11/11/2016 08:03 GMT+7

“Săn đầu người” giá bèo ở Ấn Độ

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Nạn buôn người giá rẻ đem lại lợi nhuận cao ở Ấn Độ khiến nhiều người vẫn bất chấp các khuyến cáo.

Một phụ nữ làm việc khuân vác gạch tại Karjat, Ấn Độ (ảnh chụp ngày 10-3-2016) - Ảnh: Reuters
Một phụ nữ làm việc khuân vác gạch tại Karjat, Ấn Độ (ảnh chụp ngày 10-3-2016) - Ảnh: Reuters

Suốt mùa thu, ông Nijam Khan, chủ một công ty vận tải, đi vòng quanh các khu làng trong thị trấn khô hạn Kantabanji thuộc quận Balangir, bang Odisha, đông bắc Ấn Độ để tìm kiếm những hộ nghèo và người thất nghiệp.

Ông cho họ tiền để mua thức ăn và quần áo trước mùa thu hoạch. Dĩ nhiên ông ấy không phải ông bụt.

Nô lệ thời hiện đại

“Ở đây không có việc làm - ông Khan luôn nghĩ mình làm việc tốt - Mấy người này sẽ chết đói nếu chúng tôi không đem lại cho họ công việc và các khoản nợ”.

“Công việc và các khoản nợ” mà ông Khan nói đến, được các nhà hoạt động nhân quyền gọi là mối ràng buộc nợ nần mang tính nô lệ.

Đây cũng là hình thức lao động ràng buộc phổ biến nhất ở Ấn Độ - đất nước có hơn 18 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại, theo thống kê của Tổ chức Walk Free Foundation mới công bố hồi tháng 5.

Theo Hãng thông tấn Reuters, ở Kantabanji, thị trấn có 22.000 dân, có phân nửa số người ở đây làm môi giới hay đại lý lao động như Nijam Khan.

Những người này sẽ nhắm vào “con mồi” là hàng chục ngàn gia đình ở phía đông Odisha, những người hằng năm vào mùa thu phải rời bỏ làng đi khắp Ấn Độ để tìm việc, tạo nên làn sóng “di cư” ồ ạt kéo dài đến tận vụ xuân năm sau.

Hầu hết những người này sẽ vay nợ cho bản thân hoặc người thân, rồi sau đó làm việc quần quật suốt 6 tháng trời, hoặc hơn, để trả món nợ đã cầm trước. 90% số con nợ này bị các tay môi giới lao động “buôn” đến các lò gạch để làm việc.

Thường thì các con nợ nghèo và ít học nên chẳng có giấy tờ gì chứng minh các khoản nợ hay cho biết là nợ trừ được bao nhiêu rồi.

“Trước khi rời làng, tôi đã chuẩn bị tinh thần làm việc để trả món nợ gần 30.000 rupee - cậu thiếu niên Umesh Mahanand, 17 tuổi, kể lại - Tôi nghĩ tôi sẽ làm việc chăm chỉ và trả nợ một cách nhanh chóng, nhưng không biết rằng số tiền có thể không bao giờ trả được”.

“Nghề” môi giới lao động có lẽ bắt đầu từ những năm 1970 khi một người tên Dashrath Suna, một thợ làm gạch lành nghề, di cư từ Balangir - một trong những quận nghèo nhất của bang Odisha - đi nơi khác tìm việc.

Ông Suna, nay đã hơn 80 tuổi, từng làm nghề “săn lao động” cho chủ lò gạch. Ông kể lúc đó thị trường lao động được xây dựng trên sự tin tưởng giữa chủ lò gạch, người môi giới và người lao động.

Thành công của ông khiến nhiều người muốn làm theo. Tuy nhiên, nếu trước kia người ta gọi tên ông với lòng tôn kính vì đã mang việc làm đến cho họ, thì ngày nay những tay môi giới lao động là hiện thân của nỗi sợ với người lao động nghèo.

“Thị trường này đã trở nên tàn bạo rồi - một người trong nghề (giấu tên) nhận định - Người lao động bị lùa như súc vật rồi đẩy lên tàu. Nhiều người sống sót được sau hành trình đó và vượt qua được những nhọc nhằn nơi lò gạch”.

Đỉnh điểm là năm 2013, báo chí đưa tin các tay môi giới chặt tay hai người lao động cố gắng trốn thoát, gây chấn động cả Ấn Độ và thế giới. Vụ việc hiện vẫn còn đang xét xử.

Chính quyền bảo kê

Các vụ buôn lao động sẽ không được thực hiện trót lọt nếu một bộ phận quan chức địa phương không nhận hối lộ và để cho các con buôn lách luật.

Theo thống kê của các nhà hoạt động, thị trường tuyển dụng phi pháp thu lợi đến 150 tỉ USD mỗi năm.

Các đại lý thậm chí còn biết sử dụng nhiều chiêu thức để qua mặt các đội chống buôn người lao động như “biến hóa” người lao động thành những người đi dự tiệc cưới, hoặc chia nhỏ các gia đình ra để tránh bị nhòm ngó.

Các số liệu cho thấy năm ngoái, khoảng 230 đại lý lao động được cấp phép tuyển dụng ở quận Balangir. Có khoảng 17.990 lao động được chuyển tới các lò gạch trên khắp Ấn Độ. Còn trong năm nay, 170 đại lý cũng được cấp phép, với hơn 13.000 nhân công được đăng ký, dự kiến trong tháng 11 này sẽ được chuyển đi.

Tuy nhiên, các số liệu này lại quá “khiêm tốn” so với thực tế, khi mà có tới khoảng 500.000 lao động rời quận Balangir mỗi năm, theo thống kê của các nhà hoạt động ở thị trấn Kantabanji.

“Họ đang hoạt động trái phép, điều này đồng nghĩa với việc họ đang buôn người lao động - ông Madan Mohan Paik, một quan chức quản lý lao động của quận Balangir, bức xúc - Nhưng chúng tôi không có cách nào hay phương tiện gì để kiểm tra cho hiệu quả cả. Mọi chuyện đã diễn ra từ rất lâu rồi”.

Môi giới ăn hai đầu

Quy trình như sau: đại lý sẽ ứng trước 20.000 rupee (300 USD) và người vay phải trả lại sau 6 tháng. Thông thường các lò gạch trả 300 - 400 rupee (4 - 6 USD) tiền công làm 10.000 viên gạch, có nghĩa là những người này phải làm được gần 700.000 viên gạch mới có thể trả hết nợ.

Trong khi đó, các tay môi giới được nhận hoa hồng cho mỗi nhân công mình tìm được, chưa kể còn nhận được thêm 20 rupee cho mỗi 1.000 viên gạch họ làm ra.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên