05/02/2017 10:47 GMT+7

Bộ Tư pháp Mỹ quyết bảo vệ lệnh nhập cảnh của ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn lên Tòa phúc thẩm liên bang, quyết bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ ở thủ đô Washington - Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ phản đối việc thẩm phán liên bang James Robart ngày 3-2 đã ra phán quyết đình chỉ thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump trên toàn quốc.

Theo Reuters, kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đã được nộp tại Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ khu vực 9 vào cuối ngày 4-2 (giờ Mỹ), tức sáng 5-2 theo giờ Việt Nam.

Động thái này được đánh giá là bất ngờ và nhanh chóng bởi trước đó người ta vẫn còn suy đoán khi nào Bộ Tư pháp sẽ hành động.

Từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach (bang Florida) nơi nghỉ cuối tuần, Tổng thống Trump đã hoan nghênh quyết định kháng cáo của Bộ Tư pháp.

"Chúng ta sẽ giành chiến thắng. Vì sự an toàn của đất nước này, chúng ta sẽ thắng cuộc", ông Trump nhấn mạnh.

Đây sẽ là một cuộc chiến pháp lý thú vị. Ông Jonathan Turley - giáo sư về luật tại Trường ĐH George Washington nhận định: "Rất khó để Tổng thống yêu cầu một thẩm phán tôn trọng quyền lực của ông ta trong khi chính ông ta lại không đang tôn trọng những thẩm quyền vốn có của các cơ quan tư pháp. Điều này sẽ đẩy vụ kiện tụng (của Bộ Tư pháp) theo chiều hướng xấu". 

Thẩm quyền mà Giáo sư Turley đề cập ở đây chính là việc các tòa án liên bang (thuộc nhánh Tư pháp trong tam quyền phân lập Hành pháp - Lập pháp và Tư pháp của nước Mỹ) có quyền xem xét và lật lại các đạo luật của Quốc hội cũng như sắc lệnh hành pháp của Tổng thống nếu chúng có dấu hiệu vi hiến.

Trước đó, phán quyết của thẩm phán Robart ngày 3-2 đã khiến ông nhận đủ luồng công kích từ Tổng thống Trump - người đứng đầu nhánh Hành pháp, trên Twitter chỉ trong một ngày sau đó.

Hết gọi phán quyết đó là "sự lố bịch" và khẳng định nó sẽ sớm bị lật lại, ông Trump còn nói thẩm phán Robart đang "mở cửa cho những kẻ khủng bố tiềm tàng vào nước Mỹ" - một cáo buộc vu vơ nhưng hết sức nguy hiểm và đánh trực tiếp vào uy tín của ngành Tư pháp - nhánh quyền lực có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của nước Mỹ.

Trái ngược với cái đầu nóng của tân Tổng thống, thẩm phán Robart cho đến giờ vẫn tỏ ra bình tĩnh và từ chối trả lời khi được hỏi về những dòng chỉ trích của ông Trump trên Twitter.

Điều III, khoản 1 Hiến pháp Mỹ viết rõ "Các thẩm phán của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng". 

Hiến pháp - văn bản có tính giá trị luật cao nhất nước Mỹ - đã trao cho các tòa án liên bang sự độc lập đáng kể đối với cả Quốc hội và Tổng thống.

Việc đảm bảo cho các thẩm phán duy trì nhiệm vụ của mình với “tư cách đạo đức tốt” có nghĩa là chỉ cần họ không bị tố cáo và kết tội thì họ có thể giữ chức vụ này suốt đời.

Điều này bảo vệ các quan tòa khỏi bất cứ nguy cơ sa thải nào từ phía Tổng thống đã bổ nhiệm họ hay bất cứ Tổng thống nào trong suốt cuộc đời họ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên