11/02/2017 10:05 GMT+7

Ông Trump đổi giọng, ủng hộ “một Trung Quốc”

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đổi giọng, tuyên bố chính quyền mới của Mỹ sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: Reuters

Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo điện đàm rất lâu tối 9-2, giờ Washington, về nhiều vấn đề song phương. Trong cuộc nói chuyện, tân tổng thống Mỹ hứa sẽ tôn trọng yêu cầu của ông Tập muốn Mỹ duy trì mối quan hệ không chính thức với Đài Loan.

Tuyên bố này trái ngược với tuyên bố tháng 12-2016 của ông Trump khẳng định Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách “một Trung Quốc”.

“Vô cùng thân mật”

Cuộc điện đàm được Nhà Trắng mô tả “vô cùng thân mật” diễn ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông Trump gửi cho chủ tịch Trung Quốc một bức thư trong khi điện đàm với nhiều lãnh đạo thế giới khác.

Giới quan sát khi đó cho rằng ông Trump đang đối mặt với áp lực phải thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, theo đó sẽ cứng rắn với Trung Quốc về thương mại, tiền tệ.

“Các đại diện của Mỹ và Nga sẽ tham gia thảo luận và đàm phán về nhiều vấn đề thuộc lợi ích song phương” - Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng. Trong khi đó chủ tịch Trung Quốc cũng dành những lời tốt đẹp cho ông Trump.

“Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc là những đối tác của nhau, và thông qua các nỗ lực chung chúng ta có thể nâng quan hệ song phương lên tầm cao lịch sử mới” - ông Tập phát biểu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó khẳng định chính sách “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị quan trọng giúp ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đóng băng từ cuối năm ngoái sau khi ông Trump phá vỡ truyền thống khi điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và sau đó tuyên bố Mỹ có thể thay đổi lập trường về Đài Loan nếu Trung Quốc không nhượng bộ trong các vấn đề như thương mại.

Dù khiến Bắc Kinh nổi giận nhưng nó cũng phù hợp với các tuyên bố khi tranh cử của ông Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề như thao túng tiền tệ, quân sự hóa Biển Đông.

Tiền hậu bất nhất

Theo giới phân tích, việc ông Trump đổi giọng cho thấy vẫn còn tranh cãi trong chính quyền mới của Mỹ về cách xử lý quan hệ với Trung Quốc.

New York Times đưa tin cuộc tranh cãi trong Nhà Trắng hôm 9-2 tập trung vào vấn đề có nên công khai khẳng định cam kết đối với chính sách “một Trung Quốc” hay không.

Thật ra, Washington gần đây đã cho thấy dấu hiệu hạ giọng để giảm căng thẳng, chẳng hạn việc Ngoại trưởng Rex Tillerson hồi đầu tuần đã phủi bỏ những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông hay Bộ trưởng quốc phòng James Mattis trong chuyến thăm châu Á kêu gọi giải pháp ngoại giao trong tranh chấp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù ông Trump đã mở lời tôn trọng Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn khó cảm thấy nhẹ nhõm. Chính quyền Mỹ vẫn còn những cách khác để tăng cường quan hệ với Đài Loan, chẳng hạn nâng cao hợp tác quốc phòng hay bán vũ khí.

Thực tế, luật ủy nhiệm quốc phòng của Mỹ cho tài khóa 2017 lần đầu tiên quy định có cả phần trao đổi quân sự cấp cao với Đài Loan.

Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở COC?

Các nước ASEAN bắt đầu đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong tháng này với hai trọng tâm là phi quân sự hóa các thực thể bị chiếm đóng và kiềm chế các hành động trên Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay mới đây đưa ra nhận định rằng 10 nước ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được khung cho bộ quy tắc vào giữa năm nay với hi vọng bộ quy tắc sẽ dập tắt căng thẳng trên Biển Đông.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận và tiếp tục kéo dài nhằm cản trở đàm phán.

“Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý một quy tắc ứng xử thực sự” - tờ Inquirer của Philippines ngày 10-2 dẫn lời chuyên gia Marvin Ott của Đại học John Hopkins.

Theo ông, bộ quy tắc sẽ “giới hạn và kiềm chế Trung Quốc tự tung tự tác trên Biển Đông”, nơi Bắc Kinh đang quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép.

Trong khi đó, chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cũng cho rằng Trung Quốc sẽ trì hoãn cuộc đàm phán COC như đã làm trong hơn một thập kỷ qua.

Còn chuyên gia quan hệ quốc tế Takahara Akio của Đại học Tokyo đặt câu hỏi liệu COC có thực sự hoạt động được hay không trong một môi trường thiếu sự tin tưởng trên Biển Đông khi mà Trung Quốc đã nhiều lần nói một đường làm một nẻo.

“Họ (Trung Quốc) ký thỏa thuận tháng 7 (năm ngoái) với các nước Đông Nam Á sau phán quyết The Hague rằng họ sẽ không xây dựng các hòn đảo - ông Takahara nói - Đó là những gì họ nói, họ ký nhưng liệu họ có thực hiện thỏa thuận hay không, bây giờ không quốc gia Đông Nam Á nào tin lời Trung Quốc”.

Cuộc điện đàm diễn ra cùng lúc với vụ chạm trán “không an toàn” giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.

Reuters dẫn nguồn các quan chức Mỹ cho hay chiếc máy bay P-3 của Hải quân Mỹ bay sát một chiếc máy bay quân sự của Bắc Kinh gần bãi Scarborough.

Theo phía Mỹ, đây là vụ việc hiếm gặp nhưng cho rằng chỉ là một tình huống vô ý.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên