01/06/2017 14:58 GMT+7

Lính đặc nhiệm Mỹ và những lần vào sinh ra tử

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Lực lượng đặc nhiệm Mỹ ngày càng chịu nhiều sức ép và tổn thất trong bối cảnh các hoạt động chống khủng bố được mở rộng trên toàn cầu. Đời thực không như là phim.

Lính đặc nhiệm Mỹ ở Kabul, Afghanistan - ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Lính đặc nhiệm Mỹ ở Kabul, Afghanistan - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Tỉnh Bari, Somalia, ngày 5-5-2017. Một tốp trực thăng quân sự Mỹ hạ cánh khi bình minh chưa ló dạng.

Cẩn thận để không gây sự chú ý, toán biệt kích “Tia chớp” của Somalia nhanh chóng tỏa ra dưới màn đêm và hướng về một khu phức hợp cũ nát nằm giữa khu đất lầy lội, bao quanh là vườn chuối. Một đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ cũng gia nhập cùng họ.

Hiểm nguy

Người Mỹ đã theo dõi vị trí này trong nhiều ngày sau khi nhận được tin tình báo cho biết tên Moalin Osman Abdi Badil - thủ lĩnh nhóm khủng bố al-Shabab, đang lẩn trốn đâu đó.

Họ hi vọng sẽ gây bất ngờ cho phe phiến quân với cuộc đột kích khi trời còn tối, nhưng mọi thứ sau đó diễn ra sai hoàn toàn…

Lính gác của đối phương phát hiện ra nhóm xâm nhập trước khi họ kịp tiếp cận. Một trận chiến dữ dội nổ ra, đạn pháo sáng một góc trời đêm.

Trong trận này, một lính đặc nhiệm SEAL thiệt mạng và hai người khác bị thương. Sự kiện đánh dấu cái chết đầu tiên của lính Mỹ tại Somalia kể từ trận chiến hạ trực thăng “Black Hawk Down” nổi tiếng năm 1993.

Gần 3 tuần sau đó, một cuộc đột kích khác diễn ra, lần này là vào thành trì của nhóm phiến quân al-Qaeda ở thành phố Marib, miền tây Yemen.

Không có tử vong nhưng 3 lính đặc nhiệm SEAL bị thương. Để hoàn thành nhiệm vụ này, họ phải nhờ đến sự yểm trợ hỏa lực của máy bay cường kích hạng nặng Lockheed AC-130.

Nhiệm vụ này xuất phát từ việc tình báo Mỹ phát hiện ra al-Qaeda đang âm mưu tấn công các mục tiêu phương Tây, trong đó có máy bay thương mại. Yêu cầu đặt ra là phải thu thập càng nhiều càng tốt thông tin từ các thiết bị liên lạc như điện thoại, máy tính… của al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập.

Đó là một số minh họa cho những rủi ro lính đặc nhiệm Mỹ phải thường xuyên đối mặt.

Ngoài việc thu thập tin tình báo, họ còn truy lùng, bắt sống hoặc tiêu diệt dàn thủ lĩnh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) mới nổi, các tay chế tạo bom, phiến quân… trên khắp các chiến trường từ Somalia, Yemen đến Iraq, Syria, Afghanistan.

Các thành viên thuộc phi đội tác chiến đặc biệt số 23 nhảy khỏi trực thăng MH-47 Chinook tại Wynnehaven Beach, Florida tháng 4-2017 - ảnh: US Air Force
Các thành viên thuộc phi đội tác chiến đặc biệt số 23 nhảy khỏi trực thăng MH-47 Chinook tại Wynnehaven Beach, Florida tháng 4-2017 - Ảnh: US Air Force

Gánh nặng trên vai

Các nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ luôn được giữ bí mật, tuy nhiên một vài trong số đó được biết đến rộng rãi bởi thất bại/thương vong quá lớn.

Chẳng hạn trong một nhiệm vụ ở Yemen hồi tháng 1 vừa qua do đích thân tân Tổng thống Donald Trump phê chuẩn, một sĩ quan SEAL đã thiệt mạng, một chiếc máy bay V22 Osprey trị giá 70 triệu USD bị phá hủy, trong khi không lực Mỹ vô tình giết hàng chục dân thường.

Số lần tác chiến, đi đôi là thương vong, của lính đặc nhiệm càng lúc càng tăng khiến nhiều chuyên gia quân sự Mỹ bày tỏ băn khoăn.

Có thể nhìn thấy qua số liệu: 5/6 quân nhân Mỹ thiệt mạng bởi hỏa lực của địch trong năm nay là các thành viên thuộc lực lượng SEAL, Mũ nồi xanh hoặc Trung đoàn biệt kích 75.

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ hồi tháng 5, tướng Raymond Thomas - người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt, mô tả lực lượng của ông bị rải quá mỏng, ít thời gian giữa các lần điều động và tình trạng này là “không bền vững”.

Mỹ hiện có khoảng 8.600 lính đặc nhiệm hoạt động tại hơn 80 quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Trump, giống với người tiền nhiệm Barack Obama, xem việc triển khai lực lượng đặc nhiệm dễ dàng và ít tốn kém hơn thay vì duy trì một loạt căn cứ cho hàng chục ngàn binh lính.

Ở hầu hết các nước, đặc nhiệm Mỹ chủ yếu phụ trách công tác huấn luyện và điều phối với lực lượng an ninh sở tại. Họ chỉ tham chiến ở một vài nước nơi các nhóm khủng bố hoạt động công khai.

Biệt kích Mỹ thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố tại ít nhất 6 nước dưới thời ông Obama. Nổi tiếng nhất trong đó là vụ biệt đội SEAL tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan tháng 5-2011.

Theo một số quan chức Nhà Trắng, ông Trump đang cân nhắc gửi thêm lính đặc nhiệm đến Syria và Afghanistan để Mỹ giữ vai trò lớn hơn trong các cuộc xung đột tại đây.

Lực lượng Mũ nồi xanh chuẩn bị lên máy bay vận tải KC-130 cho một nhiệm vụ - ảnh: US Air Force
Lực lượng Mũ nồi xanh chuẩn bị lên máy bay vận tải KC-130 cho một nhiệm vụ - Ảnh: US Air Force
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên