09/12/2016 11:23 GMT+7

​Những đêm mất ngủ của tổng thống Park Geun-hye

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Khi những cuộc biểu tình càng lúc càng lớn hơn, ầm ĩ và gần sát hơn, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye càng như muốn nép mình sâu hơn nữa vào bên trong Nhà Xanh.

Bà Park Geun-hye (phía sau) trong bức ảnh không đề ngày cùng bố mẹ và hai em - Ảnh: Reuters
Bà Park Geun-hye (phía sau) trong bức ảnh không đề ngày cùng bố mẹ và hai em - Ảnh: Reuters

Theo New York Times, cõ lẽ không nói ai cũng có thể hiểu được tâm trạng của tổng thống Park Geun-hye trong những ngày này, đặc biệt trước thời điểm quốc hội bỏ phiếu về việc có luận tội bà hay không vào hôm nay (9-12).

Ở tuổi 64, người phụ nữ này chưa từng kết hôn và cũng không có con cái. Cả em trai và em gái bà cũng đã sống cách biệt với người chị trong nhiều năm qua. Ba người trợ lý tin cậy nhất của bà đều đã bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng. Một người đã vào tù và người bạn gái tâm tình thân thiết nhất của bà, bà Choi Soon-sil, cũng đang trong nhà giam.

Xanh xao, mệt mỏi

"Bà ấy đã trở nên phờ phạc thấy rõ", ông Chung Jin-suk, lãnh đạo đảng cầm quyền Saenuri tại quốc hội cho biết. Ngày thứ ba (6-12), ông Chung Jin-suk đã tới thăm bà tại Nhà Xanh. Ông nói: "Có tời vài lần liền bà ấy nói cảm thấy có lỗi với các nghị sĩ chúng tôi".

Kể từ khi bê bối liên quan tới bà Choi Soon-sil bung ra trước công luận vào tháng 10 năm nay, cùng với đó là những cáo buộc cho rằng bà Park đã cấu kết với bà Choi trong việc tống tiền các tập đoàn doanh nghiệp lớn, bà Park hầu như rất ít khi xuất hiện trước công chúng.

Lần cuối cùng bà gặp một chính khách nước ngoài là ngày 10-11 khi bà tiếp đón đoàn đại biểu của tổng thống Kazakhstan tới Seoul. Đó cũng là ngày bà điện đàm với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Bà Park cũng đã có ba lần xin lỗi công chúng trên truyền hình, lần nào cũng kéo dài nhiều phút, đôi khi bà nghẹn lời vì không thể kiềm giữ được xúc động. 

Bà Park cũng nói bà đã nghe thấy những tiếng hô vang mỗi cuối tuần của đoàn người biểu tình yêu cầu bà rời phủ tổng thống. Những người biểu tình đó đã tăng quy mô từ 20.000 người ở trung tâm thủ đô Seoul từ 6 tuần trước lên tới 1,7 triệu người vào thứ bảy tuần vừa rồi (3-12). 

Khoảng 1,7 triệu người đã biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul ngày chủ nhật tuần qua (3-12) đòi bà Park Geun-hye phải từ chức - Ảnh: Reuters
Khoảng 1,7 triệu người đã biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul ngày chủ nhật tuần qua (3-12) đòi bà Park Geun-hye phải từ chức - Ảnh: Reuters

"Bông hoa đã rụng"

Cấp dưới của bà Park từ chối nói về các chi tiết trong nếp sinh hoạt hàng ngày của bà Park cũng như tâm trạng của bà giai đoạn này. Họ chỉ nói tổng thống đang mệt mỏi đối mặt với cuộc khủng hoảng và cố hết sức để giải quyết nó.

Họ cũng cho biết bà Park đã mời các lãnh đạo tôn giáo của đạo Thiên Chúa và mời một nhà sư Phật giáo tới thăm bà tháng trước để có thể tư vấn thêm cho bà những lời khuyên đối mặt với khủng hoảng.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc không cho biết những vị lãnh đạo tôn giáo này đã nói gì với bà Park, ngoại trừ có nhắc việc nhà sư đã trích dẫn một câu trong kinh Phật nói rằng "Một cái cây sẽ đậu quả khi nó trút bỏ những bông hoa".

Với nhiều người dân Hàn Quốc, bông hoa ấy đã rụng rồi.

Trong lúc tỉ lệ ủng hộ tổng thống Hàn Quốc lao dốc không phanh, nhiều chủ cửa hàng trong nước đã gỡ bỏ các bức chân dung của bà mà một thời họ từng trân trọng treo lên tường.

Ngay cả tại quê hương của bà, vùng Daegu, tuần trước khi về thăm nơi đây, bà Park cũng đã bị một nhóm những người biểu tình ngăn lại, yêu cầu bà từ chức. Sau khi tới thăm một khu chợ có tuổi đời cả trăm năm bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn, bà Park trở về xe của mình và khóc.

Cuộc đời đơn độc

 

Từ trước xày ra bê bối, những lúc không ở Nhà Xanh, bà Park sống một cuộc đời "ẩn dật" ở miền nam Seoul, trong một ngôi nhà chứa đầy hình ảnh và di vật của cha mẹ bà.

"Ngôi nhà của bà ấy giống một bảo tàng của ông Park Chung-hee hơn", đó là chia sẻ của ông Choi Sang-yeon, một người viết xã luận cho nhật báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc gần đây đã viết như vậy về chuyến thăm của ông tới nhà của bà Park từ một thập kỷ trước.

Nhà báo này viết tiếp: "Nó khiến người ta có cảm giác chiếc đồng hồ của bà ấy đã ngừng chạy từ những năm 1970 và bà ấy dành rất nhiều thời gian để trò chuyện với người cha quá cố của mình".

Ông Choi mô tả không khí trong ngôi nhà đó "nặng nề và tăm tối".

Trong cuốn hồi ký năm 1993 của bà Park có tựa đề "Sẽ ra sao nếu tôi sinh ra trong một gia đình bình thường", bà Park viết về lịch sử gia đình bi kịch và cả nỗi buồn của bà: "Trong cuộc đời tôi, những thời khắc đáng giá nhất chưa bao giờ nhiều hơn những thời đoạn khổ đau".

Bà Park từng nói bà đã có rất nhiều đêm ngồi một mình đọc các báo cáo chính phủ. Bà lảng tránh các cuộc họp chỉ có hai người với các trợ thủ cao cấp. Người cựu đầu bếp của bà từng chia sẻ với một tạp chí Hàn Quốc là bà thường ngồi ăn một mình và xem TV.

Bà Park cũng cho biết đã cắt quan hệ với em trai và em gái bà để phòng ngừa nguy cơ gia đình trị, nguyên nhân sụp đổ quyền lực của các tổng thống Hàn Quốc trong quá khứ. Bà có hai con chó Jindo trắng, giống chó nổi tiếng về đặc tính trung thành với chủ của Hàn Quốc.

Có một chuyện vẫn còn mãi ám ảnh trong suốt thời gian cầm quyền của tổng thống Park Geun-hye, đó là khi xảy ra sự cố chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng, một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ ở Hàn Quốc.

Người chánh văn phòng của bà Park cho biết khi xảy ra sự việc, ông đã không thể tìm thấy tổng thống trong suốt 7 giờ đồng hồ.

Chuyện bà Park đã ở đâu trong những thời khắc nghiêm trọng ấy cho tới giờ vẫn là một những bí mật được bảo vệ kỹ lưỡng nhất, cũng vì thế mà làm phát sinh nhiều tin đồn liên quan.

Gần đây thì văn phòng tổng thống cho biết bà đã ở khu vực của mình chứ không phải ở văn phòng làm việc chính thức, và lúc đó thì bà cũng đã nhận được thông tin về vụ chìm phà.

Dường như với người dân Hàn Quốc lúc này, còn quá ít người muốn dành thêm sự cảm thông với bà Park nữa khi lòng tin của họ không còn.

Trong ký ức của người dân Hàn Quốc, sự đơn độc của một chính trị gia như bà Park lúc này có lẽ chỉ từng xảy ra năm 2008 với tổng thống khi đó là ông Lee Myung-bak.

Năm đó, những đám đông người biểu tình ùn ùn đổ ra trung tâm thủ đô Seoul trong nhiều tuần trời để phản đối tổng thống Lee Myung-bak vì đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm với việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ trong bối cảnh nỗi lo sợ bệnh bò điên vẫn đang bao trùm.

 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên