09/11/2016 08:33 GMT+7

Thế giới hậu bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ra sao?

DUY VĂN
DUY VĂN

TTO - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã đi vào “giờ phút sự thật”. Và trước giờ G này, báo chí quốc tế viết gì về nước Mỹ, và thế giới, hậu bầu cử 8-11?

Biếm họa của DonkeyHotey trên trang Who.What.Why. với chú thích: Tin tốt về ngày bầu cử là cuộc vận động tranh cử đã chấm dứt.
Biếm họa của DonkeyHotey trên trang Who.What.Why. với chú thích: Tin tốt về ngày bầu cử là cuộc vận động tranh cử đã chấm dứt

Hai tác giả Donkey Hotey và Klaus Marre trong bài báo “Cuộc chạy đua không bao giờ kết thúc của Clinton - Trump đang tiến tới phần cuối. Sau đó là gì" (đăng trên trang web tư liệu Who.What.Why. của nhà báo điều tra Mỹ Russ Baker) cho rằng đến ngày mai, có thể người ta sẽ biết ai là tân tổng thống Mỹ, nhưng trong cuộc bầu cử hiện nay điều đó không có nghĩa là mọi việc sẽ khép lại. Bởi nước Mỹ “tiếp tục chia rẽ sâu sắc và không ứng viên nào có thể hàn gắn rạn nứt đó”.

Vì sao? Theo hai đồng tác giả, “nếu bà Clinton thắng với một cách biệt nhỏ - cho đến nay đây là kịch bản nhiều khả năng nhất - thì ông Trump, như đã từng cho biết, sẽ tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận… Nó sẽ dẫn tới nhiều chia rẽ, giận dữ và mất lòng tin hơn nữa. Trong khi đó nước Mỹ đã quá chia rẽ khi hệ thống bị gian lận để mang lợi cho một nhóm nhỏ người bằng cái giá của tầng lớp trung lưu đang ngày càng thu hẹp. Và cuộc bầu cử càng cho thấy mô hình hiện nay là không bền vững”.

Hai tác giả cho rằng “nước Mỹ đang gặp rắc rối mà không ứng viên nào có thể thay đổi nó, thậm chí nhiều khả năng họ còn làm cho tình hình tệ hơn”.

Nhà bình luận quốc tế người Hy Lạp Dimitris Konstantakopoulos cũng cho rằng 80% người Mỹ không tin và không đánh giá cao ứng viên nào trong hai đối thủ đang chạy đua vào Nhà Trắng.

Ông chỉ ra khía cạnh mai mỉa: “Lập luận mạnh nhất để bỏ phiếu cho Trump là không phải bỏ phiếu cho những gì ông ta nói chống lại bà Clinton. Và lập luận chính để bỏ phiếu cho bà Clinton chỉ là để ông Trump không được đắc cử!”.

Trong khi chính sách đối ngoại của bà Clinton đã được giới thiệu khá rõ, thì các chính sách quan hệ quốc tế của Trump khá mù mờ, khiến nhà báo Hy Lạp này thử đi tìm câu trả lời.

Nhà báo này kể ông đã viết email hỏi những người bạn mình ở Mỹ, những “nhà quan sát nghiêm túc, có kinh nghiệm và tư duy phản biện”, nói rằng ông khá bối rối trước những gì đọc được về bầu cử Mỹ, và muốn họ cho ý kiến về chính sách đối ngoại mà ông Trump sẽ theo đuổi nếu đắc cử.

Từ những trả lời nhận được, Dimitris Konstantakopoulos cho biết “cả hai cũng không biết chắc về những gì đang diễn ra và đường lối tương lai của Mỹ sẽ ra sao”.

Dimitris Konstantakopoulos kể: “Một trong hai người, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng với những cái nhìn cấp tiến, đã hỏi ngược lại tôi: ANH mà cũng bối rối sao? Ha ha ha. Không ai biết cả. Trump là một người dễ thao túng. Chính sách theo bản năng của ông ta là TRÁNH chiến tranh. Ít ra đó là sự chọn lựa kiểu 'khó quá, bỏ qua' tốt hơn sự thúc đẩy chiến tranh của bà Clinton, hẳn thế rồi. Nhưng ai mà biết được?”.

Cử tri Mỹ phân vân ở điểm bầu cử tại Dumfries, bang Virginia ngày 8-11 - Ảnh: Reuters
Cử tri Mỹ ở điểm bầu cử tại Dumfries, bang Virginia ngày 8-11 - Ảnh: Reuters

Người thứ hai, một người có góc nhìn thiên tả hơn, từng viết những bài báo giận dữ về cuộc tấn công của báo chí chính thống chống lại ứng viên Cộng hòa, thì tỉnh táo hơn trong thư trả lời: “Không gì tệ hơn bà Clinton. Trump sẽ dựa vào đảng Cộng hòa trong Quốc hội trong chính sách đối ngoại, khiến ông ta trở nên nguy hiểm. Nếu ông ta cắt đứt quan hệ với giới tinh hoa của đảng, ông ta sẽ cải thiện quan hệ với Nga và Syria, nhưng đó là một chữ NẾU rất to. Còn nếu vẫn dựa vào chính sách thương mại bảo hộ thương mại, ông ta sẽ phải đối mặt với Trung Quốc và Bờ Tây. Không có kết quả nào tích cực từ cuộc bầu cử này!”.

Nhà báo Dimitris Konstantakopoulos phân tích: "Không nhiều người nhạy cảm sẽ đồng tình với một số ý tưởng của Trump về chính sách đối ngoại, đặc biệt trong tương quan quan hệ Mỹ - Nga - Syria như trong trả lời phỏng vấn cuối cùng trước bầu cử của ông ta cho Reuters. Nhưng có thật là ông ta nghĩ thế?

Liệu chúng ta có thể tin những gì ông ta nói? Có phải ông ta nói thật hay ông ta chỉ thực hiện một mánh lới mà giáo sư James Petras từng tiên đoán hồi tháng Sáu khi viết “thắng lợi bầu cử của Trump sẽ nằm ở khả năng che giấu việc chuyển sang chính sách tân tự do và tập trung sự chú ý của cử tri vào các chính sách ủng hộ giới quân đội, thân thiện với Phố Wall và chống lại người lao động”.

Là bởi Trump đã nói quá nhiều điều tương phản ở một số vấn đề, từ Cuba tới Hàn Quốc, từ Hồi giáo tới Ukraine (mà ông ta từng đến thăm sau sự kiện Maidan). Những gì ông Trump nói đều có thể diễn dịch theo hai cách. Chẳng hạn, ông nói sẽ không máy móc bảo vệ các nước vùng Baltics - điều nghe rất sướng tai người Nga - nhưng lại bảo rằng các đồng minh của Mỹ phải làm nhiều hơn cho phòng thủ của NATO nếu muốn dựa vào Mỹ.

Vì thế, theo nhà báo Hy Lạp Dimitris Konstantakopoulos, một viễn cảnh rõ ràng là sau cuộc bầu cử này, thế giới đang trở nên nguy hiểm hơn.

Nhà báo Anh David Morgan, trong bài báo trên cổng thông tin Canada Global Research ngày 6-11, trong khi đó cho rằng nếu bà Clinton thắng, "vấn đề sẽ ở chỗ bà là một phần của giải pháp hay là một phần của vấn đề?".

Nhận định rằng cả hai ứng viên đang chạy đua vào Nhà Trắng đều “quá không hoàn thiện”, thậm chí cả hai người đều không thích hợp để nắm giữ những chức vụ cao, nhưng một điều chắc chắn, theo nhà báo Morgan, ai nắm Nhà Trắng trong thời gian tới sẽ trở thành người quyền lực nhất thế giới mà số phận của nhiều dân tộc sẽ lệ thuộc vào tay họ.

Viễn cảnh đó bản thân nó mới là đáng sợ, khi một cá nhân được hành xử quá nhiều quyền lực.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên