28/02/2017 10:55 GMT+7

Nhật hoàng Akihito và mong ước thoái vị

D. KIM THOA (tổng hợp)
D. KIM THOA (tổng hợp)

TTO - Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản muốn được thoái vị trong 200 năm qua. Nhưng ý nguyện của ông lại vướng phải khá nhiều ràng buộc về pháp lý.

Nhật hoàng Akihito bày tỏ mong muốn thoái vị trong bài phát biểu hiếm hoi của ông vào tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito bày tỏ mong muốn thoái vị trong bài phát biểu hiếm hoi của ông vào tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters

Tranh cãi giữa các đảng phái

Các đảng phái chính trị ở Nhật có quan điểm chia rẽ trong việc sửa luật thoái vị. Rất nhiều phiên thảo luận về vấn đề này đã được các đảng phái tổ chức riêng rẽ thời gian qua với sự tham gia của chủ tịch Quốc hội Nhật Bản.

Tuy nhiên bất chấp nỗ lực hòa giải của lãnh đạo Quốc hội, các đảng phái vẫn còn khác biệt quan điểm lớn sau các cuộc điều trần.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của thủ tướng Shinzo Abe cho biết đảng này ủng hộ cơ chế luật pháp chỉ có hiệu lực một lần duy nhất, áp dụng với trường hợp của Nhật hoàng Akihito.

Theo đó LDP ủng hộ việc Nhật hoàng 83 tuổi thoái vị và mở đường nối ngôi cho Thái tử Naruhito 56 tuổi. Từ tháng 1 năm nay, một ban cố vấn chính phủ chuyên trách nghiên cứu vấn đề thoái vị đã công bố bản báo cáo tạm thời, nhấn mạnh giá trị hiệu lực của luật chỉ áp dụng một lần với Hoàng đế Akihito mà không áp dụng với các hoàng đế khác trong tương lai.

Đảng Komeito, liên minh với LDP và 2 đảng bảo thủ khác cũng cho biết tại các phiên điều trần rằng họ đồng quan điểm với LDP.

Tuy nhiên ở luồng quan điểm ngược lại, đảng Dân chủ (DPJ) đối lập chính lại ủng hộ một hệ thống luật pháp có hiệu lực vĩnh viễn. Và như thế sẽ cần một sự chỉnh sửa đối với Luật Hoàng gia vốn thiếu điều khoản về thoái vị.

Theo đó tổng thư ký của đảng DPJ, ông Yoshihiko Noda kêu gọi tạo cơ hội để mọi đảng phái đều có thể cùng thảo luận về vấn đề này, thay vì tổ chức các cuộc điều trần đơn lẻ.

Đáp lại quan điểm này, chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima bày tỏ tinh thần sẵn sàng tổ chức phiên thảo luận như vậy sau khi đã tham dự các phiên điều trần của tất cả 10 đảng phái trong nước.

Người dân Nhật Bản theo dõi bài phát biểu của Nhật hoàng trên truyền hình vào tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters
Người dân Nhật Bản theo dõi bài phát biểu của Nhật hoàng trên truyền hình vào tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters

Nỗi niềm của Nhật hoàng

Về việc xin thoái vị, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ công khai mục đich mong muốn: đó không phải chỉ là một sự "giải thoát" thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho luật hoàng gia, tạo sự thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho các Nhật hoàng sau này.

Vì thế Nhật hoàng Akihito mong muốn người dân sẽ tích cực tham gia vào cuộc thảo luận vô tư, trung thực về vấn đề thoái vị, và có lẽ còn rộng hơn nữa là bàn về những nguyên tắc quy định về sự nối ngôi của hoàng gia Nhật Bản, cũng như vai trò của Hoàng gia trong xã hội Nhật Bản đương đại.

Tuy nhiên mong muốn đó của Nhật hoàng dường như không dễ được thỏa nguyện. Nhìn từ góc độ chính quyền, đảng cầm quyền LDP của thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ cánh hữu đều không có ý muốn thay đổi luật Hoàng gia, cả về vấn đề thoái vị cũng như việc sửa luật để phụ nữ có thể nối ngôi vua.

Còn ở cấp độ người dân, hoàn toàn có thể hiểu được việc những người dân bình thường ở Nhật không dễ thảo luận cởi mở về chuyện đó. Ngay từ thời Duy Tân Minh Trị (1868) chính quyền đã khẳng định rằng thường dân không thể bàn bạc tự do về các vấn đề của Hoàng gia.

Tình thế khiến Nhật hoàng Akihito phải "đơn thương độc mã" nêu lên nguyện vọng muốn thoái vị trong một bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình vào cuối tháng 8 năm ngoái. 

Nhật hoàng Akihito hy vọng chính phủ cũng như người dân hiểu rằng các hoàng đế Nhật Bản cũng có thể "nghỉ hưu" giống như cách mà Nữ hoàng Hà Lan, Nhà vua Bỉ và thậm chí là Giáo hoàng đã từng làm.

"Tôi mong muốn đồng hành cùng thần dân, lắng nghe họ và sâu sát với những suy nghĩ của họ"
Nhật hoàng Akihito chia sẻ trong bài phát biểu trên truyền hình

Nhật hoàng 83 tuổi đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng của ông: các Hoàng đế dẫu sao cũng chỉ là những con người bình thường, với đầy những hạn chế của con người, và họ cũng già đi như những người khác.

Rõ ràng những tâm sự đó của Nhật hoàng đã chạm đến được trái tim của đông đảo người dân Nhật. Tuy không ai phát biểu công khai, nhưng hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đa số người Nhật đều thuận tình với việc thay đổi luật thoái vị.

Các nguồn tin của báo Japan Today cho biết chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình lên Quốc hội bản dự luật về vấn đề thoái vị của Nhật hoàng trong khoảng thời gian cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay. 

D. KIM THOA (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên