11/11/2016 09:56 GMT+7

Chuyện ít biết về "Công nghệ" chuyển giao quyền lực ở Mỹ

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nhanh chóng khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm bằng cuộc gặp với ông Donald Trump tại phòng quyền lực ở Nhà Trắng vào trưa 10-11 (giờ Mỹ).

Tổng thống đắc cử Donald Trump có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng trưa 10-11 ở thủ đô Washington - Ảnh: Reuters

Về mặt chuyển giao quyền lực chính thức, vào đúng 0g sáng ngày 20-1 - ngày diễn ra lễ nhậm chức - Tổng thống mới sẽ thực sự tiếp quản từ Tổng thống cũ: văn phòng, máy móc, chìa khóa…

Cặp hạt nhân được bàn giao ra sao?

Đây là nghi thức bàn giao mang tính kỹ thuật, về nguyên tắc để từ giờ phút đó, Tổng thống đương nhiệm sẽ chính thức chấm dứt vai trò. Trong những thứ được bàn giao, sẽ có chiếc cặp hạt nhân đầy huyền bí của nước Mỹ.

Do vai trò đặc biệt của chiếc cặp này nên chiếc cặp hạt nhân vẫn đi theo Tổng thống cũ (nhiệm kỳ này là ông Obama) cho đến thời điểm bàn giao kỹ thuật.

Cuối tháng 11 này, hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Peru. Tổng thống Obama vẫn sẽ là nguyên thủ đại diện nước Mỹ tham dự hội nghị.

Đây có lẽ sẽ là diễn đàn lớn cuối cùng ông xuất hiện với tư cách người đứng đầu nước Mỹ và có cơ hội nói lời chia tay với nguyên thủ nhiều quốc gia.

Và theo qui định của luật Mỹ, ông Obama vẫn có đủ quyền lợi và trách nhiệm của một vị Tổng thống. Vì vậy ông sẽ đến Peru trên chiếc Air Force One và chiếc cặp hạt nhân cũng sẽ vẫn đi theo ông.

Suốt một thời kỳ dài, các Tổng thống mới của Mỹ phải nhậm chức vào ngày 4-3 mặc dù biết mình đắc cử từ ngày 8-11 của năm trước. Khoảng cách thời gian kéo dài tới bốn tháng đó vừa tế nhị vừa phức tạp đối với cả hai bên: Tổng thống mới và Tổng thống cũ.

Tổng thống cũ sẽ hoạt động cầm chừng, không có những hoạt động ngoại giao chính thức như không được mời đi thăm chính thức các nước, tiếp đón các nguyên thủ nữa, dù vẫn xuất hiện trong nhiều hoạt động đối nội.

Đổi ngày vì quá bực

Trên thực tế, đối với Tổng thống Obama, tuy vẫn còn đứng trên cương vị tổng thống đến ngày 20-1 năm sau, nhưng tiệc chiêu đãi đối với Thủ tướng Ý Matteo Renzi vào đầu tháng 10 vừa qua đã được gọi là quốc yến cuối cùng của ông.

Những gì Tổng thống "cũ" (dù vẫn đương nhiệm) làm trong thời gian này đều bị hoài nghi, không được đánh giá cao.

Người Mỹ có một từ để chỉ giai đoạn này của các Tổng thống (lameduck President) mang nghĩa “con vịt què” ám chỉ việc các Tổng thống sắp mãn nhiệm không còn thực quyền.

Trong khi đó, Tổng thống mới vẫn phải chờ đợi để được chính thức hóa quyền lực. Không chỉ là chuyện tế nhị người cũ, người mới, thời gian chờ chuyển giao quyền lực quá dài đã từng gây ra vấn đề nghiêm trọng.

Đó là khi tổng thống sắp mãn nhiệm Herbert Clark Hoover (1929-1933) không thể vực dậy đà suy thoái kinh tế của nước Mỹ nên bị dư luận Mỹ kịch liệt phản đối, mong muốn thay thế ông bằng Tổng thống mới càng nhanh càng tốt.

Còn tân tổng thống F. D. Roosevelt được đánh giá là thắng cử nhờ những dự định cải cách kinh tế táo bạo trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy sụp lại chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện những biện pháp cải cách này.

Thế là ngày 23-1-1933, Quốc hội Mỹ đã họp khẩn cấp để thông qua điều bổ sung thứ XX của Hiến pháp quy định lại ngày nhậm chức của Tổng thống và Phó tổng thống mới đắc cử là ngày 20-1, kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống cũ sớm hơn.

Tổng thống George W. Bush takes the oath of office from Chief Justice William Rehnquist to become the 43rd President of the United States, Saturday, Jan. 20, 2001, in Washington. Bush's wife Laura, wearing blue, and daughter Barbara look on.
Tổng thống George W. Bush tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án William Rehnquist để trở thành Tổng thống thứ 43, vào ngày thứ Bảy 20-1-2001, trước sự chứng kiến của vợ Laura, con gái Barbara và vợ chồng người tiền nhiệm Bill và Hillary Clinton - Ảnh: AFP

Lễ "phong vương" hoành tráng

Tổng thống mới sẽ nhậm chức tại thủ đô Washington D.C trong một buổi lễ hoành tráng mang không khí lễ hội tổ chức vào gần trưa ngày 20-1 với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân.

Nơi Tổng thống tuyên bố nhậm chức là Capitol Hill - trụ sở Quốc hội Mỹ. Sau khi tuyên thệ trước Chánh án Tối cao và cuốn Kinh thánh, vị nguyên thủ nhiệm kỳ mới của nước Mỹ sẽ đọc một bài diễn văn nhậm chức trước công chúng.

Sau đó, Tổng thống và gia đình sẽ rời Capitol Hill về Nhà Trắng - nơi họ sẽ sống và làm việc trong bốn năm sắp tới. Người dân sẽ đứng hai bên đại lộ Pensylvania để vẫy chào tân Tổng thống.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ có qui định chung về qui trình tổ chức từ hàng trăm năm. Nhưng mỗi lễ nhậm chức của từng tân Tổng thống cũng có ít nhiều chi tiết khác nhau.

Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington là vị Tổng thống duy nhất tổ chức lễ nhậm chức ở hai thành phố là New York và Philadelphia (trong khi các Tổng thống khác chỉ có một lễ).

Tổng thống đoản mệnh vì nói dài

Tổng thống William Henry Harrison cho đến nay vẫn giữ kỷ lục là người có bài diễn văn nhậm chức dài nhất với 8.445 từ. Không chỉ vậy, có một số tài liệu cho rằng bài diễn văn quá dài được đọc dưới trời mưa tầm tã của lễ nhậm chức vào ngày 4-3-1841, còn ông Harrison thì nhất định không che ô, không lùi lễ nhậm chức cũng chẳng rút ngắn bài diễn văn theo lời khuyên của nhiều người - là nguyên nhân khiến ông bị cảm lạnh, sưng phổi nặng rồi từ trần sau đó một tháng, trở thành vị tổng thống tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Còn trong các nhiệm kỳ Tổng thống gần đây, ngoài bài diễn văn nhậm chức được dư luận chờ đón, những thông tin như những nhân vật nổi tiếng nào sẽ xuất hiện tại lễ nhậm chức, ca sĩ nào sẽ hát chào mừng, Đệ nhất phu nhân mặc như thế nào, váy áo của nhãn hiệu nào… cũng được bàn tán nhiều, tốn không ít giấy mực của truyền thông nước Mỹ. 

Chuyển giao quyền lực

Trong khoảng thời gian từ khi công bố người trúng cử đến khi tân Tổng thống chính thức nhậm chức, nếu không phải là tái cử nhiệm kỳ 2 (như Tổng thống Obama), Tổng thống cũ vẫn là người gánh vác trách nhiệm điều hành đất nước tuy không còn quyền lực lớn như trước.

Ông Barack Obama đặt tay lên bản Kinh thánh tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2009 - Ảnh: Reuters

Quá trình chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống cũ và mới cũng có luật qui định rõ ràng và thường diễn ra êm đẹp, có sự phối hợp giữa hai bên, nhất là nếu cả hai cùng một chính đảng. Trong trường hợp khác đảng phái, việc tiếp nối các công việc, chính sách sẽ có sự đứt đoạn ít nhiều.

Trong khoảng thời gian hai tháng từ khi trúng cử đến khi nhậm chức, tân Tổng thống và gia đình đã được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của mật vụ theo chế độ dành cho Tổng thống.

Tổng thống đắc cử cũng sẽ tham gia vào một số hoạt động, phần lớn là không chính thức, phục vụ cho quá trình chuyển giao quyền lực. Tân tổng thống cũng bắt đầu được cập nhật các thông tin tình báo từ CIA và các cơ quan an ninh quốc gia.

Tất nhiên ưu tiên lớn nhất của tân Tổng thống lúc này là các hoạt động chuẩn bị cho ra mắt nội các, những cuộc gặp gỡ, thương lượng, vận động cho các vị trí chủ chốt sẽ được công bố sau lễ nhậm chức.

Trong thời gian này, về cơ bản Tổng thống đương nhiệm sẽ không còn các nghi lễ ngoại giao chính thức nữa (mời các nguyên thủ đến thăm, tổ chức các sự kiện lớn, không đi thăm chính thức cấp nhà nước…). Nhưng tổng thống có thể tiếp tục thúc đẩy những việc đang làm dở dang trong hoạt động đối nội, kể cả liên quan đến chính sách.

Tuy nhiên kết quả sẽ phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ (Thượng viện và Hạ viện). Đồng thời Tổng thống đương nhiệm cũng phải tham khảo ý kiến, trao đổi với Tổng thống đắc cử để có sự ủng hộ.

Làm gì khi có tình huống khẩn cấp?

Do nhiệm kỳ và việc chuyển giao quyền lực Tổng thống Mỹ đã được quy định bằng luật nên giữa Tổng thống mới và Tổng thống cũ thường phải có sự phối hợp nhất định, nhất là trước các vấn đề khẩn cấp của đất nước.

Thời điểm năm 2008 khi ông Obama đang chờ chuyển giao từ ông George W. Bush là một ví dụ điển hình. Đó là thời điểm nước Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Ông Bush trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng muốn thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp 350 tỉ USD để giải cứu một số ngân hàng.

Kế hoạch này của ông Bush đã nhận được sự nhất trí của ông Obama dù chưa chính thức nhậm chức. Ông Bush đã trình kế hoạch này ra Quốc hội và được phê chuẩn để thực thi ngay sau đó. Việc triển khai kế hoạch cứu trợ khẩn cấp này tiếp tục được thực hiện sau khi ông Obama lên nắm quyền.

Đến Tổng thống Obama, khi kết thúc nhiệm kỳ, ông cũng lại đứng trước một vấn đề tương tự: Đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cho đến thời điểm này, ông Obama vẫn đang kiên trì thực hiện cam kết của mình, cố gắng thúc đẩy việc trình TPP lên Quốc hội Mỹ trước khi mãn nhiệm.

Quyết định phê chuẩn đương nhiên sẽ phụ thuộc vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ nhưng thái độ của Tổng thống mới đắc cử sau ngày 8-11 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với TPP.

Ông Obama sẽ phải tham khảo ý kiến của Tổng thống đắc cử Donald Trump: TPP muốn được thông qua phải được Tổng thống mới ủng hộ.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên