25/05/2017 18:10 GMT+7

Trong mắt Việt kiều trẻ: Việt Nam đầy hi vọng và thách thức

TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG
TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG

TTO - Có người không sinh ra ở Việt Nam, có người rời đi từ lúc nhỏ, thế hệ Việt kiều trẻ mang theo nhiều kỳ vọng tích cực trên bước đường trở về quê mẹ để lập nghiệp.

Các diễn giả trao đổi tại buổi nói chuyện tối ngày 24-5 - Ảnh: Ngọc Đông
Các diễn giả trao đổi tại buổi nói chuyện tối 24-5. Từ trái sang: Alexander Tu Nguyen, Chi Ha, Bao Nguyen, Ken Dat Duong, Lien Hoang - Ảnh: Ngọc Đông

Trong buổi nói chuyện có chủ đề “Sài Gòn Đẹp Lắm: Trở về để bước tiếp” do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức tối 24-5, các diễn giả - những Việt kiều trẻ hồi hương trong những năm gần đây để lập nghiệp - hầu hết đều bày tỏ ngạc nhiên trước sự thay đổi của quê cha đất tổ.

Với luật sư Ken Dat Duong, sự thay đổi đó thể hiện ở từng con số tăng trưởng GDP, sức chi tiêu mạnh với sự bùng nổ của công nghệ, của smartphone mà trước đây khi về Việt Nam anh chưa thấy.

Phóng viên báo Bloomberg Lien Hoang cũng chia sẻ cô thấy Việt Nam đang thay đổi rất tích cực, bằng chứng là nhóm siêu giàu ở Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Nhưng giới trẻ cũng năng động với tinh thần khởi nghiệp “ngút trời”. Cô cho biết hầu hết những người bạn mà cô quen ở Việt Nam, bên cạnh công việc chính làm 8 giờ mỗi ngày, đều có nghề “tay trái” như kinh doanh thêm giày dép quần áo tại nhà.

Trong khi đó, nhà làm phim Bao Nguyen và biên đạo múa Alexander Tu Nguyen bày tỏ sự ấn tượng trước sức phát triển của ngành nghệ thuật ở Việt Nam, với sự xuất hiện của hàng loạt rạp chiếu phim và nhiều tài năng trẻ được phát hiện.

“Các nhà làm phim trẻ Việt Nam đã biết kể những câu chuyện của riêng mình, biết ‘xuất khẩu’ hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cho thế giới thấy thế nào là Việt Nam ở hiện tại, đó là một tín hiệu rất tích cực mà tôi nhận thấy”, Bao Nguyen phấn khởi.

Về khía cạnh giáo dục, đại diện Tổ chức Giáo dục Mỹ American Education Group Chi Thuc Ha cũng ghi nhận sự thay đổi trong cách người Việt quan tâm đến giáo dục, khi Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều sinh viên, học sinh theo học tại Mỹ.

Có khoảng 31.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ, chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, và con số này có khả năng còn tăng lên trong vòng 5 năm tới, cô ước tính.

Kỳ vọng để bước tiếp

Chứng kiến những thay đổi tích cực đó, thế hệ Việt kiều trẻ chọn con đường trở về quê hương ấp ủ trong lòng những kỳ vọng về một Việt Nam phát triển vững bền hơn.

Các diễn giả đều hy vọng Việt Nam sẽ không đánh mất bản sắc của mình trên bước đường phát triển. “Tôi không muốn Việt nam trở thành một Singapore, một Hong Kong hay một nơi nào khác cả, tôi muốn Việt Nam là Việt Nam, khi nói đến Việt Nam, thế giới sẽ biết đến Việt Nam là như thế nào”, Alexander Tu Nguyen tâm sự. 

Về phần mình, Lien Hoang hy vọng Việt nam sẽ giữ được cái hồn của văn hóa phố phường, nằm trong các gánh hàng rong ven đường, hay trên con phố đi bộ tấp nập người qua lại dạo chơi, chứ không phải là một đất nước chăm chăm phát triển kinh tế mà quên mất giá trị của mình.

“Tôi rất hy vọng Việt nam sẽ mãi giữ được văn hóa cộng đồng của mình”, Lien chia sẻ niềm kỳ vọng. “Tôi cũng mong thế hệ ngày càng giàu có sau này, sẽ nghĩ về xã hội nhiều hơn, thông qua các hành động thiết thực như bảo vệ môi trường hay giúp đỡ cộng đồng”.

Cũng vì những kỳ vọng và niềm tin vào tương lai của Việt Nam, cùng với tình yêu quê hương cội nguồn, mà hầu hết các diễn giả tiết lộ họ muốn thế hệ con mình cũng sẽ lớn lên ở Việt Nam.

Khi được hỏi sau này sẽ để cho con lớn lên ở Mỹ hay Việt Nam, nhà báo Lien Hoang không giấu diếm việc rất sẵn lòng cho con mình học tại một trường ở Việt Nam, đồng thời sẽ theo dõi và bổ sung cho con các kỹ năng về nghệ thuật, hội họa đề con có thể tư duy hết khả năng.

“Tôi đồng ý rằng vẫn có vấn đề trong việc dạy học sinh sáng tạo, nhưng phải thừa nhận là có những việc mà Việt Nam làm rất tốt, Việt Nam thật sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục”, Lien nói.

Trong khi đó, Alexander Tu Nguyen muốn thấy con mình lớn lên ở Việt Nam và hiểu văn hóa Việt tốt hơn anh, bản thân anh cũng không nghĩ là mình sẽ quay lại Mỹ vì đã kết hôn ở Việt Nam.

Ken Dat Duong còn làm cả khán phòng ở Trung tâm Hoa Kỳ cười ồ khi anh tưởng tượng ra viễn cảnh sinh và nuôi dạy con mình sau hai năm nữa. “Tôi tin vào hệ thống giáo dục ở đây, tôi từng gặp một số học sinh Việt Nam và các em rất giỏi, nói tiếng Anh rất tốt” - anh nói.

Các diễn giả chụp ảnh cùng các khán giả tại buổi nói chuyện ngày 24-5 - Ảnh: Ngọc Đông

Bước qua thách thức

Nhưng tìm ra lối đi riêng không phải là điều dễ dàng. Theo chị Chi Ha, người trẻ ở Việt Nam cần phát triển tư duy phản biện hơn nữa.

Lien Hoang có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nói các doanh nghiệp thường than phiền rằng nhân viên của mình thiếu sự sáng tạo và tư duy phản biện.

Cô kể câu đạp xe vào cuối tuần với những người bạn Việt Nam. Khi đi qua một khu vực công viên ở Phú Mỹ Hưng, các bạn cô ngần ngại không dám đi qua vì sợ không được phép. “Lúc đó tôi nghĩ hãy cứ tiến tới và làm hơn là chờ người khác bảo mình phải làm gì” - cô nói.

Chi Hà cho biết một phần là do cách dạy học ở Việt Nam chủ yếu là học thuộc lòng và cảnh thức đêm học bài vô cùng phổ biến.

Tuy nhiên các học sinh cần có nhiều thời gian để phát triển tư duy phản biện, chị Chi Hà cho biết. Chẳng hạn, “các học sinh hiểu từng từ trong những trang bài tập tôi giao cho các bạn nhưng khi hỏi những đoạn trong bài nghĩa là gì, họ không thể giải thích được. Do đó tư dư phản biện là điều tôi muốn sẽ thay đổi trong giáo dục Việt Nam” - cô kể.

Việt Nam cũng đang chịu tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều người đi du học và ở lại làm việc, định cư ở nước ngoài.

Chi Ha cho biết nhiều sinh viên của chị ngại trở về vì ở Việt Nam họ thường được đề nghị mức lương bằng với một người học tập trong nước cho cùng một công việc. Theo chị, chính phủ Việt Nam nên có các chính sách hỗ trợ các du học sinh, chẳng hạn về thuế.

Trong khi đó, Ken Dat Duong nói nhiều du học sinh trở về khó tiếp nhận được cách làm việc trong các công ty Việt Nam, khó xử với những nhân viên lớn tuổi hơn. “Ở Mỹ, tất cả dựa trên kỹ năng, năng lực, khả năng lãnh đạo, nhưng ở đây có một bức trần bằng kính cản trở họ tiến lên, sự năng lực của họ bị giới hạn chỉ vì một người lớn tuổi hơn” - anh nhìn nhận.

Các quy định, luật rắc rối và nhiêu khê cũng gây khó có nhiều Việt kiều muốn trở về và mở doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, những vấn đề như ô nhiễm khí hậu là thách thức không chỉ Việt kiều mà tất cả người Việt Nam đang phải đối mặt.

Tìm về văn hoá Việt Nam

Chi Ha cho biết dù sống tại Mỹ, chị luôn biết mình đến từ đâu và việc trở về Việt Nam như một lẽ tự nhiên. Trong khi đó, là một phóng viên, Lien Hoang trở về Việt Nam để đưa tin về các câu chuyện trong khu vực còn nhà làm phim Bao Nguyen muốn nghe các câu chuyện về đất nước hình chữ S ngoài chiến tranh. “Tôi cảm thấy mình cần phải thay đổi những câu chuyện về Việt Nam đang được kể ở phương Tây” - anh cho biết. Còn Alexander Tu Nguyen giải thích anh trở về cũng vì muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá Việt Nam. “Tôi luôn thấy mình thiếu điều gì đó và trở về giúp tôi nhận ra điều đó. Tôi là người Mỹ gốc Việt nhưng thiếu vắng phần ‘gốc Việt’, tôi không hiểu về văn hoá Việt Nam” - anh trăn trở.

TRẦN PHƯƠNG - NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên