16/03/2017 09:18 GMT+7

Chuyến công du quan trọng

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Hôm nay (16-3), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tiếp đón cố vấn quốc gia Trung Quốc - ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 28-2 vừa qua. Chuyến đi của ông Rex lần này còn nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tiếp đón cố vấn quốc gia Trung Quốc - ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 28-2 vừa qua. Chuyến đi của ông Rex lần này còn nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp của Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tokyo, Seoul và Bắc Kinh là ba manh mối quan trọng trong việc giải quyết bài toán Triều Tiên nhưng giữa họ lại tồn tại những căng thẳng và xung đột riêng khiến việc hợp tác vô cùng khó khăn, ít nhất là trước mắt.

Sứ mệnh của ông Tillerson càng phức tạp hơn bởi Trung Quốc cảnh giác cao độ trước cách Mỹ phản ứng lại Triều Tiên. Cụ thể là Bắc Kinh phản đối gay gắt việc Hàn Quốc bắt tay Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Ngoại trưởng Tillerson sẽ phải khéo léo tìm cách xoa dịu nỗi lo của Trung Quốc, song song đó là thu xếp ổn thỏa chuyến thăm được mong đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ trong tháng 4.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào việc ông Tillerson sẽ xử lý ra sao các mối quan hệ phức tạp (đôi khi là cay đắng), cần thiết để xây dựng chiến lược chung của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á.

Năm ngoái ông Donald Trump suýt làm mọi thứ đảo lộn khi một mực yêu cầu Nhật và Hàn Quốc chi thêm tiền cho nền quốc phòng của họ, bên cạnh đó đòi xét lại mối quan hệ ngoại giao bốn thập kỷ với Trung Quốc. May mắn là sau nhậm chức, mối bận tâm của ông Trump ít nhiều đã dịu hơn.

Một thử thách khác dành cho ông Tillerson là căng thẳng giữa hai đồng minh Nhật - Hàn. Hồi tháng 1 vừa qua, Nhật đã triệu hồi đại sứ tại Seoul sau vụ Hàn Quốc cho dựng bức tượng phụ nữ - nô lệ tình dục trước Lãnh sự quán Nhật ở thành phố Busan.

Người phụ nữ là biểu tượng cho các nạn nhân của lính Nhật tại Hàn Quốc trong giai đoạn Thế chiến thứ hai. Làm sao thuyết phục Nhật và Hàn Quốc giải quyết mối bất hòa này để hợp tác đối phó Triều Tiên là điều ngoại trưởng Mỹ cần suy nghĩ.

Theo giới quan sát, chuyến công du bốn ngày ba nước của ông Tillerson có thể cho thấy cách chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp cận vấn đề Triều Tiên.

Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử hạt nhân và 24 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong năm 2016, gây bất an cho Washington rằng một ngày nào đó họ có thể phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ sức bắn tới Mỹ.

Tuần trước, Triều Tiên bắn một lúc bốn quả tên lửa vào khu vực biển Nhật Bản trong lúc Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận. Bình Nhưỡng luôn coi sự kiện “thường niên” của Mỹ và Hàn Quốc là “một cuộc diễn tập xâm lược”.

Thách thức lớn nhất với tân chính quyền Mỹ hiện nay là tìm ra cách nào ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sau khi nhiều năm ròng cấm vận và cô lập ngoại giao không thể làm được điều này.

Dù các quan chức Mỹ tuyên bố mọi phương án đã sẵn sàng (bao gồm cả quân sự), các dấu hiệu cho thấy Washington trước tiên muốn bảo đảm các lệnh cấm vận được tuân thủ nghiêm túc, tập trung đánh vào ngân sách của Bình Nhưỡng để hạn chế khả năng nhập khẩu "công nghệ nhạy cảm".

Vì lý do trên, căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh xung quanh THAAD có thể ảnh hưởng đến quyết tâm của Trung Quốc kiềm chế đồng minh Triều Tiên bằng cấm vận kinh tế.

Trung Quốc gần đây có một động thái bất ngờ và dứt khoát là ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên, cắt đứt một nguồn thu chính của Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh muốn Mỹ tái khởi động đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng nhưng trước mắt Washington dường như không có ý định này - tiếp tục duy trì quan điểm từ thời tổng thống Obama là yêu cầu Bình Nhưỡng trước tiên phải tuân thủ quy trình phi hạt nhân hóa.

Không có nhà báo đi cùng

Theo báo Time, ông Tillerson sẽ di chuyển đến châu Á trên máy bay nhỏ và không có đội ngũ nhà báo tháp tùng, như thông lệ 50 năm qua của ngoại trưởng Mỹ từ thời ông Henry Kissinger.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo họ sẽ thu xếp cho các nhà báo Mỹ đến châu Á trên các chuyến bay thương mại và tạo điều kiện cho họ tiếp cận các sự kiện công khai của ông Tillerson tại mỗi điểm dừng.

Tuy nhiên, việc di chuyển này khó canh đúng giờ giấc với lịch trình làm việc của ông Tillerson, khiến công tác đưa tin không mấy thuận lợi.

Trước đây, các nhà báo tháp tùng trực tiếp ngoại trưởng Mỹ để tường thuật tại chỗ các diễn biến thương lượng mới. Họ cũng có thể đặt câu hỏi với các nhà ngoại giao hai bên và tận mắt chứng kiến nếu có gì bất thường xảy ra.

Một vài nghị sĩ Mỹ lo ngại ông Tillerson trao cơ hội cho truyền thông nước ngoài định hình tin tức và chuyển đi thông điệp là Washington không ủng hộ tự do báo chí.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên