24/04/2017 10:38 GMT+7

Cuộc bầu cử khó đoán định 

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Gần 47 triệu cử tri Pháp ngày 23-4 đi bầu tổng thống trong tình hình an ninh siết chặt và với một kịch bản khá chắc chắn: chọn ra hai ứng viên bước vào cuộc đua song mã tháng sau.

Công dân Pháp sống ở Tunisia đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại thành phố Tunis ngày 23-4 - Ảnh: Reuters
Công dân Pháp sống ở Tunisia đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại thành phố Tunis ngày 23-4 - Ảnh: Reuters

Thời gian bỏ phiếu diễn ra từ 8h - 20h theo giờ Paris (từ 13h ngày 23 đến 1h ngày 24-4 ở Việt Nam). Theo luật định của Pháp, để đắc cử ở ngay vòng đầu, ứng cử viên phải giành đủ số phiếu quá bán.

Tuy nhiên, dự kiến sẽ không có ứng cử viên nào chiến thắng tuyệt đối ở vòng 1 và hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra ngày 7-5.

Tại đó, ứng cử viên nào có số phiếu cao hơn sẽ ngồi vào ghế tổng thống.

An ninh siết chặt

Bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt sau vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris làm một cảnh sát thiệt mạng.

Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử.

Trước đó, Bộ Nội vụ Pháp cũng đã thông báo ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.

An ninh trở thành yếu tố gây ám ảnh đến nỗi Đại sứ quán Pháp tại New York phải sơ tán hôm 22-4 vì báo động bom giả trong khi các công dân Pháp đang bỏ phiếu tại đây.

CBS dẫn lời cảnh sát cho biết “kẻ tình nghi” hóa ra chỉ là một sợi dây sạc điện thoại thò ra bên ngoài túi xách trên một chiếc xe đậu trước đại sứ quán.

Việc bỏ phiếu tiếp tục sau đó nhưng các cử tri bị một phen hú vía.

Theo đánh giá của giới quan sát, ứng viên độc lập Emmanuel Macron và chủ tịch Đảng Mặt trận dân tộc cực hữu Marine Le Pen sẽ nắm tay nhau bước vào cuộc đua ngày 7-5.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ngờ tiềm ẩn trong cuộc bầu cử tổng thống khó dự đoán nhất của Pháp trong hàng thập kỷ qua khi có gần 1/4 cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bầu cho ai trong cuộc thăm dò mới nhất.

Tỉ lệ đi bầu dự kiến cũng sẽ không cao, vào khoảng 72%.

Trong khi đó, ứng viên François Fillon đang xoay chuyển được phần nào tình thế sau nhiều tháng lao đao vì bê bối trả lương cho vợ.

Bảy ứng viên còn lại, bao gồm ứng viên của Đảng Xã hội cầm quyền, tuột lại ở rất xa trong các cuộc thăm dò.

Nhưng nếu ông Macron (39 tuổi) và bà Le Pen (48 tuổi) chiến thắng vòng 1 thì tại cuộc đua song mã tháng sau, bất cứ ai giành chiến thắng cũng sẽ đánh dấu sự thay đổi toàn cục bức tranh chính trị của Pháp bởi sẽ không còn đại diện nào của các chính đảng đã cầm quyền hàng thập kỷ qua.

“Nó sẽ không còn là chia rẽ giữa bên tả và bên hữu mà còn là sự va chạm giữa hai quan điểm. Ông Macron đã nhận mình là một nhà tiến bộ chống bảo thủ, trong khi bà Le Pen là một nhà ái quốc chống chủ nghĩa toàn cầu” - Reuters dẫn lời chuyên gia Jerome Fourquet nhận định.

Lo cho số phận EU

Ông Macron muốn củng cố khu vực đồng euro, trong khi bà Le Pen khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ “đi đời”.

Nhưng kịch bản đáng sợ nhất là bà Le Pen cạnh tranh cùng ông Melenchon, một người chủ trương cải tổ mạnh mẽ EU và trưng cầu ý dân rời khỏi khối này, cũng có thể xảy ra.

“Có một bí mật mà ai cũng biết là chúng ta sẽ không ăn mừng điên cuồng nếu kết quả bỏ phiếu ngày chủ nhật dẫn đến cuộc đua vòng 2 giữa Le Pen và Melenchon” - Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói, cho biết cuộc bầu cử tổng thống Pháp có thể đe dọa kinh tế cả thế giới.

Giới quan sát cũng đang theo dõi liệu làn sóng chủ nghĩa dân túy nổi lên từ cuộc trưng cầu ý dân Brexit và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ tiếp tục dâng hay sẽ hạ xuống.

Các nước EU đặc biệt lo ngại khả năng ứng cử viên cực hữu Le Pen thắng cử có thể kéo theo kịch bản “Frexit” (tương tự kịch bản Brexit ở Anh), và như vậy nguy cơ EU tan rã là khó tránh khỏi.

Theo giáo sư Edoardo Novelli - nhà xã hội học và chính trị học thuộc Đại học Rome của Ý, kết quả cuộc bầu cử có thể gây ra tác động dây chuyền ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng chính trị tại các nước châu Âu khác.

Tại Mỹ, cuộc bầu cử cũng thu hút sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo Reuters, ông Obama đã gọi điện cho ông Macron hồi giữa tuần, trong khi ông Trump ngay sau đó không ngại tuyên bố hi vọng vụ tấn công Paris sẽ đem lại phiếu cho bà Le Pen.

 

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên