30/03/2017 10:19 GMT+7

Nỗi lo môi trường từ Washington

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Với sắc lệnh hành pháp “Độc lập năng lượng” ký ngày 28-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tiếp tục khẳng định “biến đổi khí hậu là trò lừa đảo”.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh “Độc lập năng lượng” ngày 28-3 -Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh “Độc lập năng lượng” ngày 28-3 - Ảnh: Reuters

Sắc lệnh về độc lập năng lượng sẽ không mang lại độc lập năng lượng, bảo vệ môi trường hay việc làm

Báo The Economist nhận định

Sắc lệnh năng lượng ngày 28-3 của Tổng thống Donald Trump có vài nội dung nổi bật: Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) bị yêu cầu khởi động quá trình pháp lý dài lê thê chuẩn bị việc thu hồi hoạt động; chương trình năng lượng sạch và đóng cửa ngành công nghiệp nhiệt điện của cựu tổng thống Obama chính thức bị vô hiệu hóa; hủy bỏ lệnh cấm thực hiện các hợp đồng khai thác than mới trên lãnh thổ liên bang, bỏ quy định cắt giảm khí thải methane từ các giếng dầu và khí đốt...

Hướng đi nguy hiểm

“Kế hoạch năng lượng sạch” được chính quyền ông Obama công bố hồi tháng 8-2015.

Theo đó, các bang của Mỹ cần phải tìm giải pháp cắt giảm 870 triệu tấn khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2030 (tương đương việc dẹp bỏ 80 triệu chiếc xe hơi ra khỏi các con đường).

Tuy nhiên, 27 bang của Mỹ đã đâm đơn kiện, phản đối kế hoạch này và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra lệnh tạm ngưng việc thực thi cách đây hơn một năm.

Vì lý do chính sách của ông Obama chưa từng được áp dụng, nên hành động “xóa” của ông Trump chủ yếu mang tính biểu tượng.

Tuy nhiên, đây vẫn là hướng phát triển gây lo ngại của quốc gia gây ô nhiễm đứng thứ hai thế giới.

Việc xóa các quy định hạn chế khí thải methane từ các giếng dầu và khí đốt về mặt môi trường là đáng báo động.

Khí CO2 từ hoạt động đốt than có thể tồn tại trong bầu khí quyển 500 năm, methane chỉ 12 năm nhưng có tác động mạnh hơn nhiều lần CO2.

Theo tạp chí The Economist, dù hệ quả xấu gần như đã rõ, các biện pháp tái sinh ngành công nghiệp than của ông Trump chưa chắc mang lại nhiều việc làm cho dân Mỹ như mong đợi. Giá khí đốt thấp đồng nghĩa than không bao giờ lên ngôi trở lại.

Ở một khía cạnh khác, năng suất lao động, chứ không phải các quy định, là nguyên nhân dẫn đến mất việc làm trong ngành than.

Bằng chứng là Mỹ hiện khai thác than nhiều hơn 50% so với năm 1940 nhưng chỉ sử dụng bằng 1/8 số lượng thợ mỏ, theo số liệu của Cục Thống kê lao động.

Thỏa thuận khí hậu Paris gặp nguy?

Có lẽ vẫn còn may là ông Trump chưa tung ra hai đòn trí mạng đối với môi trường: rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris mà cả thế giới đã dày công vun đắp và hủy chức năng kiểm soát khí thải CO2 của EPA.

Tuy nhiên, không vì vậy mà các nhà khoa học, những người đấu tranh vì môi trường bớt lo lắng.

Các chuyên gia nhận định bằng cách đảo ngược chính sách khí hậu, Mỹ gửi đi thông điệp sẽ không tuân thủ Thỏa thuận Paris, bất chấp việc nước này còn đứng tên hay không.

“Một trong những quan ngại lớn nhất là các quốc gia quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil sẽ làm gì khi Mỹ nghỉ chơi Thỏa thuận Paris. Kịch bản xấu nhất là nó sẽ mất hiệu lực. Đó sẽ là một thảm kịch lớn” - giáo sư Robert Stavins của ĐH Harvard nêu ý kiến lo ngại.

Mục tiêu cuối cùng của Thỏa thuận Paris là giữ, không cho Trái đất nóng thêm quá 3,6 độ C - ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng nhân loại chắc chắn đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nước biển dâng và thiếu lương thực.

Để đạt mục tiêu này, ông Obama cam kết sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải của Mỹ đến năm 2025 (so với mức 2005) và chính sách năng lượng sạch mà ông Trump vừa hủy bỏ là công cụ không thể thiếu.

“Đây không phải là lúc để bất cứ quốc gia nào thay đổi hướng đi trong vấn đề đối phó biến đổi khí hậu. Khoa học yêu cầu chúng ta phải đưa ra những cam kết mạnh mẽ, tham vọng hơn” - ông Erik Solheim, giám đốc Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, kêu gọi.

Tổng thống Trump dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida) vào tuần tới. Không rõ chủ đề khí hậu sẽ được đề cập trong cuộc gặp hay không.

Dù vào tháng 1 ông Tập đã phát đi tín hiệu Bắc Kinh sẽ giữ cam kết cắt giảm khí thải đến năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, các chuyên gia vẫn lo rằng khi không có Mỹ cùng tham gia, các nỗ lực của Trung Quốc sẽ diễn ra chậm hơn.

Ông Alex L. Wang, học giả chuyên về chính sách môi trường Trung Quốc thuộc ĐH California (Mỹ), giải thích khả năng đó: “Việc né tránh thực thi cam kết về môi trường có thể thúc đẩy các lợi ích kinh doanh và chính trị ở Trung Quốc, vốn đã phản đối nghị trình chống biến đổi khí hậu”.

Ở Mỹ, “độc lập năng lượng” được hiểu là chủ trương giảm nhập khẩu xăng dầu và các nguồn năng lượng khác từ nước ngoài.

Những người ủng hộ chính sách này muốn nước Mỹ nằm ngoài vòng ảnh hưởng của các đợt gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu, giảm sự lệ thuộc của an ninh năng lượng vào các quốc gia bất ổn chính trị.

Độc lập năng lượng liên quan chủ yếu đến dầu mỏ, nguồn nhiên liệu vận tải chính của Mỹ.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên