02/04/2017 09:46 GMT+7

​Nhật thiệt hại hơn 626 tỉ USD do thảm hoạ Fukushima

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản ước tính Tokyo đã tiêu tốn hơn 70.000 tỉ yen để đối phó thảm hoạ hạt nhân Fukushima xảy ra cách đây sáu năm.

Người dân Nhật Bản viếng bia tưởng niệm các nạn nhân thảm hoạ 2011 ở Namie, Fukushima ngày 31-3 - Ảnh: Asahi Shimbun
Người dân Nhật trước bia tưởng niệm các nạn nhân thảm hoạ 2011 ở Namie, Fukushima ngày 31-3 - Ảnh: Asahi Shimbun

Con số trên cao gấp ba lần con số 22.000 tỉ yen mà chính quyền Tokyo đưa ra trước đó. “Khi chi phí tăng, gánh nặng lên người dân cũng sẽ rất lớn. Chính sách hạt nhân của đất nước cần được xem xét lại” - tổ chức JCER cho biết khi công bố báo cáo vào ngày 1-4.

Ban đầu khi xảy ra sự cố vào tháng 3-2011, chính quyền Tokyo dự kiến thiệt hại vào khoảng 11.000 tỉ yen nhưng sau đó Bộ Kinh tế Công nghiệp và Thương mại nâng con số lên gấp đôi vào năm 2013.

Chính quyền đã phải nâng giá điện để đảm bảo khả năng chi trả các khoản bồi thường sau thảm hoạ, làm tăng gánh nặng cho người dân, theo Kyodo News.

Trong các khoản chi để xử lý sự cố, khoảng 8.000 tỉ yen dành để bồi thường các thiệt hại từ tình trạng nhiễm phóng xạ.

JCER tính toán chi phí cho việc làm sạch môi trường lên đến 30.000 tỉ yen, cao gấp năm lần ước tính của chính phủ.

Theo tổ chức này, Tokyo chưa tính thêm chi phí xử lý chất thải ước tính lên 22 triệu m3, bao gồm cả đất bị nhiễm phóng xạ, ở tỉnh Fukushima. Đến nay cách thức và địa điểm để xử lý chất thải này vẫn chưa được quyết định.

Ngoài ra, chi phí để xóa bỏ các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại sau sự cố vào khoảng 11.000 tỉ yen và quá trình này có thể kéo dài 30-40 năm. Việc xử lý lượng nước nhiễm xạ còn trong bồn chứa của nhà máy hạt nhân Fukushia dự kiến tiêu tốn thêm 20.000 tỉ yen nữa, trừ khi chính phủ xả số nước này ra biển.

Sáu năm sau sự cố, lệnh di tản tại phần lớn tỉnh Fukushima mới được gỡ bỏ cuối tuần qua. Theo báo Asahi Shimbun, người dân các thị trấn Namie, Kawamata và Iitate được trở về nhà sau ngày 31-3 trong khi lệnh di tản ở Tomioka hết hiệu lực sau 1-4. 

Để khuyến khích người dân trở về nhà, chính quyền Tokyo đã dành hơn 23,6 tỉ yen trong ngân sách 2017 để khôi phục lại hệ thống y tế và các cơ sở thiết yếu tại những khu vực di tản.

Tuy nhiên không phải ai cũng dám trở về nhà. Đến nay chỉ chưa đến 20% dân cư tại các khu vực bị di tản trở về nhà sau khi lệnh di tản hết hiệu lực.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên