17/01/2017 23:22 GMT+7

Ông Tập Cận Bình: không ai thắng trong cuộc chiến thương mại

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Theo hãng tin Reuters, bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, thể hiện rõ mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trên toàn cầu của Bắc Kinh, lấp vào chỗ trống của Mỹ.

Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới - Ảnh: Reuters
Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới - Ảnh: Reuters

Là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên xuất hiện tại WEF, ông Tập cảnh báo các nước không nên mù quáng chạy theo lợi ích quốc gia của riêng mình, ám chỉ đến chính sách “nước Mỹ trước hết” của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi hoặc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại đa phương để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ và có nhiều phát ngôn đe dọa gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Ông Tập ví chủ nghĩa bảo hộ như “tự nhốt mình trong căn phòng tối” để bảo vệ mình khỏi nguy hiểm. “Sẽ không có nước nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại", ông Tập phát biểu. Bên dưới khán đài là phó tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhận định về bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cho biết kinh tế thế giới đang trống một vị trí lãnh đạo. “Rõ ràng ông Tập Cận Bình đang muốn lấp đầy nó” - ông Bildt viết trên mạng Twitter.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng xu thế toàn cầu hóa là không thể đảo ngược bất chấp sự phản đối dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng sự toàn cầu hóa nên "bao quát hơn và bền vững hơn", nhấn mạnh các thể chế toàn cầu đang tồn tại hiện nay là "chưa đủ mạnh" và nên tăng cường sự hiện diện hơn nữa.

Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ không tăng tính cạnh tranh bằng cách hạ giá đồng tiền như cáo buộc của ông Trump. Kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng bền vững mặc dù phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ.  

Theo ông Tập, bất chấp kinh tế toàn cầu đang trì trệ, kinh tế Trung Quốc dự báo đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 - mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Diễn đàn WEF lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên