14/03/2017 10:45 GMT+7

Căng thẳng Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ, vì sao?

DUY VĂN
DUY VĂN

TTO - Từ đáp trả ngoại giao đến đụng độ trên đường phố và công kích lẫn nhau ở cấp nhà nước, những yếu tố nào góp phần gây căng thẳng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan?

*** Error ***
Người Thổ Nhĩ Kỳ tụ tập gần Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam (Hà Lan) đêm 11-3 - Ảnh: Reuters

Trong khi máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không được phép đáp xuống Hà Lan, thì Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya vào Hà Lan bằng đường bộ từ Đức cũng bị trục xuất.

Các biện pháp chẳng chút nể nang này là nguyên nhân bùng nổ cuộc đụng độ giữa những người biểu tình gốc Thổ với cảnh sát chống bạo động Hà Lan bên ngoài Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam đêm 11 rạng sáng 12-3.

Mối quan hệ không êm ả

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu thời gian qua vốn không êm ả, đặc biệt từ sau cuộc lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bất thành do một số tướng lĩnh quân đội tổ chức giữa tháng 7-2016.

Sau cuộc binh biến mà ông Erdogan cáo buộc là do nhà thần học Hồi giáo Fethullah Gulen (hiện sống lưu vong ở Hoa Kỳ) giật dây, những cuộc thanh trừng gay gắt nhằm loại bỏ những người ủng hộ giáo sĩ Gulen đã diễn ra trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng trăm ngàn công chức, giáo viên, cảnh sát, binh sĩ, những ai bị cho là “có liên hệ với Gulen”, đã bị bắt bớ, sa thải, mất việc.

Làn sóng trấn áp mạnh đến độ nhà văn nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ từng đoạt Nobel văn học 2006 Orhan Pamuk cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang sống dưới “chế độ khủng bố”.

Không chỉ trong nước, âm hưởng của làn sóng thanh trừng dội sang cả nước ngoài.

Đức đã lên tiếng chỉ trích sau khi nhà báo hai quốc tịch Đức và Thổ Deniz Gucel của tờ Die Welt - tác giả những bài báo chỉ trích chính quyền ông Erdogan - bị trục xuất về Đức.

Còn tại Hà Lan, sau cuộc binh biến, ở những khu phố của người Thổ cũng xuất hiện “danh sách những người ủng hộ giáo sĩ Gulen” trên các mạng xã hội kèm những lời đe dọa những người này.

Thậm chí hồi tháng 9-2016, một tòa án Hà Lan đã tuyên những ai gọi Trường De Roos (một trường do phong trào Hizmet của ông Gulen lập ra) là FETA (tổ chức khủng bố của Fethullah Gulen - cách chính quyền Erdogan gọi phong trào Hizmet) sẽ bị phạt 1.000 euro.

Quyết định được đưa ra sau khi ban giám hiệu Trường De Roos ở Zaanstad (Hà Lan) đâm đơn lên tòa án thưa một số cá nhân phỉ báng trường sau vụ binh biến 15-7-2016...

Không ai chịu nhân nhượng

Hiện nay, chưa bên nào có dấu hiệu nhân nhượng. Các giới chức châu Âu, về mặt chính trị, không thể cho phép những cuộc biểu tình với chân dung của một “sultan” vi phạm nhân quyền trên đất nước mình.

Cem Ozdemir, chủ tịch Đảng Xanh của Đức, mỉa mai: “Chúng tôi cũng muốn tổ chức biểu tình trên quảng trường Taksim của Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẵn sàng tới đó tổ chức biểu tình nếu Ankara bảo đảm an ninh cho tôi”.

Niels Annen, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Đức, chỉ ra trên Deutsche Welle rằng “chiến thuật của ông Erdogan - tìm một cuộc chiến với Đức - là nỗ lực để được coi là mạnh mẽ hơn (trong nước), nơi ông ta thật sự trong thế yếu”.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó thể để yên khi các quan chức cấp cao bị cấm cửa, trục xuất.

Ông Erdogan đã không tiếc lời chỉ trích, gọi Đức “hành xử phát xít”, và Hà Lan thì vẫn còn “tàn tích của chủ nghĩa quốc xã và phát xít”, khiến Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi phát biểu của Erdogan là “điên rồ” và “vượt quá mọi giới hạn”.

Nhà báo Litva Viktor Makharovsky cảnh báo rằng với mật độ tập trung khá dày đặc những người ủng hộ ông Erdogan ở các vùng đô thị Đức - Hà Lan - Bỉ, ông Erdogan có khả năng “gây áp lực” lên các chính phủ châu Âu.

Chưa kể Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm trong tay “van xả” người nhập cư vào EU (đừng quên thỏa thuận ngày 18-3-2016, khi EU đồng ý sẽ tài trợ và thúc đẩy tự do hóa thị thực cho người Thổ để đổi lại việc Thổ “trấn giữ” và nhận những người nhập cư bất hợp pháp vào Hi Lạp sau ngày 20-3-2016).

Đó là chưa kể Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nổi tiếng là một người quyền biến, khó lường.

Cứ xem người Nga, từng bị “đâm sau lưng” khi máy bay Nga bị Thổ bắn rơi năm 2015 mà vẫn phải bắt tay làm ăn trở lại, thì sẽ rõ!

Muốn quyền hạn tuyệt đối

Nếu cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16-4 có kết quả như mong muốn của Tổng thống Erdogan, dự luật sửa đổi hiến pháp sẽ biến Thổ Nhĩ Kỳ từ cộng hòa nghị viện thành cộng hòa tổng thống, tức chuyển nhiều quyền hạn vào tay Tổng thống Erdogan.

Trong đó có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, giải tán nghị viện, bổ nhiệm bộ trưởng và hình thành ngân sách...

Đây là những quyền hạn gần như tuyệt đối khiến một số tờ báo phương Tây đã cho rằng ông Erdogan muốn trở thành “sultan” (quốc vương Hồi giáo).

Không chấp nhận biểu tình ủng hộ ông Erdogan

Các chính khách Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã không được nồng nhiệt chào đón ở Đức, Áo. Tại Đức, bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được nhập cảnh, nhưng 4 thành phố Đức đã thay phiên nhau hoãn hoặc hạn chế tầm ảnh hưởng của các cuộc biểu tình mà các bộ trưởng này chủ xướng kêu gọi ủng hộ Tổng thống Erdogan.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên