31/12/2016 09:14 GMT+7

Cần chấm dứt dự án cải tạo dòng Mekong

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Đó là yêu cầu của nhiều người dân Thái Lan trước quyết định gây tranh cãi mới đây của chính phủ nước này khi phê chuẩn kế hoạch cải tạo dòng sông Mekong, đoạn giữa biên giới Thái Lan và Lào thuộc tỉnh Chiang Rai.

Việc cải tạo, nắn dòng sông Mekong sẽ ảnh hưởng tới sinh kế hàng chục triệu người. Trong ảnh: đánh bắt cá trên sông Mekong, đoạn chảy qua Kratie, Campuchia - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Việc cải tạo, nắn dòng sông Mekong sẽ ảnh hưởng tới sinh kế hàng chục triệu người. Trong ảnh: đánh bắt cá trên sông Mekong, đoạn chảy qua Kratie, Campuchia - Ảnh: TIẾN TRÌNH

“Các tổ chức đại diện của người dân yêu cầu Chính phủ Thái Lan chấm dứt ngay lập tức dự án này để bảo vệ lãnh thổ đất nước và bảo tồn hệ sinh thái quý giá của sông Mekong

Tuyên bố chung của 20 tổ chức đại diện cho người dân Thái Lan

Nội các Thái Lan đưa ra lập luận để biện minh cho quyết định là vì lợi ích cải thiện hoạt động lưu thông của tàu bè trên tuyến đường thủy này. Nhưng theo bình luận của báo Bangkok Post, lập luận đó vừa yếu vừa phi lý.

Mục tiêu thiếu thuyết phục

Trên thực tế, công luận Thái Lan không hề được thông tin cũng như tham vấn trước khi kế hoạch đó được nội các thông qua.

Cùng với đó thì tính ổn định hệ sinh thái của dòng sông dài thứ 10 thế giới này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu kế hoạch ấy tiếp tục được triển khai.

Và tờ Bangkok Post không ngần ngại khẳng định trong sự việc này “bên đạt được nhiều lợi ích thương mại quan trọng nhất rõ ràng sẽ là Trung Quốc”.

Con sông Mekong từ bao đời nay đã là nguồn sống của hơn 60 triệu người dân ở vùng hạ lưu, họ phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên trù phú của nó, đặc biệt là cá, cũng như các sinh kế khác.

Trong hàng chục ngàn năm, cũng trên chính con sông này, các tàu thuyền chở khách và các tàu chở hàng đã xuôi dòng từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua tới Myanmar, Lào và Thái Lan.

Campuchia và Việt Nam cũng là hai quốc gia trong khu vực cùng trông cậy vào sông Mekong trong các hoạt động vận tải đường thủy.

Ở một số khu vực, dòng chảy của sông rất thuận lợi cho thuyền bè di chuyển. Tuy nhiên cũng có nhiều khu vực nước nông hay dòng chảy xoáy, việc chèo lái vất vả hơn.

Nhưng với hầu hết các thuyền trưởng dày dạn tay lái trên dòng Mekong, cùng với những kinh nghiệm được truyền đời từ tiền nhân, họ vẫn hoàn toàn làm chủ hành trình đó. Nói cách khác, họ đã và luôn có thể sống chung với những ghềnh những thác của sông Mekong.

Mặc dù những chiếc thuyền lớn không thể vượt qua được các khúc sông nguy hiểm, nhưng việc qua lại tại những khu vực này vẫn có thể an toàn với các tàu thuyền nhỏ hơn, cùng sự trợ giúp của những thuyền trưởng giàu kinh nghiệm và hệ thống hoa tiêu dẫn đường dựa trên nền tảng GPS do Ủy hội sông Mekong (MRC) phát triển.

Hệ thống dẫn đường đó cũng đã được các tàu thuyền chở khách trên tuyến đường thủy Luang Prabang - Chiang Saen sử dụng và cả bốn nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar đều có thể cân nhắc sử dụng nó.

Tuy nhiên ngày 27-12, nội các Thái Lan lại bảo rằng các ghềnh thác tự nhiên đó là mối đe dọa với hoạt động vận tải thương mại đường thủy.

Do đó, Chính phủ Thái Lan chấp thuận “về mặt nguyên tắc” với kế hoạch nạo vét lòng sông và loại bỏ các ghềnh thác để nâng cấp việc đi lại của thuyền bè.

Lo sợ mất lãnh thổ

Nếu được triển khai theo kế hoạch quốc tế giai đoạn 2015-2025 do bốn quốc gia soạn thảo là Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan trong việc cải tạo hoạt động đi lại trên sông Lan Thương - Mekong mà nội các Thái Lan vừa phê chuẩn, những tàu chở hàng nặng 500 tấn có thể qua lại từ Trung Quốc tới Luang Prabang của Lào.

Tuy nhiên, báo Nation (Thái Lan) cho biết việc phê chuẩn quyết định này của nội các Thái Lan đã vấp phải phản đối gay gắt của người dân địa phương.

Công luận Thái Lan cho rằng việc chỉnh sửa, nắn dòng sông Mekong như vậy dứt khoát sẽ làm thay đổi biên giới giữa Thái Lan và Lào.

Biên giới giữa hai nước này dọc theo sông Mekong được phân mốc theo độ sâu của lòng sông tại những khúc đoạn khác nhau.

Do đó, quyết định của nội các Thái Lan khiến người dân địa phương lo ngại nguy cơ mất lãnh thổ sang cho Lào.

Ông Jirasak Intayot, điều phối viên của Tổ chức Rak Chiang Khong, nêu lên những quan ngại về kế hoạch nắn dòng sông Mekong.

Ông cho rằng nếu Chính phủ Thái Lan cứ kiên quyết thực hiện điều này, họ sẽ phải cân nhắc thật nghiêm túc vấn đề luật pháp, nếu không rốt cuộc họ sẽ đi tới tình thế phải nhượng bộ một phần chủ quyền lãnh thổ và vi phạm pháp luật.

“Việc cải tạo dòng sông chắc chắn sẽ tác động tới biên giới giữa Thái Lan và Lào, vì việc loại bỏ các ghềnh thác sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông và làm xói lở bờ sông, thay đổi biên giới giữa Thái Lan và Lào” - ông Jirasak Intayot nói.

Chưa kể, việc loại bỏ các ghềnh thác tự nhiên trên sông cũng sẽ làm phá hủy môi trường sinh sản và môi trường sống của các loài động vật hoang dã, theo đó dẫn tới việc phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái của sông Mekong.

Tuyên bố chung của 20 tổ chức đại diện cho người dân địa phương Thái Lan phản ứng kế hoạch này nhấn mạnh: nếu dự án này tiếp tục được triển khai sẽ không chỉ xảy ra việc mất mát diện tích lãnh thổ, mà nhiều vạt rừng lớn cũng sẽ bị mất.

Trong khi đó hiến pháp Thái Lan quy định bất cứ dự án nào gây ảnh hưởng tới biên giới đất nước đều phải được Quốc hội Thái Lan phê chuẩn.

Tuy nhiên, nghị quyết thông qua quyết định cải tạo sông Mekong vừa rồi của nội các Thái Lan vẫn chưa được bàn thảo tại quốc hội, do đó có khả năng đó là một quyết định xung đột với hiến pháp nước này.

Thêm nữa, dự án này sẽ được triển khai trên dòng chủ lưu của sông Mekong, tuy nhiên sự đồng thuận thực hiện nó mới chỉ có bốn quốc gia là Myanmar, Lào, Thái Lan và Trung Quốc, mà không có sự nhất trí của hai quốc gia còn lại cũng là thành viên của MRC là Campuchia và Việt Nam.

Ông Lê Đức Trung (chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam):

Chưa có thông tin chính thức

Trước mắt chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin Thái Lan đồng ý về nguyên tắc với kế hoạch quốc tế giai đoạn 2015-2025 về việc cải tạo sông Lan Thương - Mekong để cho phép những tàu hàng 500 tấn có thể lưu thông từ Trung Quốc đến Luang Prabang (Lào).

Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc này. Hiện nay vấn đề nắn dòng nêu trên cũng chưa được đưa ra Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Cũng không hẳn khi chưa đưa ra Ủy hội sông Mekong thì mình mới có ý kiến, mà ngay khi chúng tôi có thông tin đầy đủ là đã có thể có ý kiến với phía Thái Lan.

Vì vậy, chúng tôi sẽ kiểm tra lại những thông tin này và nắm bắt thông tin chính thức, sau đó sẽ có ý kiến chính thức.

Và nếu việc nắn dòng đó gây ảnh hưởng đến hạ du, ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy và chất lượng nước thì các quốc gia đều có ý kiến.

Ông Đào Trọng Tứ (chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam):

Ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái

Việc nắn dòng, chuyển nước sông Mekong chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng sông và hệ sinh thái. Mức độ nắn dòng càng lớn thì khả năng ảnh hưởng càng lớn và tàn phá hệ sinh thái cũng rất nhiều.

Về cơ chế hợp tác, khi Thái Lan đã đồng ý về nguyên tắc như vậy thì các quốc gia trong lưu vực Mekong sẽ phải đưa vấn đề này ra Ủy hội sông Mekong quốc tế. Và Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng phải đưa vấn đề này ra bàn.

Nguyên tắc lâu nay là tất cả những tác động đến dòng chính sông Mekong, lấy nước từ dòng chính Mekong thì đều phải thông qua Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Đối với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này và có bàn tính cụ thể, sau đó sẽ có những kiến nghị chính thức.

XUÂN LONG ghi

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên