12/12/2016 15:09 GMT+7

Nước lã thay xăng: Trăm năm nỗ lực bất thành 

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nếu thực sự những chiếc xe lấy nước lã làm nhiên liệu tràn ngập các con đường, nó sẽ là một cuộc đại cách mạng, ảnh hưởng sâu rộng đến năng lượng, đời sống và nền kinh tế toàn cầu...

Vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục về việc con người thực sự đã chế ra loại động cơ chạy bằng nước và hoàn toàn không phụ thuộc vào xăng dầu - Ảnh: Reuters

Từ cuối tháng 11-2016, mạng xã hội lan truyền những tin tức và đoạn băng với nội dung một nhà khoa học Iran có tên Alaeddin Qassemi được cho là đã phát minh ra động cơ chạy bằng nước lã.

Mặc dù vậy, ngoại trừ việc xuất hiện trên một số trang tin và trang video LiveLeaks, gần như không một nguồn tin chính thống nào xác thực phát minh này.

Khát vọng trăm năm

Thực tế, thông tin đầu tiên có vẻ chính thống nhất về động cơ chạy bằng nước xuất hiện từ 2-3 năm nay trên Hãng tin IRNA (Iran). Các quan chức của tỉnh Alborz đã đến dự lễ ra mắt phát minh này, và ông Alaeddin Qassemi, thành viên của Trung tâm Quốc gia những người ưu tú Iran, nói rằng chiếc xe có thể dùng 60 lít nước để chạy quãng đường 900km trong thời gian 10 tiếng.

Đó cũng là toàn bộ những thông tin được xào nấu lại và xuất hiện rầm rộ cuối tháng 11-2016, bắt nguồn từ việc trang Facebook và Twitter của Đài PressTV (Iran) đăng tải lại đoạn video trên. Không một hội đồng khoa học nào đảm bảo tính chính xác của phát minh trên. Bản thân Qassemi cũng bảo rằng ông chỉ mới đăng ký và đợi cấp bằng sáng chế từ Anh, theo IRNA.

Những trường hợp như Qassemi thực chất không hề mới. Từ cách đây cả trăm năm, nhiều người đã giới thiệu các phát minh nhằm thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nước lã.

Năm 1918, Charles Frazer, một nhà phát minh từ bang Ohio (Mỹ), được cấp bằng sáng chế cho bộ tăng cường hydro, sử dụng điện phân để tăng sức mạnh động cơ cùng hiệu suất nhiên liệu và giảm khí thải.

Đến năm 1935, Charles H. Garrett gây xôn xao khi nói phát minh ra động cơ xe vận hành bằng nước lã đầu tiên, dùng bộ chế hòa khí đặc biệt và “chạy được vài phút”.

Dọc chiều dài lịch sử, có thể kể ra vài chục người tự cho rằng họ đã phát minh ra động cơ chạy bằng nước. Từ trường hợp kinh điển như nhà phát minh người Mỹ Stanley Meyer của những năm 1980 đến nhà sáng chế người Philippines Daniel Dingel đầu những năm 2000.

Năm 2008, Hãng tin Reuters cũng đăng tải một đoạn video không kèm chú giải về phát minh tương tự của một công ty Nhật Bản tên Genepax.

Gần nhất, ngay trong năm 2016, vài tờ báo, trong đó có The Mirror (Anh), đưa tin một công dân Ấn Độ mù chữ tên Mohammad Raees Markani (44 tuổi) đã phát minh ra động cơ chạy hoàn toàn bằng nước lã.

“Giả kim thuật” hay lừa đảo trục lợi?

Trong tất cả các “phát minh” dùng nước thay cho xăng để vận hành xe (tiếng Anh phổ biến là water-fueled car), lý thuyết chủ đạo cho dạng này là tách phân tử nước thành hai nguyên tử cấu thành.

Nước có cấu tạo nguyên tử là H2O, và lý thuyết này muốn dùng phản ứng hóa học hoặc phương pháp điện phân để tách dung dịch thành hydro (H) và oxy (O) và hình thành hỗn hợp gọi là HHO hoặc oxyhydrogen, nhằm tận dụng nguồn năng lượng lớn từ khí hydro.

Lý thuyết nghe tưởng như đơn giản này lại không khả thi. Các phương pháp tách hydro từ nước hoặc các nguồn năng lượng tái tạo nói chung luôn đòi hỏi chi phí cao hơn khí tự nhiên, theo lời tác giả Nicholas Brown viết trên Clean Technica.

Khả dĩ nhất khi dùng hydro trong ngành xe hơi chính là những chiếc xe hybrid như dòng Prius của Toyota, tức dùng song song điện và xăng dầu để tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế khí thải hơn.

Vì vậy, lý thuyết tách hydro từ nước nghe tương tự “giả kim thuật” thời cổ đại, tức những nỗ lực tổng hợp vàng từ những kim loại giá rẻ hơn vậy. Các “nỗ lực vì khoa học” này còn thường xuyên dính nghi án giả khoa học để trục lợi, kiếm tiền từ các nhà đầu tư.

Trường hợp điển hình là kỹ sư người Philippines Daniel Dingel, người từng nói đã phát minh ra thiết bị phản ứng hydro và dùng nước lã chạy thành công chiếc Toyota Corolla của mình.

Ông này bị Tập đoàn Formosa Plastics kiện lừa đảo số tiền đầu tư 410.000 USD cho dự án trên, và năm 2008 ông bị xử có tội với hình phạt 20 năm tù treo, theo Inquirer.

Cái chết bí ẩn của Stanley Meyer

Trong lý thuyết dùng nước làm nhiên liệu thay thế xăng xe, nhà vật lý - kỹ sư người Mỹ Stanley Meyer (1940-1998) là nhân vật được nhắc đến nhiều nhất. Năm 1996, ông Meyer bị hai nhà đầu tư khởi kiện sau khi họ ký một hợp đồng sử dụng công nghệ pin nhiên liệu bằng nước.

Thời điểm ấy, Michael Laughton, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Queen Mary London, sắm vai người quan sát thực nghiệm công trình của ông Meyer. Tuy nhiên, ông Laughton khẳng định ông Meyer đã “bao biện một cách vụng về” vì thoái thác đợt thử nghiệm với lý do đang đợi cấp bằng sáng chế.

Tại tòa, có ba nhà khoa học chứng thực phát minh của ông Meyer và khẳng định đây chỉ là một phát minh không có gì đột phá, đơn giản chỉ dùng điện phân thông thường. Tòa án kết luận ông Meyer “lừa đảo trắng trợn” và yêu cầu trả lại 25.000 USD cho hai nhà đầu tư trên.

Câu chuyện trở nên gây tranh cãi hơn khi ông Meyer chết bất thường năm 1998, sau một lần tiếp xúc với hai nhà đầu tư người Bỉ. Stephen Meyer, người anh em đi cùng ông Meyer đêm ấy, quả quyết ông Meyer đã bị đầu độc.

Những người ủng hộ nhà phát minh này theo thuyết âm mưu khẳng định ông đã bị sát hại vì âm mưu ngăn chặn phát minh về xe chạy bằng nước.

Hiện nay, nhiều người vẫn tin rằng xe chạy bằng nước là có nhưng bị các thế lực lớn trong ngành năng lượng và truyền thông bêu xấu và cản trở.

Năm 2006, nước Mỹ xôn xao về trường hợp Công ty Genesis World Energy bị kiện vì thu hơn 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư nhờ công bố một thiết bị tạo năng lượng từ việc tách hydro và oxy, song cuối cùng chẳng có sản phẩm nào ra thị trường.

Ông Patrick Kelly, chủ sở hữu Genesis World Energy, bị kết án 5 năm tù.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên