19/05/2017 14:14 GMT+7

Những chuyện chưa kể về bầu cử tổng thống Iran

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - 56 triệu cử tri đi bỏ phiếu ngày hôm nay để bầu ra vị tổng thống thứ 13 của nền Cộng hòa Hồi giáo Iran (ra đời sau Cách mạng Hồi giáo tháng 1-1979). 

Đại giáo chủ Ali Khamenei bỏ phiếu tại thủ đô Tehran sáng 19-5 - Ảnh: Reuters
Đại giáo chủ Ali Khamenei bỏ phiếu tại thủ đô Tehran sáng 19-5 - Ảnh: Reuters

Cuộc vận động tranh cử chính thức diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, với 6 ứng viên được Hội đồng bảo hiến phê duyệt “dủ tư cách”.

Nhưng đến ngày 15-5, chỉ còn lại 2 ứng viên nổi trội, là tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani đại diện cho phe ôn hòa - cải cách và đại giáo chủ Ibrahim Raisi đại diện cho phe giáo quyền nguyên gốc.

Đấu khẩu thẳng thừng

Các ứng viên được quyền tổ chức các hoạt động công chúng vận động bầu cử theo lịch trình đã được Hội đồng bầu cử tối cao thuộc Bộ Nội vụ cấp phép. Thậm chí còn có 3 cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp giữa các ứng viên.

Càng sát ngày 19-5, đôi bên tranh chấp càng thể hiện tính quyết liệt trong phê phán và công kích lẫn nhau, cả về đường lối tranh cử và nhân thân ứng viên.

Ứng viên Rouhani tố cáo Raisi và ứng viên cùng phe là Mohammad Bagher Ghalibaf (thị trưởng thủ đô Tehran) là “không làm gì suốt 38 năm qua ngoài việc giết người Iran”! 

Đây là lời kết tội nặng nề nhất nhắm vào nhân thân hai ứng viên hàng đầu của phe giáo quyền nguyên gốc này.

Quả thực hồi cuối thập niên 1980, ông Raisi là tổng chưởng lý của Tòa án giáo quyền. Khi ấy, ông này bị phe đối lập tố cáo là đã tham gia giết hại hàng ngàn người “chống đối” khi họ đang thụ án trong nhà tù.

Còn ông Ghalibaf thì nổi tiếng “tàn bạo” trong các sự kiện tại thủ đô hồi cuối năm 2009. Khi ấy, phe đối lập (gọi là Phong trào Xanh) phát động phản kháng đường phố quyết liệt tại Tehran và nhiều thành phố lớn khác, để phản đối điều họ cho là “gian lận” để tổng thống Mahmoud Ahmadinejad thắng cử nhiệm kỳ hai. Lực lượng vệ binh cách mạng đã thẳng tay đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình này. Hàng ngàn người bị bắt. Thủ lĩnh Phong trào Xanh Mausawi bị phạt “quản chế” từ đó đến nay!

Thậm chí, ngày 17-5, trong một cuộc vận động bầu cử trước đám đông tại thành phố Mash’had - một thành trì của phe giáo quyền nguyên gốc, tổng thống Rouhani đã dám công khai phê phán, nhưng không nhắc đích danh, đại giáo chủ Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei khi nhắc tới ông này là “người cứ tưởng rằng mọi quyền bính đều trong tay mình”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani bỏ phiếu tại thủ đô Tehran sáng 19-5 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Iran Hassan Rouhani bỏ phiếu tại thủ đô Tehran sáng 19-5 - Ảnh: Reuters

Tố cáo kiểu mạt sát

Ông Rouhani cũng coi toàn bộ hệ thống giáo quyền, gồm cả Vệ binh cách mạng và giới truyền thông do giáo quyền khống chế là “lừa đảo” trong khi coi phe của ông là “trung thực”. Ông công khai kêu gọi Vệ binh cách mạng “hãy tránh xa tranh chấp đảng phái và không can thiệp vào chính trị”.

Đáp lại, đại giáo chủ Raisi phê phán ông Rouhani là ảo tưởng vào thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với các nước lớn hồi năm 2015. Ông Raisi cho rằng thỏa thuận ấy không có gì đảm bảo để Iran có thể tránh được chiến tranh do Mỹ và Israel gây ra.

Ứng viên đại diện phe giáo quyền nguyên gốc công kích Rouhani là hi vọng hão huyền vào các thế lực bên ngoài để mong giải quyết các vấn đề gay cấn trong nước. Dẫn chứng cụ thể là trừng phạt quốc tế không được dỡ bỏ, kinh tế tiếp tục đình đốn, nhà máy đóng cửa, thất nghiệp tràn lan, đời sống nhân dân thêm khó khăn… Ứng viên Raisi còn tố cáo chính phủ của tổng thống Rouhani là “một tập thể tham nhũng tệ hại”!

Cuộc đấu khẩu công khai quyết liệt giữa các ứng viên của hai bên đối nghịch nhau trong vận động tranh cử đã phơi bày thực trạng mâu thuẫn nặng nề trong chính giới Iran, nhất là giữa phe giáo quyền nguyên gốc với những người được coi là “cải cách- ôn hòa”.

Bà Shirin Ebadi - người Iran đoạt giải thưởng Nobel hòa bình năm 2003- khẳng định “hồ sơ nhân quyền của tất cả các ứng viên tổng thống Iran lần này, kể cả Rouhani, đều là tồi tệ không thể chấp nhận được”.

Cuối cùng, đại giáo chủ Ali Khamenei đã phải lên tiếng cảnh báo các ứng viên không được dùng diễn đàn tranh cử để làm tổn hại đến lợi ích của chế độ Cộng hòa Hồi giáo!

Chọn giữa "tệ và tệ hơn"?

Phe ôn hòa và cải cách cho rằng ứng viên Rouhani có nhiều khả năng thắng cử, bởi “không còn lựa chọn nào khác” tốt hơn cho tương lai của Iran trong hoàn cảnh hiện nay. Nếu ông Raisi trở thành tổng thống thì có nghĩa là Iran phải đối phó với trừng phạt quốc tế khắc nghiệt và tình trạng cô lập quốc tế tồi tệ hơn.

Một số bình luận từ trong Iran cho rằng cuộc bầu cử không có tính chất dân chủ và minh bạch; cử tri không có quyền lựa chọn nào khác hơn là buộc phải chấp nhận giữa “một ứng viên tệ và một ứng viên khác tệ hơn”.

Cử tri Iran ở thủ đô Tehran chờ bỏ phiếu sáng 19-5 - Ảnh: Reuters
Cử tri Iran ở thủ đô Tehran chờ bỏ phiếu sáng 19-5 - Ảnh: Reuters

Một bình luận trên báo aawsat ngày 17-5 như sau: Theo tính toán thông thường, ông Rouhani thắng dễ nếu không có gian lận khi bỏ phiếu hoặc lèo lái trong kiểm phiếu! Nhưng phe bảo thủ sẽ không chấp nhận như vậy. Ông Rouhani có vẻ sẽ không dễ dàng ngoan ngoãn và phục tùng Lãnh tụ tối cao như các tổng thống trước đây. Bởi thế, Vệ binh cách mạng và giới bảo thủ sẽ hành động để gạt Rouhani khỏi ghế tổng thống. Giới trung lưu và dân thành thị sẽ bầu cho Rouhani nhiều hơn, nhưng dân nông thôn và vùng xâu vùng xa chịu sự khống chế về thần quyền giáo lý, lại bất mãn vì đời sống không được cải thiện, sẽ bầu cho Raisi nhiều hơn. Còn nếu kết quả bỏ phiếu bất lợi cho Raisi thì… “Vệ binh cách mạng sẽ hành động”!

Lập trường của phe giáo quyền ủng hộ ứng viên Raisi được công khai trên báo Kihan - nhật báo chính thức của Iran, ngày 11-5 khi xã luận của báo này kêu gọi bầu cho ứng viên Raisi với lập luận đậm màu giáo lý rằng điều đó “sẽ tạo cơ hội cho Imam al-Mahdi (vị thánh được dòng Shiite Iran tôn sùng) sớm hiển hiện” (?!).

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên