24/03/2017 09:33 GMT+7

​IS phiên bản 2.0 sẽ như thế nào?

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chuyển từ đe dọa lãnh thổ sang ý thức hệ vì mất dần vị thế trên chiến trường.

Nhà nước Hồi giáo đang mất dần các lãnh thổ ở Iraq và Syria - Ảnh: AFP
Nhà nước Hồi giáo đang mất dần các lãnh thổ ở Iraq và Syria - Ảnh: AFP

Gần 3 năm trước giáo sĩ Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố hình thành một Nhà nước Hồi giáo tự trị tại Iraq và Syria. Tuy nhiên trong sáu tháng gần nhất, IS đang đứng trước những tổn thất lớn khi nguồn tài chính bị ngăn chặn, hoạt động tuyên truyền bị tê liệt và một số lãnh đạo cấp cao bị tiêu diệt hoặc bị bắt.

IS đang nhanh chóng mất đi sự kiểm soát tại Mosul, thành trì lớn nhất của tổ chức khủng bố này tại Iraq cũng như thủ phủ Raqqa tại Syria cũng như mất đi những tay súng chiến đấu.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi đây là "thời điểm quan trọng để đưa IS vào con đường của sự thất bại không thể đảo ngược lại".

Dù cuộc chiến chống IS còn lâu mới kết thúc nhưng những thắng lợi đang dần trở nên hữu hình hơn. Từng xem việc chiếm giữ các thành phố và làng mạc là vấn đề cốt lõi của mình, nay tổ chức IS đang tiến hóa sang mối đe dọa về ý thức hệ.

Như vậy, một IS phiên bản 2.0 sẽ có những đặc trưng mới như thế nào?

Duy trì và mở rộng

Kể từ khi được thành lập, theo phân tích của đài CNN, tổ chức IS đã chuẩn bị cho "hậu Nhà nước Hồi giáo". Lời kêu gọi của IS từ lâu đã là "Baqiya wa tatamaddad" hay "Duy trì và mở rộng".

Trong khi sự mở rộng của IS có thể kéo dài nhiều thế hệ thì các lãnh đạo của tổ chức khủng bố này cũng đã chuẩn bị cho một Nhà nước Hồi giáo "không có công dân". Điều này có nghĩa là IS sẽ duy trì tổ chức thông qua ý thức hệ và bất kỳ công dân của một nước nào cũng có thể trở thành tay súng IS.

Các chỉ huy hàng đầu và các tay súng lâu năm chắc chắn vẫn trụ lại Iraq và Syria, tạo thành một cuộc kháng chiến ngầm. Nhưng IS đã cắm rễ rất sâu tại nhiều khu vực có người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq.

Trong thập kỷ qua, tổ chức khủng bố này đã phát triển các mạng lưới chuyên gây quỹ, mua vũ khí và các nhóm bí mật trên khắp Iraq.

Ngay cả khi bị vây khốn ở thành phố Mosul, IS vẫn hoạt động ở nhiều nơi và có khả năng thực hiện các vụ đánh bom tự sát ở Baghdad, Tikrit và nhiều nơi khác.

IS cũng có thể phục hồi ở Syria bằng cách tìm kiếm thành trì khác xa khỏi Raqqa.

Ngoài ra IS cũng có thể trở lại với ưu thế lớn nhất của nó là tấn công kiểu du kích chớp nhoáng, bất ngờ và di động.

Mặt khác, một số chiến binh IS cũng có thể chuyển sự trung thành sang các nhóm khủng bố khác. Việc IS đang mất dần sức mạnh là một cơ hội tốt cho al-Qaeda tại Iraq và Syria. Một số chiến binh IS sẽ thấy al-Qaeda là lựa chọn duy nhất để tiếp tục cuộc chiến của họ.

Sói đơn độc

Mối lo ngại đáng kể nhất của các nước phương Tây chính là các chiến binh nước ngoài tại Syria và Iraq của IS. Một khi IS suy yếu, họ có thể tìm cách trở về nước để thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu sói đơn độc cũng như tuyển dụng thêm thành viên mới và khôi phục các mạng lưới ngầm tại quê nhà.

Trong thời đại công nghệ thông tin, những kẻ hưởng ứng có thể tìm ra nhiều cách để liên lạc với dàn lãnh đạo IS.

Điển hình là tay súng Uzbekistan từng tấn công hộp đêm ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) chưa bao giờ đến Syria nhưng đã trò chuyện với một lãnh đạo IS thông qua ứng dụng Telegram.

Mặt khác, thay vì mạo hiểm quay về nhà, một số thành viên IS có thể tìm cách tiếp cận những mảnh đất mới của người Hồi giáo.

Có bằng chứng cho thấy hàng trăm chiến binh IS đã đến các tỉnh khác do IS kiểm soát, đặc biệt là tại Libya. Trên khắp thế giới, từ Bắc Caucasus của Nga đến Nigeria, các thành viên IS đã cắm cờ của họ suốt 3 năm qua.

Có lẽ những kẻ ít được trông đợi nhất để tạo nên "IS phiên bản 2.0" là những "thành viên ảo" - những kẻ trở nên cực đoan thông qua những tuyên truyền của IS trên mạng và những kẻ có những hành vi bạo lực ngẫu nhiên vì được truyền cảm hứng từ những lời kêu gọi của tổ chức khủng bố này.

Hai vụ tấn công chết người ở hộp đêm Orlanco và vụ xả súng ở San Bernardino tại Mỹ, vụ tấn công bằng xe tải ở Nice tại Pháp và các cuộc tấn công khác của IS trên khắp châu Âu rơi vào hạng mục này.

Những kẻ tấn công đó không hề rành rẽ về hệ tư tưởng của IS nhưng điều đó không thể ngăn IS tuyên bố thủ phạm là "tay súng của Nhà nước Hồi giáo".

"Nhà nước Hồi giáo đang bất lợi về mặt quân sự, nó đang mất dẫn lãnh thổ. Thậm chí ngay cả khi IS mất Mosul và Raqqa thì ý thức hệ sẽ tiếp tục tồn tại" - chuyên gia nghiên cứu về sự tuyên truyền của IS trong nhiều năm tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Bạo lực Chính trị và Cực đoan ở ĐH King tại London, ông Charlie Winter nhận định.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên