10/11/2016 11:04 GMT+7

Bầu cử Mỹ thể hiện xung đột giai tầng xã hội

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đằng sau chiến thắng của ông Donald Trump, theo như báo Washington Post mô tả, là cuộc nổi dậy của tầng lớp lao động trung lưu ở Mỹ.

Những người ủng hộ ứng viên Donald Trump vui mừng với chiến thắng tại Manhattan, New York - Ảnh: Reuters

Tại buổi lễ ăn mừng chiến thắng tối 9-11 (giờ Việt Nam), lãnh đạo chiến dịch tranh cử của ông Trump là John Fredericks, đã tuyên bố “đây là cuộc cách mạng của tầng lớp lao động” xét theo tỉ lệ đi bỏ phiếu kỷ lục của nhóm này trong cuộc bầu cử.

“Những nhóm ưu tú trong truyền thống ăn phô mai và uống sâm-banh không bao giờ nói chuyện với những cử tri thực sự. Tầng lớp lao động Mỹ đã bị phản bội bởi thể chế, bởi những nô lệ của Phố Wall và Donald Trump là người bênh vực họ” - ông Fredericks giải thích.

“Tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy dưới sự dẫn đầu của Trump”
Denis Kleinfeld (Chuyên gia luật tài sản của Mỹ) 

Sự xung đột các giai tầng xã hội đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong cuộc bầu cử năm nay. Theo tạp chí Forbes, sự trỗi dậy của ông Trump là nhờ sự lo sợ của tầng lớp trung lưu và lao động về sự toàn cầu hoá, nhập cư và sự ngạo mạn của tầng lớp ưu tú. 

Còn theo báo Washington Post, ông Trump là ứng viên đầu tiên của một chính đảng lớn dám nói thẳng và không ngừng về các nỗi sợ đối với các chính sách kinh tế thương mại, nhập cư của giới lãnh đạo cả hai đảng vốn trở nên nhức nhối trong kinh tế Mỹ trong đầu thế kỷ này.

Cụ thể, ông Trump giành được sự ủng hộ áp đảo trong nhóm dân da trắng không có bằng đại học, vốn chiếm đến 1/3 cử tri năm 2016. Nó cũng lý giải chiến thắng vang dội của ông Trump ở các bang Ohio, Wisconsin, Pennsylvania.

Các thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy những cử tri này có khuynh hướng ủng hộ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, lo lắng về kinh tế và có khuynh hướng bất mãn với nhóm lãnh đạo ở Washington.

“Tôi chỉ biết ông Trump từ Đại hội đảng Cộng hoà nhưng… ông ấy sẽ phá vỡ tầng lớp chính trị, ý tôi nói đến các thành viên Cộng hoà và Dân chủ” - ông Steve Hantler ở Michigan nói về ứng viên mà mình ủng hộ.

Trong khi đó, Jesse Singh, đến Mỹ cách đây 30 năm, cho rằng ông Trump chiến thắng vì chưa từng là chính trị gia. “Đó là điều tôi thích nhất ở ông ấy. Ông ấy nói chuyện như một người bình thường”.

Theo khảo sát của ABC News, tỉ lệ ủng hộ ông Trump ở nhóm đàn ông da trắng là 68% so với 31% của bà Clinton, và tương tự ở nhóm nam giới da trắng không có bằng đại học. Điều này có ý nghĩa lớn khi cách biệt giới tính trong cuộc bầu cử năm nay lớn chưa từng thấy: tỉ lệ nam giới (nói chung) ủng hộ ông trump cao hơn 12% so với bà Clinton.

Chàng cao bồi ở New York được mùa khi xoay sang ủng hộ ông Trump - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Chàng cao bồi ở New York được mùa khi xoay sang ủng hộ ông Trump - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Sự bất mãn này không có gì mới. “Họ đã bị đè đầu trong hàng thập kỷ, sôi sục vì sự phục hồi chậm chạp sau cuộc đại suy thoái, điều này đặc biệt đúng ở nam giới” - báo Washington Post phân tích.

Trong khi tầng lớp ưu tú của nước Mỹ ở các thành phố lớn San Francisco, Boston và Washington ngày càng giàu có thì những người da trắng không có bằng đại học nhận thấy họ không có nhiều việc làm, các cơ hội kinh tế bị thu hẹp. “Hoàn toàn có thể hiểu được vì sao những người lao động này cảm thấy bị bỏ rơi” - nhà kinh tế Jared Bernstein giải thích thêm.

Các công nhân Mỹ ngày càng khó chịu với các thoả thuận thương mại, như Thoả thuận tự do thương mại bắc Mỹ với Mexico, Canada những năm 1990 hay nỗ lực tự do thương mại với Trung Quốc vào năm 2000, mà theo giới phân tích đã khiến Mỹ mất 2 triệu việc làm. 

Ông Trump đã đánh trúng tâm lý với cam kết khôi phục lại nền kinh tế công nghiệp cũ bằng cách thương lượng lại các thoả thuận và đánh thuế nhập khẩu, bằng lời hứa trục xuất người nhập cư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên