28/05/2017 08:34 GMT+7

Ông Trump nhẹ nhàng 'vượt ải' G7

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đối diện với nhiều sức ép về thương mại và vấn đề biến đổi khí hậu, tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo các nước nhóm G7.

Từ phải sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong lúc chờ chụp ảnh nhóm ngày 26-5 - Ảnh: Reuters
Từ phải sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong lúc chờ chụp ảnh nhóm ngày 26-5 - Ảnh: Reuters

Lãnh đạo nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) đã có cuộc gặp nguyên thủ các quốc gia châu Phi hôm 27-5. Đây là ngày làm việc cuối cùng trong khuôn khổ hội nghị thường niên của G7 tại thị trấn Taormina trên đảo Sicily (Ý).

Không có gì che giấu về việc một số lãnh đạo đang có quan điểm khác biệt về khí hậu, thương mại... Quan trọng nhất là chúng ta phải bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ - Ông Donald Tusk (chủ tịch Hội đồng châu Âu)

Không có đột phá

Tổng thống Mỹ Donald Trump là tâm điểm của sự kiện ở Sicily. Các lãnh đạo còn lại của G7 muốn đo lường mức độ cam kết của ông Trump đối với hàng loạt vấn đề chung mang tính toàn cầu, trong đó đặc biệt là chống biến đổi khí hậu và người di cư.

Cuộc họp hôm 26-5 được mô tả đã diễn ra thẳng thắn, trung thực về biến đổi khí hậu, dẫn tới những tranh luận quyết liệt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel kể lại: “Chúng tôi muốn làm rõ rằng chúng tôi mong Mỹ đảm bảo các cam kết về biến đổi khí hậu. Có rất nhiều lập luận khác nhau từ chúng tôi, nhưng tất cả đều thúc giục tổng thống Mỹ giữ cam kết”.

Từ khi vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã muốn hủy thỏa thuận giảm phát thải khí carbon, vốn được thông qua tại Hội nghị COP 21 ở Paris (Pháp) về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ, người tuyên bố theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, đã phản đối thỏa thuận này và thậm chí nghi ngờ tính khoa học của nguyên nhân Trái đất nóng lên.

Bất chấp sức ép từ bà Merkel hay tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump ngày 27-5 lên Twitter thông báo vào tuần tới mới đưa ra "quyết định cuối cùng" về việc liệu Mỹ có tôn trọng thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris năm 2015 hay không.

Nước chủ nhà Ý cố tình chọn Sicily làm địa điểm nhóm họp để làm bật lên vấn đề dòng người từ Trung Đông và Bắc Phi vượt Địa Trung Hải để tràn vào nước này. Hơn 500.000 người đã cập bến nước Ý từ năm 2014, chưa tính thêm 1.400 người được lực lượng cứu hộ đưa vào ngay trong ngày họp 26-5.

Tuy nhiên, sáng kiến của Ý về dịch chuyển nhân lực nhằm giải quyết tình trạng di cư cũng như an ninh lương thực đã không nhận được sự đồng thuận từ Mỹ.

Báo Guardian (Anh) dẫn một văn bản mới của Mỹ cho rằng Washington xem xét vấn đề nhân quyền của dân nhập cư, nhưng khẳng định “có toàn quyền kiểm soát biên giới riêng và đặt ra những giới hạn cụ thể về mức độ nhập cư như yếu tố then chốt của an ninh quốc gia”.

Khúc mắc ở châu Âu

Cuộc họp G7 lần này bị đánh giá khá chia rẽ, một phần vì bản thân châu Âu (có Anh, Pháp, Đức và Ý trong G7) tồn tại quá nhiều vấn đề lớn, trong khi “thành viên quan trọng” Mỹ không thể hiện ý định gì.

Chưa kể trong bốn lãnh đạo châu Âu tham gia G7 năm nay thì có ba người mới đảm nhận trọng trách lèo lái đất nước.

Thủ tướng Anh Theresa May được bầu năm ngoái để giải quyết cuộc khủng hoảng Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sau khi ông David Cameron từ chức. Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni cũng “bất đắc dĩ” nắm quyền sau khi ông Matteo Renzi từ chức vì thất bại trong cuộc trưng cầu cải tổ hiến pháp cuối năm ngoái.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - lãnh đạo trẻ tuổi nhất (40 tuổi) - cũng mới vừa nhậm chức cách đây hai tuần. Trong khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel còn phải đợi đợt bầu cử sắp tới để biết tương lai của mình.

Bản thân châu Âu và EU nói riêng đều gặp những thách thức nội tại, dẫn tới việc khó có thể hoàn toàn đồng thuận cùng lúc nhiều vấn đề.

Lấy ví dụ bên lề cuộc họp G7, Thủ tướng Anh Theresa May tranh thủ nhắn nhủ với Tổng thống Pháp Macron rằng Anh sẽ không trả một xu cho chi phí rời EU mà các lãnh đạo EU đặt ra. Chi phí này được cho là khoảng 86-113 tỉ euro, theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Breugel.

Hôm 26-5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đáp lại khẳng định Anh phải trả số tiền trên như một cách để giữ quan hệ với EU.

Bản thân ông Donald Tusk trong một tuyên bố cùng ngày đã thừa nhận rằng sự kiện ở Sicily là cuộc họp nhiều thách thức nhất của G7 trong nhiều năm trở lại đây, với những vấn đề có thể vượt tầm kiểm soát.

G7 đồng thuận về chống khủng bố

Một trong những chủ đề được cho là bàn thảo thành công tại cuộc họp G7 năm nay là các nước nhất trí đẩy mạnh các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố.

Trong một tuyên bố chung về vấn đề này hôm 26-5 (giờ địa phương), các nước G7 yêu cầu những nhà cung cấp Internet và nền tảng mạng xã hội ngăn chặn nội dung cực đoan trên mạng, nhằm hạn chế việc tuyên truyền cũng như nguy cơ kích động thù hằn.

“Chúng tôi khuyến khích ngành công nghiệp truyền thông, mạng xã hội hành động gấp rút trong việc phát triển và chia sẻ các công cụ, công nghệ mới, nhằm cải thiện việc tự động xác định những nội dung có thiên hướng kích động bạo lực, và chúng tôi cam kết ủng hộ các nỗ lực của lĩnh vực này, bao gồm một diễn đàn chống khủng bố trên mạng” - AFP dẫn nội dung tuyên bố.

Cuộc họp G7 diễn ra không lâu sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom tại thành phố Manchester (Anh) làm ít nhất 22 người chết.

Thủ tướng Anh Theresa May vừa qua cũng kêu gọi các nước thúc đẩy cơ chế phối hợp tốt hơn như cải thiện và chia sẻ thông tin tình báo, thu thập bằng chứng và củng cố các tiến trình pháp lý, cảnh sát ở các nước.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên