23/05/2017 14:12 GMT+7

Triều Tiên tăng tốc phát triển tên lửa

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chỉ trong 3 tháng kể từ lần đầu tiên được thử nghiệm, Pukkuksong-2, tên lửa đạn đạo tầm trung được sử dụng trong vụ bắn thử ngày 21-5, đã được công bố đưa vào sản xuất hàng loạt.

*** Error ***
Tên lửa Pukkuksong-2 tại lễ duyệt binh ngày 15-4-2017 ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Các hãng truyền thông lớn dẫn lời giới quốc phòng cho rằng điều này được đánh giá là tốc độ nhanh chưa từng có trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên

“Lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố đầy tự hào rằng Pukkuksong-2 đã trở thành một vũ khí chiến lược thành công. Tỉ lệ đánh trúng của tên lửa là rất cao. Lãnh tụ đã chấp thuận việc triển khai loại tên lửa này vào chiến đấu” - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) viết.

Là một biến thể của tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm Pukkuksong-1 (SLBM), Pukkuksong-2 được triển khai trên xe phóng chạy bằng bánh xích và sử dụng động cơ 2 tầng nhiên liệu rắn. Tháng 2-2017, Triều Tiên lần đầu tiên bắn thử Pukkuksong-2 từ vùng Kusong, phía tây nước này. Tên lửa khi đó được thông báo đã đạt độ cao hơn 550km, bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

KCNA cho biết vụ phóng thử ngày 21-5 nhằm kiểm tra độ tin cậy của loại động cơ sử dụng nhiên liệu rắn và khả năng tách tầng, dẫn hướng đầu đạn hạt nhân giai đoạn cuối; tên lửa đã truyền về Triều Tiên những hình ảnh của Trái đất từ độ cao hơn 500km. Điều này phù hợp với nhận định của giới quan sát quân sự trước đó rằng Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình tên lửa.

“Đối với mục đích quân sự, tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn tỏ ra ưu việt hơn nhiêu liệu lỏng. Nó cho phép khai hỏa một cách nhanh chóng ngay sau khi tên lửa được triển khai tới địa điểm bắn” - tiến sĩ David Wright, giám đốc Chương trình An ninh toàn cầu (Mỹ), nhận định với Reuters.

"Đang đi đúng hướng"

Bất chấp các lệnh trừng phạt đơn phương và đa phương, Triều Tiên vẫn không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, với mục tiêu cuối cùng là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân.

Xâu chuỗi lại các sự kiện có thể thấy Triều Tiên đang đi đúng hướng như Triều Tiên lên kế hoạch trước đây. Vụ bắn thử tên lửa ngày 21-5 là lần phóng thử thứ 84 được tiến hành dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un kể từ khi ông lên cầm quyền cuối năm 2011, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ.

Tháng 2-2016, Triều Tiên bắn thành công tên lửa đẩy Unha-3, đưa vệ tinh vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời. Unha-3 thực chất là phiên bản dân sự của ICBM Taepodong-2 có tầm bắn 10.000-15.000km (3 tầng động cơ), hoặc từ 4.000-10.000km (2 tầng động cơ). Tháng 9 cùng năm, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công động cơ đẩy tên lửa thế hệ mới.

Tháng 1-2017, trong thông điệp đầu năm mới, ông Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đang đạt tới giai đoạn cuối cùng của việc chế tạo một ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào Mỹ.

Tháng 3-2017, Bình Nhưỡng tuyên bố lần thứ hai thử thành công động cơ đẩy tên lửa thế hệ mới. Cùng thời gian đó, nước này tuyên bố đã “thu nhỏ” thành công đầu đạn hạt nhân có thể lắp trên các tên lửa đạn đạo có trong biên chế.

Tháng 5-2017, Triều Tiên bắn thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-12 có tầm bắn đủ sức đe dọa căn cứ Guam của Mỹ. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng và được bắn ở góc cao để tránh “đe dọa đến an ninh của các quốc gia xung quanh” như KCNA khẳng định.

Đầu đạn tự quay lại bầu khí quyển?

Roh Jae Cheon, người phát ngôn của tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, ngày 22-5 xác nhận: “Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ tin rằng Triều Tiên đã có được nhiều dữ liệu quan trọng để tăng cường độ tin cậy và chính xác của tên lửa qua vụ thử”.

Tuy nhiên, theo Yonhap, Hàn Quốc vẫn đang đánh giá và xác minh khả năng đầu đạn của Triều Tiên có thể tự quay lại bầu khí quyển Trái đất hay không. Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt để đánh giá sự thành công của một tên lửa đạn đạo.

 Mỹ - Nhật dọa trừng phạt

Từ Saudi Arabia, phát biểu khi đang tháp tùng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Đông ngày 21-5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục tăng sức ép về kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cùng ngày nhắc lại quan điểm của Tokyo đối với các vụ bắn thử tên lửa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. “Chúng tôi cực lực phản đối vụ bắn thử ngày 21-5 và những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Triều Tiên. Cần phải giảm các nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng, ngăn chặn việc vận chuyển và chuyển giao công nghệ tên lửa. Nhật Bản sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt đơn phương nhắm vào Triều Tiên” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Suga.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên