23/05/2017 09:02 GMT+7

Ông Trump thăm Israel: Làn gió mát cho điểm nóng Trung Đông?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Trưa 22-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đoàn đã đến Tel Aviv, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của ông tới Israel trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ.

*** Error ***
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Bức tường Than khóc ở Jerusalem - Ảnh: AFP

Đích thân Tổng thống Israel Reuven Rivlin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phu nhân đã ra tận sân bay đón nhà lãnh đạo Mỹ.

Chuyến thăm của ông Trump được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mát cho khu vực vốn đang có quá nhiều căng thẳng như Trung Đông.

“Bước ngoặt lịch sử”

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel sau khi thăm Jerusalem, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông cảm thấy vinh dự khi là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm bức tường phía tây tại đông Jerusalem. Đây là lần thứ hai ông Netanyahu và ông Trump gặp nhau, lần trước đó là tại Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện khá ngắn gọn trước sự chứng kiến của các phóng viên. Nội dung chủ yếu nhắc đến an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực Trung Đông. Liên quan tới Iran, Tổng thống Mỹ gọi thỏa thuận hạt nhân đạt được với nước này là một “sự thất bại rõ ràng, hoàn toàn”, một quan điểm đã được ông duy trì trong suốt thời gian tranh cử và thăm Saudi Arabia hai ngày gần đây.

“Chuyến thăm đầu tiên của ngài đến khu vực này có thể sẽ là một bước ngoặt lịch sử trên con đường tiến tới hòa giải và hòa bình” - Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu trong lễ đón ông Trump trước đó tại sân bay.

Nhà lãnh đạo Israel nhấn mạnh quốc gia này luôn sẵn sàng chìa tay một cách hòa bình với tất cả các nước trong khu vực, “bao gồm cả người Palestine”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông thấy trước mắt mình và tất cả các nước trong khu vực một cơ hội cho hòa bình, dù “rất mong manh và hiếm có”.

“Chúng ta đang đứng trước một cơ hội hiếm hoi để đem lại hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực này, người dân nơi đây. Nhưng chúng ta chỉ có được cơ hội đó một khi chúng ta hợp tác cùng nhau. Đó là cách duy nhất” - Tổng thống Trump nhấn mạnh chuyến thăm đến Saudi Arabia trước đó đã cho ông niềm hi vọng này.

10.000 cảnh sát bảo vệ ông Trump

Tổng thống Trump, đầu đội yarmulke - trang phục truyền thống của người Do Thái giáo, đặt tay phải lên bức tường than khóc, mắt nhắm nghiền. Bất chấp các yêu cầu của quan chức Israel, ông Trump cùng phu nhân và con rể Jared Kushner - một người Do Thái - đã đến địa điểm trên mà không có ai tháp tùng.

Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm địa điểm được xem là thiêng liêng nhất của người theo đạo Do Thái.

Bức tường than khóc (hay còn gọi là bức tường phía tây) nằm ở khu vực đông Jerusalem, hiện do Israel kiểm soát. Vị trí đặc biệt của bức tường đã biến chuyến thăm của ông Trump thêm nhiều ý nghĩa.

Theo Đài truyền hình NBC của Mỹ, hơn 10.000 nhân viên an ninh Israel đã được huy động bảo vệ chuyến thăm của ông Trump tới Jerusalem. Một chiến dịch mang tên “Blue shield” (tạm dịch: Khiên xanh) cũng được triển khai đảm bảo an ninh trong suốt chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ.

Xích lại gần nhau nhờ Iran

Trước đó, trong chuyến thăm kéo dài hai ngày đến Riyadh, người đứng đầu nước Mỹ đã nhận được sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm của Quốc vương Saudi Arabia. Và rồi khi chiếc Không lực Một bay từ Riyadh hạ cánh xuống Jerusalem, người ta nhận ra dường như đây là lần đầu tiên có một chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia vốn bằng mặt mà chẳng bằng lòng trong khu vực.

Ngay sau lễ đón tiếp ngắn gọn nhưng trọng thị tại sân bay, Tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Israel Reuven Rivlin tại Phủ tổng thống Israel.

“Một trăm năm rồi, chúng ta nguyện cầu cho hòa bình, chúng ta thúc đẩy hòa bình. Với lòng xót thương của Chúa, một người nào đó sẽ mang lại nền hòa bình cho khu vực”, CNN dẫn lời Tổng thống Israel.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Trẻ em Israel và Palestine xứng đáng được lớn lên trong nền hòa bình”.

Phát biểu trong cuộc gặp, ông Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm cứng rắn của chính quyền mới ở Washington đối với Iran, đồng thời nhấn mạnh “một nền hòa bình” và “những điều tích cực” đang sắp đến khu vực: “Điều quan trọng nhất là Mỹ và Israel có thể cùng tuyên bố rằng Iran dứt khoát không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân và phải ngừng các hoạt động tài trợ, huấn luyện và vũ trang cho các nhóm khủng bố, phiến quân ngay lập tức”.

Có thể thấy, cách tiếp cận cứng rắn với Iran của chính quyền Trump đã làm được lòng hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực. Israel và Saudi Arabia có thể không ưa nhau, nhưng họ có chung một đối thủ là Iran và ông Trump hẳn đã hiểu rất rõ điều này.

Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố mối đe dọa mà Iran tạo ra, vô hình trung đã khiến Israel và khối Ả Rập vốn bất hòa từ trước đến nay xích lại gần nhau hơn.

Chưa rõ số phận Đại sứ quán Mỹ

Chi tiết đắt giá nhất cho thái độ của Mỹ với mối quan hệ Israel - Palestine nằm ở Đại sứ quán Mỹ. Trước đây, ông Trump từng gây sốt dư luận với ý định dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel, từ Tel Aviv về Jerusalem. Điều này mặc nhiên là biểu hiện cho thấy ông Trump công nhận Jerusalem là lãnh thổ của Nhà nước Israel, và đó là điều người Palestine chắc chắn phản đối.

Tuy nhiên từ tuần trước, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ ông Trump đã trì hoãn quyết định này. Trả lời phỏng vấn báo Israel Hayom ngay trước chuyến đi, ông Trump cũng khẳng định chuyện dời đại sứ quán đang được xem xét, và “chúng tôi sẽ nói toàn bộ về nó trong tương lai”.

Điều đó phản ánh phần nào cách tiếp cận của ông Trump ở thời điểm hiện tại, là ưu tiên không đề cập trực tiếp tới xung đột Israel - Palestine. Thay vào đó, ý tưởng tìm giải pháp cho “thỏa thuận sau cùng” này thực chất rất mơ hồ, vì ông Trump từ chối đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về thỏa thuận ấy - Đài Al Jazeera (trụ sở Qatar) nhận xét. (Nhật Đăng)

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên