26/12/2016 09:10 GMT+7

Bệnh nhân ung thư Trung Quốc liều mạng mua thuốc trên mạng

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nhiều bệnh nhân ung thư tại Trung Quốc đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc tốn nhiều tiền mua thuốc thương hiệu hoặc mua thuốc kém an toàn ngoài "thị trường xám".

Lo ngại độ an toàn của thuốc tại Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc đang mua bán bất hợp pháp các loại thuốc ung thư tại Hong Kong - Ảnh: AFP
Lo ngại độ an toàn của thuốc tại Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc tìm sang Hong Kong - Ảnh: AFP

Khi căn bệnh ung thư phổi của cha trở nên tồi tệ, nhà môi giới tài chính Yin Min (51 tuổi) từ Thượng Hải phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: trả gần 3.000 USD mỗi tháng cho một loại thuốc được chính phủ phê chuẩn hoặc trả ít hơn cho một loại thuốc không được phê chuẩn.

Bà Yin, cũng như nhiều gia đình khác tại Trung Quốc, đã quay sang thị trường không được kiểm soát nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến: các nhà thuốc và đại lý thuốc trên mạng.

Bà Yin đã mua một phiên bản của thuốc gốc Iressa vốn không được phê chuẩn tại Trung Quốc và được sản xuất tại Ấn Độ. "Thật khó để mô tả về những áp lực tài chính mà tôi đang trải qua" - bà Yin chia sẻ với Reuters.

Trong số 30 bệnh nhân ung thư mà hãng tin Reuters phỏng vấn trong năm vừa qua, 2/3 trong số này đã chuyển hướng sang thuốc tại "thị trường xám" như bà Yin. Các bệnh nhân trong cuộc phỏng vấn trong độ tuổi từ 32 đến 81, có thu nhập khác nhau và mắc nhiều loại ung thư.

Thị trường xám là một thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất ra loại hàng hóa đó hoặc ngoài ý muốn của cơ quan nhà nước điều tiết thị trường.

Reuters cho biết không có số liệu chính thức về việc có bao nhiêu bệnh nhân ung thư tại Trung Quốc chuyển sang thị trường xám nhưng nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng toàn cầu trong việc sử dụng loại thị trường này.

Các bệnh nhân cho biết bác sĩ điều trị cũng thường nhắm mắt làm ngơ để họ mua thuốc thông qua thị trường xám. Một số bác sĩ thậm chí còn tích cực giúp đỡ bệnh nhân mua thuốc qua kênh này.

Thuốc mua qua kênh không chính thức này không có hại gì nhưng có thể bao gồm các loại thuốc không hiệu quả hoặc thuốc giả.

Ngoài ra, người mua thuốc thông qua thị trường xám cũng có thể gặp rủi ro về mặt pháp lý.

Bệnh nhân bạch cầu Lu Yong đã bị bắt hồi năm 2015 và bị buộc tội bán thuốc không được phê chuẩn và gian lận thẻ tín dụng. Chính quyền Trung Quốc đã phải thả ông Lu ra sau một cuộc phản đối công khai của người dân.

Nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân ở Trung Quốc chuyển sang các kênh mua thuốc trực tuyến khác là do vấn đề tài chính.

Lương thấp, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn cùng chính sách hoàn tiền thuốc theo bảo hiểm eo hẹp khiến cho các bệnh nhân nan y sẽ trở nên nghèo khổ hơn, tạo ra gánh nặng cho xã hội và tăng nợ lên.

Ngoài ra Trung Quốc cũng yêu cầu phải kiểm duyệt tất cả các loại thuốc mới nhưng lại thiếu đội ngũ chuyên gia để thực hiện khâu này.

Theo số liệu chính thức, năm 2015 Trung Quốc đã có 4 triệu ca ung thư mới và dự luật chăm sóc sức khỏe cá nhân của nước này được đề xuất tăng gấp 4 lên con số 12,7 ngàn tỉ nhân dân tệ (1.840 tỉ USD) vào năm 2050.

Trung Quốc cũng tìm cách tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với các bệnh nan y và khuyến khích các nhà sản xuất thuốc giảm giá thành... Tuy nhiên những thay đổi này đều diễn ra một cách rất chậm chạp, với độ trễ từ 5 đến 7 năm so với các nước tiên tiến như Anh hay Mỹ.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên