05/04/2017 13:48 GMT+7

Ông Trump đang nhường sân chơi châu Á cho Trung Quốc?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Khi ông Trump rút Mỹ khỏi vai trò thủ lĩnh thế giới ở nhiều lĩnh vực, Bắc Kinh cho thấy họ không muốn bỏ lỡ cơ hội khẳng định vị thế trong thời thế mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh hai ngày từ 6-4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh hai ngày từ 6-4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida - Ảnh: AFP

Báo Washington Post (Mỹ) nhận định rằng kể từ khi ông Trump đứng đầu nước Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngừng thực thi các động thái chứng tỏ Trung Quốc là quốc gia ủng hộ và bảo vệ quá trình toàn cầu hóa.

Khi Mỹ thoái lui phần lớn ở các vấn đề toàn cầu như tự do thương mại, biến đổi khí hậu và liên minh đa quốc gia, ông Tập càng ra sức chứng tỏ tham vọng Bắc Kinh muốn lấn át vị thế của Mỹ, trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng số một tại châu Á.

Tình thế mới rõ ràng đã khiến các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ trong khu vực bắt đầu có những lo ngại, cân nhắc. Vấn đề càng trở nên đáng quan tâm hơn khi ông Trump chuẩn bị đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh 2 ngày tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.

Mỹ chưa có đối sách rõ ràng

Chia sẻ với báo giới ngày 4-4, giới quan chức của chính quyền Mỹ cho biết trong cuộc tiếp ông Tập, ông Trump sẽ tích cực kêu gọi chính quyền Bắc Kinh khẩn trương sử dụng những áp lực về kinh tế để ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bởi với CHDCND Triều Tiên, Mỹ đã hết kiên nhẫn.

Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua với báo Financial Times, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc việc sử dụng biện pháp đe dọa trừng phạt thương mại để hối thúc Bắc Kinh hành động dứt khoát hơn với Bình Nhưỡng.

Phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Washington ngày 4-4, ông Trump nói: "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ giải quyết". Đồng thời ông Trump cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc phải mở cửa thị trường thông thoáng hơn cho các công ty Mỹ.

Dẫu thế thì cho tới nay, chính quyền ông Trump vẫn chưa hoạch định và cũng chưa hề công khai tuyên bố một chính sách mạch lạc nào để đối phó với xu thế bành trướng về kinh tế cũng như quân sự của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bất chấp việc từng gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ" trong giai đoạn tranh cử, thời gian qua ông Trump vẫn đưa ra các thông điệp thiếu thống nhất về phương thức hành xử với Bắc Kinh.

Ngoại giao ngẫu hứng?

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Trump vẫn còn chưa "phủ" hết những vị trí lãnh đạo còn trống trong nhiều cơ quan chính phủ, trong đó có cả những đơn vị thuộc Bộ ngoại giao và Lầu Năm Góc.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ lo ngại cuộc gặp ở Mar-a-Lago có thể đã được xúc tiến hơi vội vàng.

Các trợ lý của Nhà Trắng cho biết cuộc gặp này được hoạch định như một sự kiện không chính thức giống như chuyến thăm Mar-a-Lago của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 2 năm ngay. Dù vậy, không giống ông Abe, ông Tập sẽ không có phiên làm việc nào với ông Trump tại Nhà Trắng.

Ông Tập cũng không có kế hoạch chơi golf với ông Trump tại Florida như ông Abe. Hai nhà lãnh đạo, cùng hai đệ nhất phu nhân, sẽ dành 24 giờ đàm đạo với nhau, trong đó có một bữa tối ngày 6-4 và một bữa trưa ngày 7-4.

Ông Robert D. Blackwill, cựu đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, nhận định: "Vì chúng tôi không thể nhận diện một chính sách nào với Trung Quốc nên một vấn đề đặt ra là, 'Tổng thống sẽ bước vào cuộc đối thoại này trên cơ sở nào?'. Có trời mới biết được".

Ông Blackwill chỉ trích tiếp: "Thật vô cùng nguy hiểm khi các Tổng thống hoàn toàn ngẫu hứng trong những cuộc tiếp xúc với các quyền lực lớn. Điều này trái ngược với phía Trung Quốc. Chúng ta có nghĩ là ông Tập Cận Bình sẽ bước vào cuộc gặp này với một loạt những mục tiêu và chiến lược rõ ràng không? Đương nhiên là như vậy".

Các chuyên gia cũng lường trước được tình huống ông Tập Cận Bình sẽ áp dụng một "chiêu" mà thủ tướng Abe từng vận dụng trong cuộc gặp gần đây, đó là tìm cách xoa dịu những mối lo ngại chính ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử, đồng thời hứa hẹn tăng cường hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Giới quan sát cũng cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ theo đuổi chiến lược của ông trong việc thiết lập vị thế của Trung Quốc như một đối thủ xứng tầm của Mỹ ở châu Á. Ông Tập sẽ thuyết phục ông Trump về cái mà ông gọi là "mô hình mới của quan hệ nước lớn", đề nghị hai nước tránh xung đột bằng cách không can thiệp vào những "lợi ích cốt lõi" của nhau.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên