19/03/2017 08:52 GMT+7

Cô gái quyết đưa IS ra tòa án quốc tế

D.KIM THOA (Theo glamour)
D.KIM THOA (Theo glamour)

TTO - Nadia Murad là người dân tộc Yazidi sống ở miền bắc Iraq. Cô là một trong 6.700 phụ nữ đã bị IS bắt cóc đi ngay từ chính ngôi nhà của họ và bị biến thành nô lệ tình dục. 

Nadia Murad, cô gái không sợ IS và đang nỗ lực để buộc những kẻ khủng bố phải bị xét xử trước công lý - Ảnh: Glamour
Nadia Murad, cô gái không sợ IS và đang nỗ lực để buộc những kẻ khủng bố phải bị xét xử trước công lý - Ảnh: Glamour

“Không chỉ là một nạn nhân sống sót... cô ấy là người phụ nữ can đảm, kiên cường, quyết liệt, cứng cỏi, nhiều trắc ẩn. Một người đã đi đến tận cùng nỗi đau của bản thân, dám nói ra những điều khủng khiếp nhất với hi vọng không còn ai nữa phải chịu đựng giống mình”.

Đó là những nhận xét của bà Samantha Power, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, về Nadia Murad - cô gái 26 tuổi người Iraq - từng thoát khỏi nơi giam giữ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong quá trình xâm chiếm các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria, IS đã tàn sát không ghê tay những người Yazidi và các tộc người thiểu số khác chúng bắt gặp.

Nhưng giờ đây, cô gái trẻ đang quyết tâm bằng mọi nỗ lực có thể để bắt những kẻ Hồi giáo cực đoan kia phải bị công lý xét xử.

Cô nói: “Công lý với tôi không phải là chặt đầu chúng. Chúng không quan tâm tới việc bị giết. Chúng đã gài bom làm nổ tung chính con cái chúng”. Cô muốn kiện những kẻ khủng bố ra một tòa án quốc tế.

“Tôi muốn chúng phải nghe tiếng nói của một bé trai 5 tuổi bị chúng bắt cóc, của bé gái 9 tuổi bị chúng cưỡng hiếp và của bà mẹ 30 tuổi có những đứa con đã bị chúng sát hại” - Murad nói.

Murad sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn yên ả Kocho nằm ẩn mình trong các dãy núi ở miền bắc Iraq. Cuộc sống thanh bình đó chấm dứt vào tháng 8-2014 khi IS bắt đầu tràn tới đây.

Murad và hơn 600 người khác trong làng của cô đã rơi vào tay IS. Phiến quân IS đã chia đàn ông và phụ nữ trong làng thành hai nhóm.

Phụ nữ bị đưa tới một ngôi trường, tại đây, qua ô cửa sổ, họ đau đớn chứng kiến từng người đàn ông, từng bé trai trong làng bị IS hành quyết. Trong đó có 6 anh em trai của Murad.

Tiếp đó toán phiến quân IS lại phân loại những người phụ nữ một lần nữa, tách riêng người già và trẻ. Murad và các chị em cô bị bắt đi làm nô lệ tình dục, trong khi mẹ cô lớn tuổi thì bị chúng sát hại.

Sau ba tháng bị giam giữ ở Mosul, Murad bỏ trốn. Sau khi chạy tới được vùng của người Kurd, cô đến trại tị nạn Zakho ở vùng Duhok. Kỳ diệu là ở đó, cô gặp lại người chị gái Dimal, 28 tuổi.

Yazda, một tổ chức phi chính phủ được thành lập với mục đích hỗ trợ người Yazidi, đã thu thập những câu chuyện do các nhân chứng sống sót của IS kể lại. Từ đó họ ráp nối lại để hiểu hơn về nỗi cùng cực đã xảy đến với dân tộc họ.

Murad đã thấy việc nói ra sự thật có thể giúp ích những người khác như thế nào.

“Tôi muốn mọi người biết điều này không chỉ đã xảy ra với Nadia Murad. Điều này đã xảy ra với hàng ngàn cô gái. Tôi muốn cả thế giới biết”, cô nói.

Nhận ra sức mạnh trong tiếng nói của Murad, tổ chức Yazda đã đưa cô tới Mỹ để có cơ hội nói lên tất cả tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Và bây giờ, cô đã trở thành một trong những người đi đầu trong cuộc đấu tranh quyết đưa IS ra trước Tòa án hình sự quốc tế vì tội diệt chủng tại Iraq và Syria.

Murad cũng bắt đầu một sáng kiến chống nạn diệt chủng toàn cầu tại địa chỉ nadiamurad.org.

“Tôi không sợ chúng. Chúng còn có thể làm gì tôi nữa đây? Giờ đây không còn nơi nào trong tôi dành cho sợ hãi nữa” - cô nói.

D.KIM THOA (Theo glamour)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên