26/02/2017 09:17 GMT+7

Ông Trump quyết đấu truyền thông Mỹ

Tiến sĩ TERRY F. BUSS - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Tiến sĩ TERRY F. BUSS - THÚY ĐÀO chuyển ngữ

TTO - Ông Trump đã bắt đầu cuộc chiến với truyền thông bằng những cáo buộc truyền thông thiên vị, đưa tin tức giả, sử dụng nguồn tin không chính danh và đăng nguồn tin rò rỉ.

Ông Donald Trump trong lần đối mặt truyền thông ở South Carolina - Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump trong lần đối mặt truyền thông ở South Carolina - Ảnh: Reuters

Ngày 24-2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “cấm cửa” các nhà báo của New York Times (NYT), CNN, Politico và một số báo đài khác khỏi phiên họp báo đặc biệt tại Nhà Trắng. Các cơ quan báo chí khác vẫn được mời.

Động thái này đã làm dấy lên những chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump đang kiểm soát tự do báo chí. Nhưng ở góc độ khác, có thể thấy đây là bước đi cụ thể của việc ông Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của người dân Mỹ”.

Truyền thống trăm năm

Những cáo buộc của ông Trump với truyền thông Mỹ đều có căn nguyên. Ngay khi bắt đầu chiến dịch tranh cử cách đây 1 năm, truyền thông đã tiến hành một cú ngáng chân toàn diện chưa từng có để cản trở việc ông Trump có thể giành phiếu bầu và khiến ông phải bỏ cuộc.

Khi không làm được như vậy thì truyền thông đã tiếp tục khuynh đảo khiến mọi việc trở nên rất khó kiểm soát. Nhà báo Jim Rutenberg của tờ NYT đã thực hiện chiến lược kêu gọi “vứt bỏ những lý thuyết về báo chí Mỹ” và tấn công ông Trump bằng mọi cách có thể. Các tờ báo khác đã hành động tương tự.

Quý vị nhầm hoàn toàn nếu nghĩ họ (truyền thông) chịu đàng hoàng trả lại nước Mỹ mà không cần đấu đá. Mỗi ngày sẽ là một trận chiến

Ông Stephen Bannon (chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump)

 

Lạ lùng thay, cuộc chiến này lại khiến ông Trump rất thích thú. Dù trong lịch sử nước Mỹ, không ít tổng thống đã phải trả giá khi đối đầu với truyền thông.

Không có gì là khó hiểu khi hầu hết các tổng thống Mỹ trong vòng 100 năm qua đều xung đột với truyền thông. Dường như đó là phản ứng tự nhiên của phần lớn các tổng thống cảm thấy bị truyền thông đối xử bất công.

Tổng thống Richard Nixon và Lyndon Johnson là điển hình cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với truyền thông. Ông Nixon ghét báo chí đến độ đã yêu cầu phó tổng thống Spiro Agnew công khai tấn công truyền thông.

Ông Agnew đã có câu nói để đời khi mô tả truyền thông là “những kẻ lắm tiền cứ lèm bèm toàn chuyện tiêu cực”.

Cuốn sách Đầu độc báo chí của Mark Feldstein viết rằng tổng thống Nixon đã chỉ đạo cấp dưới thân cận chọn ra 20 nhà báo sừng sỏ nhất ở Washington, công bố những thông tin bất lợi về họ và “thẳng tay tiêu diệt hết những kẻ vô lại này”.

Trong cuốn Tổng thống và báo chí, tác giả Kathleen Turner cho rằng chính việc tổng thống Johnson không chiếm được cảm tình của truyền thông là nguyên nhân khiến ông bị hạ bệ. Tương tự, tổng thống Nixon cũng phải từ chức trong sự bẽ bàng sau khi bị phanh phui vụ Watergate.

Ông Obama cũng từng căng thẳng với báo chí

Ngay sau khi nhậm chức năm 2009, ông Obama đã tìm cách cấm Đài Foxnews có quan điểm bảo thủ khỏi Nhà Trắng. Tuy nhiên, ý định này đã không thành do sự phản đối mạnh mẽ của các cơ quan báo chí khác ủng hộ Foxnews - trớ trêu thay CNN không có mặt trong số này.

Trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, tổng thống Obama luôn đổ lỗi cho Foxnews về những thất bại chính sách: gần đây nhất ông cho rằng thất bại của bà Hillary Clinton trước ông Trump cũng là do Foxnews.

Ông Obama cũng rất muốn truy tố nhà báo James Rosen của Foxnews vì đăng các nguồn tin rò rỉ. Những nhà báo khác của NYT và AP cũng từng bị điều tra để “dằn mặt”.

Các cơ quan truyền thông, kể cả những tờ báo luôn ủng hộ tổng thống Obama, cũng thường phàn nàn về việc ông không đối xử công bằng với báo chí. Năm 2014, tổng biên tập của báo NYT là Jill Abrason cho rằng thông tin dưới thời tổng thống Obama bị giữ bí mật nhất.

Cũng năm 2014, tổng cộng 38 cơ quan báo chí đã đồng lòng gửi một bức thư lên tổng thống Obama phàn nàn về việc “ngăn cản báo chí”.

Theo ông Jon Marshal của tờ Atlantic, tổng thống Obama từng “liệt vào danh sách đen” những nhà báo có bài viết khiến ông không hài lòng. Ông chơi đòn trì hoãn họp với các quan chức để cánh nhà báo không kịp có bài vào giờ chót, chỉ đạo nhân viên không trả lời một số nhà báo nhất định...

Tổng thống Obama là người đi tiên phong trong việc bỏ qua báo chí truyền thống để dùng truyền thông xã hội. Đây là điều được Tổng thống Trump ứng dụng triệt để hơn nữa trên mạng Twitter.

Hai ông Obama và Trump đã cho thấy các tổng thống có thể thao túng truyền thông như thế nào. Báo chí ủng hộ ông Obama nên nội dung lúc nào cũng tích cực, cả khi thực tế không phải vậy. Báo chí ghét ông Trump nên các bài viết lúc nào cũng mang tính chỉ trích nhiều hơn cả mức ông đáng bị đối xử như vậy.

Cả hai thái cực đều không phản ánh được chân thực sự việc. Tình trạng này thậm chí đang ngày một tệ hại hơn. Người dân và nền dân chủ Mỹ có lẽ còn phải tiếp tục chịu đựng nhiều hơn nữa.

Những tấm gương mẫu mực

Có lẽ tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan là hai người duy trì được mối quan hệ tốt đẹp nhất với truyền thông mặc dù ai cũng có những vấn đề riêng của mình.

Cả hai ông đều có những cách khác nhau để “hấp dẫn” và “chiều chuộng” báo chí khiến việc đưa tin về chính quyền đạt hiệu quả nhất. Cả hai ông đều có cách hành xử của những quý ông.

Tổng thống Reagan, với vốn kinh nghiệm và kỹ năng của một diễn viên, đã khiến ông được biết đến như là “một nhà truyền thông tuyệt vời”. Giới chính trị Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ còn thấy một tính cách như Kennedy hay Reagan nữa.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên