13/05/2017 10:17 GMT+7

Sang Nhật học... sống với động đất

THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật Bản)
THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật Bản)

TTO - Ở đất nước cứ vài phút có rung lắc mặt đất như nước Nhật, việc chuẩn bị không chỉ về tâm thế mà cả các thói quen ứng phó cho người dân đã giúp giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai.

Cảm nhận rung lắc “giả định động đất” trên sàn máy ngày 2-5 - Ảnh: THANH LIÊM
Cảm nhận rung lắc “giả định động đất” trên sàn máy ngày 2-5 - Ảnh: THANH LIÊM

Ở Nhật, các cấp chính quyền địa phương đều được huấn luyện về cách phát thông tin hướng dẫn di tản dân, cung cấp thực phẩm và chỗ lưu trú cho người bị ảnh hưởng từ thiên tai

Một nữ quan chức của TP Yokohama

“Các bạn đã hoàn thành tốt bài tập trải nghiệm”. Cửa bật mở, huấn luyện viên phát lời nhận định và cười lớn với nhóm 10 người chúng tôi. Những người chứng kiến bên ngoài vỗ tay phấn khích.

Trải nghiệm như thật

Phần trải nghiệm trong căn phòng nhỏ vào thời điểm động đất này là phần cuối của chuỗi bài tập về cảm nhận động đất và thực hành các bước giúp thoát nạn.

Trong phòng, âm thanh và hình ảnh được tái hiện với cảnh tủ bàn đổ ập, tường nứt toác, mảnh chén bát vỡ đầy ra đất.

Người trong phòng phải biết cách tránh hiểm nguy gây thương vong cho mình, chịu đựng những cơn chấn động để thoát ra ngoài.

Nhóm chúng tôi được đánh giá hoàn thành bài tập bởi còn tiết mục “lửa phát cháy” (hình ảnh phát bất chợt ở một góc phòng) và một người trong nhóm đã kịp lấy bình cứu hỏa nhỏ dập tắt.

Trong số ba bài tập trước đó, chúng tôi đã được hướng dẫn cách thao tác với bình chữa cháy, cảm nhận các rung chấn (ở hai cấp độ nhẹ và vừa trên một sàn máy với âm thanh và hình ảnh của một trận động đất thực tế) và cúi thấp người thoát khỏi phòng có khói.

Trung tâm hướng dẫn giảm thiểu nguy cơ thiên tai Yokohama ở thành phố Yokohama của Nhật được thành lập năm 1983, với mục tiêu giúp người dân của thành phố giảm thiểu các nguy cơ có thể xảy đến với bản thân và người thân của mình.

Kể từ sau trận động đất khủng khiếp ở Kobe ngày 17-1-1995 làm 6.000 người thiệt mạng, nước Nhật càng ý thức mạnh mẽ hơn về việc phải chuẩn bị cho người dân về những kiến thức và biện pháp phòng chống thiên tai, đặc biệt là động đất.

Nghĩ đến dân trước

Nước Nhật nằm ở điểm giao của bốn mảng kiến tạo, đến nay đã hứng chịu đến 20% số trận động đất lớn nhất toàn cầu được ghi nhận.

Thậm chí các tính toán số liệu cho biết cứ mỗi 5 phút ở một phần nào đó của nước Nhật lại bị rung lắc.

Vì thế ở nhiều thành phố lớn, các trung tâm giảm thiểu thiên tai ra đời phục vụ cộng đồng, trung tâm ở Yokohama thuộc trong số đó.

Người dân được vào tham quan và thực tập miễn phí ở các trung tâm này, theo lời một đại diện chính quyền của thành phố Yokohama.

Ngoài việc hướng dẫn người dân các thao tác thoát nạn và giúp người thân, người xung quanh thoát nạn trong trường hợp có thiên tai, khắp các hành lang của trung tâm ở Yokohama đều có những hình minh họa dễ hiểu với màu sắc tươi tắn giải thích từ cơ chế gây ra động đất đến cơ chế gây ra cháy nổ khi có động đất và cách khắc phục. Những bản tranh minh họa này nhắm đến trẻ em vào tham quan trung tâm.

Ở các trung tâm như tại Yokohama còn có lực lượng cứu hộ với các phương tiện tác nghiệp hiện đại. Đây chính là lực lượng sẽ hỗ trợ cứu giúp người dân nhanh nhất và nhiều nhất khi tai họa xảy ra.

Hằng năm, các lực lượng này ở khắp nước Nhật đều tham gia vào cuộc diễn tập chống động đất đúng vào ngày 1-9 kỷ niệm trận đại động đất từng xảy ra hồi năm 1923 khiến vô số người thiệt mạng.

Trong cuộc tổng diễn tập đó, tình huống được đưa ra là động đất lên đến 7,3 độ Richter khiến nhiều người thương vong. Thông thường các quan chức, kể cả thủ tướng Nhật, sẽ cùng hàng trăm ngàn người dân Nhật tình nguyện tham gia vào ngày tổng diễn tập này.

Rất nhiều quốc gia đã bắt đầu học hỏi nước Nhật về cách thức hướng dẫn cho dân chúng phòng chống thiên tai.

Tính ra việc đưa huấn luyện viên vào tận trường học giúp học sinh hiểu biết về các cách thức cơ bản tự bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất đã bắt đầu từ hơn 50 năm trước ở Nhật.

Đến nay nó đã được hoàn thiện hơn nhiều và được chứng minh hiệu quả qua những trận động đất kinh hoàng mà theo đánh giá của các chuyên gia là sẽ hỗn loạn và thiệt hại trầm trọng hơn nếu xảy ra ở các nước khác.

Nhật là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ghi nhận động đất vào dữ liệu khoa học từ thời Thiên hoàng Minh Trị (1868-1912).

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn lo lắng về khả năng xảy ra trận đại động đất gọi là “Big One” ở các vùng Tokai và Tokyo mà người ta tính toán là theo chu kỳ có thể sắp xảy ra sau trận “Big One” vào năm 1923 ở Kanto từng làm thiệt mạng hơn 140.000 người.

THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên