tính đến nay, khoảng 300 người đã thiệt mạng, bao gồm cả binh sĩ Philippines, dân thường và phiến quân, đồng thời có khoảng 250.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại thành phố Marawi vào ngày 23-5.

Trong cuộc họp báo ngày 11-6, Tổng thống Duterte cho biết chính thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh tấn công thành phố Marawi. 

Tổng thống Duterte nêu rõ rằng tên thủ lĩnh al-Baghdadi đã “đích thân ra lệnh tiến hành các hành động khủng bố tại Philippines”. 

Trước đó, Tổng thống Duterte từng cáo buộc nhóm phiến quân Maute có liên hệ với IS và ông dùng từ "xâm lăng" để nói về cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Hồi giáo.

Ông cho biết đối tượng khủng bố bị truy nã Isnilon Hapilon được chỉ định làm thủ lĩnh IS tại Philippines và âm mưu thành lập một nhà nước Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này. 

Cũng trong ngày 11-6, các thượng nghị sĩ Philippines đã yêu cầu cơ quan chức năng tịch thu hoặc đóng băng tài sản của các thủ lĩnh và người thân của các phiến quân Maute, nhằm ngăn chặn dòng tiền được cho là để hỗ trợ các chiến dịch của nhóm khủng bố này tại Mindanao. 

HOÀNG NAM - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên