22/05/2017 14:59 GMT+7

Canada tố cáo hầu hết nhà báo Trung Quốc làm gián điệp

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong nhiều năm qua, Cục An ninh tình báo Canada đã giám sát các nhà báo Trung Quốc thường trú ở Ottawa vì nghi ngờ họ làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Nhân viên an ninh đưa phóng viên của Nhân dân Nhật báo (phải) ra ngoài vì người này xô đẩy nữ trợ lý của thủ tướng Canada - Ảnh: Reuters
Nhân viên an ninh đưa phóng viên Lý Học Giang của Nhân dân Nhật báo (phải) ra ngoài vì người này xô đẩy nữ trợ lý của thủ tướng Canada - Ảnh: Reuters

Theo điều tra riêng của báo La Presse (Canada) công bố trong tháng 5 này, Cục An ninh tình báo Canada (trực thuộc Bộ An ninh Công cộng) quan tâm đặc biệt đến các phóng viên thuộc cơ quan thường trú của Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tại thủ đô Ottawa.

80% phóng viên Trung Quốc làm gián điệp

Các phóng viên Trung Quốc thường trú đã gia nhập Diễn đàn Báo chí Quốc hội (tổ chức quy tụ các phóng viên nghị trường) thì vẫn có quyền ưu tiên tham dự các sự kiện do Văn phòng thủ tướng, các bộ hoặc các cơ quan chính phủ Canada tổ chức.

Một nguồn tin giấu tên từng giữ vị trí quan trọng trong chính phủ trước đây của Thủ tướng Stephen Harper (2006-2015) tiết lộ: “Trong chính phủ ai cũng biết phóng viên các báo này giữ vai trò rất rõ tại Ottawa. Đó là thu thập thông tin chiến lược mà chính phủ Trung Quốc quan tâm. Bởi vậy ngay tại Ottawa cũng phải hành xử cẩn thận để tránh bị dò xét”.

Một cựu nhân viên cấp cao của Cục An ninh tình báo Canada khẳng định tất cả cơ quan tình báo phương Tây mà đặc biệt là liên minh tình báo Five Eyes (Canada, Mỹ, Anh, Úc và New Zealand) đều minh định phóng viên Trung Quốc đều phục vụ cho chính phủ Trung Quốc.

Nguồn tin này nhấn mạnh: “Họ là gián điệp. Chúng tôi đánh giá 80% phóng viên Trung Quốc trên thế giới làm gián điệp”.

Báo La Presse đã liên lạc để hỏi thêm về vấn đề này nhưng văn phòng đại diện của hai tờ báo Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tại Ottawa cũng như đại sứ quán Trung Quốc đều không trả lời.

Sa bẫy tình của nhà báo nữ Trung Quốc

Dưới thời Thủ tướng Stephen Harper, hãng thông tấn Tân Hoa xã có ba phóng viên thường trú tại Ottawa. Hiện nay Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo cử mỗi báo một phóng viên đưa tin thời sự tại Ottawa.

Phản hồi với báo La Presse, ông Dan Brien, giám đốc truyền thông của bộ trưởng Bộ An ninh công cộng, không cung cấp chi tiết mục đích điều tra đối với các phóng viên Trung Quốc. 

Ông giải thích: “Luật quy định về Cục An ninh tình báo rất rõ. Cục chỉ có thể mở cuộc điều tra đối với một phóng viên nếu có đủ thông tin cho thấy phóng viên này tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia”.

Một nguồn tin giấu tên cho biết trong các báo cáo hàng tuần về an ninh quốc gia cho thủ tướng đều thường xuyên nói đến hoạt động gián điệp của các viên chức Trung Quốc hoặc phóng viên Trung Quốc. Cũng vì thế mà lúc còn đương nhiệm, Thủ tướng Stephen Harper giữ thái độ không mấy mặn mà trong quan hệ với Trung Quốc.

Trường hợp của hạ nghị sĩ Bob Dechert là ví dụ tiêu biểu. Một cựu lãnh đạo Cục An ninh tình báo Canada tiết lộ hồi tháng 9-2011, có tin ông Dechert đã gửi thư điện tử mùi mẫn cho một phóng viên nữ của Tân Hoa xã ở Toronto.

Lúc đó ông Dechert giữ chức thư ký Quốc hội của Ngoại trưởng John Baird và như vậy có thể nắm được một số tài liệu mật. Chồng của phóng viên nữ nọ đọc được thư và đã chuyển cho một số nhà báo xem.

Nguồn tin khẳng định ông Dechert đã rơi vào bẫy tình của phóng viên nữ nọ. Sau đó, ông Dechert đã bị Cục An ninh tình báo Canada điều tra.

Phóng viên chỉ lo chụp ảnh quân sự!

Năm 2011, văn phòng Thủ tướng Stephen Harper rất ngạc nhiên khi các phóng viên Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đăng ký theo đoàn của thủ tướng đến thăm Bắc cực. Cũng các phóng viên này tham gia chuyến thăm Bắc cực của thủ tướng vào năm 2012 và 2013.

Một cộng sự cũ của Thủ tướng Harper kể trong các chuyến thăm, nhà báo Lý Học Giang của tờ Nhân dân Nhật báo không quan tâm chụp ảnh sự kiện liên quan đến thủ tướng mà chỉ canh me chụp rất nhiều ảnh về các cơ sở quân sự và trang thiết bị của quân đội Canada như máy bay, trực thăng.

Thủ tướng Stephen Harper (thứ hai từ phải sang) đến Bắc cực năm 2012 -
 Ảnh: Bộ Quốc phòng Canada
Thủ tướng Stephen Harper (thứ hai từ phải sang) đến Bắc cực năm 2012 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Canada

Trong chuyến đi năm 2013, phóng viên này xô đẩy nữ trợ lý báo chí của thủ tướng khi bị từ chối đặt câu hỏi và định giật micro. Lực lượng an ninh phải áp giải người này ra khỏi phòng. 

Năm sau, Văn phòng thủ tướng quyết định không cho phóng viên Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã tháp tùng chuyến đi Bắc cực.   

Năm 2016, theo đề nghị của Cục An ninh tình báo Canada, Hạ viện thông báo với Diễn đàn Báo chí Quốc hội sẽ siết lại quy định an ninh đối với các phóng viên mới đăng ký đưa tin Quốc hội như lấy dấu vân tay, kiểm tra lý lịch tư pháp. Tuy nhiên do Diễn đàn Báo chí Quốc hội phản đối nên các biện pháp này chưa được thực hiện.    

Nhà báo Canada bị mua chuộc

Nhà báo Mark Bourrie đã viết tin về nghị trường Quốc hội từ nhiều năm nay. Ông đã có thời gian cộng tác với cơ quan thường trú Tân Hoa xã ở Ottawa khoảng một năm rưỡi. 

Ông kể năm 2010, Trương Đại Thành - trưởng cơ quan thường trú Tân Hoa xã - giải thích rằng Tân Hoa xã muốn tăng cường sự hiện diện và thông tin vì Trung Quốc chưa có hãng thông tấn nổi tiếng như AFP, Reuters, La Presse.

Sau đó, trưởng cơ quan thường trú đưa ra lời mời cộng tác. Ông Bourrie đồng ý nhưng có hơi ngờ vực. Vài người trong Diễn đàn Báo chí Quốc hội nói nhỏ với ông họ tin rằng Trương Đại Thành là gián điệp.

Ông Bourrie viết chủ yếu về bầu cử liên bang năm 2011 hoặc các tin thông thường đại loại như thông báo của Ngân hàng trung ương Canada chứ ít viết về các vấn đề quân sự, trừ máy bay chiến đấu F-35.

Mùa xuân năm 2012, lúc đức Đạt lai Lạt ma thăm Ottawa trong hai, ba ngày, có một cuộc hội thảo tổ chức ở Ottawa. Trương Đại Thành nhờ ông Bourrie theo dõi sự kiện này.

Khi ông hỏi viết bài dài chừng bao nhiêu từ, người này nói chỉ muốn ông ghi chép sự kiện chứ không cần câu chuyện. 

Sau đó có một sự kiện khác ở công viên Lansdowne. Trương Đại Thành đến đó và hỏi Bourrie: “Anh có biết Thủ tướng Stephen Harper và Đạt lai Lạt ma trò chuyện về chủ đề gì không?”. Nhà báo Canada trả lời “không”.

Trả lời báo La Presse hồi đầu tháng 5-2017, nhà báo Mark Bourrie quả quyết Trương Đại Thành là gián điệp vì khi ông hỏi bài viết của ông sẽ được xử lý thế nào, người này trả lời sẽ gửi trực tiếp về Bắc Kinh chứ không đăng báo.

Từ đó ông chấm dứt cộng tác với Tân Hoa xã và gửi thư cho Diễn đàn Báo chí Quốc hội thông báo Trương Đại Thành là gián điệp Trung Quốc.

Nhà báo Mark Bourrie kể một lần nọ, trưởng cơ quan thường trú Tân Hoa xã Trương Đại Thành nhờ ông thu thập tên và địa chỉ những người biểu tình trong chuyến thăm Ottawa của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2010 nhưng ông đã từ chối. Ông biết trưởng cơ quan thường trú rất thân cận với người của đại sứ quán Trung Quốc.
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên