18/11/2016 14:27 GMT+7

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn nắm quyền tới năm 2029

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Theo nội dung dự thảo sửa đổi hiến pháp do đảng cầm quyền Công lý và phát triển (AKP) tại Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến đưa ra trưng cầu ý dân vào mùa xuân năm tới, ông Tayyip Erdoğan có thể nắm quyền tới năm 2029 nếu mọi sự thuận theo tính toán của ông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan - Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan - Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời ông Erdoğan và những người ủng hộ ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần sự lãnh đạo mạnh mẽ của một tổng thống nắm quyền điều hành, giống như mô hình chính quyền của Mỹ hay Pháp.

Tuy nhiên, những người phản đối dự thảo sửa đổi hiến pháp lại nhận thấy nó là phương tiện để đáp ứng tham vọng của ông Erdoğan.

Họ cũng lo ngại những thay đổi này sẽ làm tăng thêm tình trạng độc đoán ở một đất nước vốn đã luôn bị các đồng minh phương Tây chỉ trích về các vấn đề liên quan tới tự do và nhân quyền, đặc biệt kể từ sau chiến dịch thanh trừng liên quan tới vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm nay.

Đảng AKP do ông Erdoğan sáng lập từ 15 năm trước đang nhắm tới mục tiêu tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo này trong mùa xuân tới. AKP cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của đảng đối lập Phong trào dân tộc (MHP) để có thể đạt được sự đồng thuận tại quốc hội.

Theo dự thảo sửa đổi hiến pháp mới nhất đã được gửi tới MHP ngày 15-11, ông Erdoğan sẽ nắm luôn vị trí "quyền" tổng thống điều hành ngay lập tức sau cuộc trưng cầu ý dân nếu những thay đổi hiến pháp được chấp nhận.

Sau đó, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch vì nhiệm kỳ chính thức của ông Erdoğan kết thúc năm 2019.

Theo quy định giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ hiện tại của hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, và giả định như ông Erdoğan thắng trong cuộc bầu cử 2019, thì ông cũng vẫn chỉ có thể điều hành đất nước cho tới năm 2024.

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo dự thảo sửa đổi hiến pháp mới, trong đó có quy định nhiệm kỳ tổng thống được bắt đầu tính lại, thì ông Erdoğan sẽ có thêm hai nhiệm kỳ nữa, tức là tới tận năm 2029.

Theo hai quan chức cao cấp đã được xem nội dung dự thảo, tổng thống sẽ được quyền tại nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ năm năm và có quyền ban hành các sắc lệnh tổng thống với hầu hết những vấn đề hành pháp mà không cần tham vấn quốc hội.

Ngoài ra cũng theo dự thảo, tổng thống sẽ có tối đa hai phó tổng thống và là người trực tiếp bổ nhiệm những người đứng đầu các cơ quan quân đội và tình báo, hiệu trưởng các trường đại học, quan chức trong hệ thống chính quyền và một số cơ quan tư pháp cấp cao, nhìn chung là mở rộng quyền lực cho chức vụ tổng thống.

Sự ủng hộ của đảng đối lập MHP có vai trò thiết yếu với ông Erdoğan trong việc hiện thực hóa tham vọng trở thành một tổng thống quyền lực hơn.

Lãnh đạo MHP, ông Devlet Bahçeli, ngỏ ý đảng của ông có thể ủng hộ những cải cách hiến pháp mới, đồng thời cho biết các luật sư của đảng ông đang đánh giá bản dự thảo mới nhất của AKP. D.Kim Thoa

Bất cứ thay đổi nào trong hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải được 367 nghị sĩ trong quốc hội 550 ghế của nước này ủng hộ để thông qua trực tiếp, và cần được 330 nghị sĩ chấp nhận để được đưa ra trưng cầu ý dân. Trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, AKP nắm 317 ghế và MHP nắm 39 ghế.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên