08/11/2016 14:04 GMT+7

Bầu cử Mỹ: Người Mỹ thấy thiếu vắng phẩm chất lãnh tụ

CAM LY (Từ CALIFORNIA, Mỹ)
CAM LY (Từ CALIFORNIA, Mỹ)

TTO - Sau nhiều tháng ngập trong dòng thác thông tin bầu cử ào ạt và nặng nề, nước Mỹ rồi cũng gần chạm đến vạch đích khi thời điểm bầu cử chỉ còn tính bằng giờ. 

Tổng thống Barack Obama - Ảnh: NBC News

Đi ngang qua những ngôi nhà treo bảng hiệu ủng hộ ứng cử viên, tôi tự hỏi những người dân Mỹ sống trong đó có cùng suy nghĩ như tôi không, rằng chỉ còn một ngày nữa thôi đất nước này sẽ phải bỏ lại đằng sau di sản của tám năm qua được xây lên bằng niềm hi vọng, và dù kết quả có thế nào vẫn phải vượt qua nỗi thất vọng để tiếp tục bước đi.

Tám năm trước, sáng hôm sau ngày Barack Obama đắc cử tổng thống Mỹ, tôi đi trong khuôn viên một trường đại học vùng đông bắc Mỹ, nhìn thấy hàng trăm gương mặt trẻ rạng rỡ khi được sống trong một thời khắc lịch sử.

Khi nước Mỹ lần đầu chọn một tổng thống da màu, đất nước này không chỉ vượt lên lịch sử nô lệ tàn bạo của bản thân mà còn chọn một bước dấn thân mới, gỡ bỏ sự trĩu nặng trên thân phận của hàng triệu công dân không mang màu da trắng.

Tôi còn nhớ ngày hôm đó, trong cuộc trò chuyện cùng một số sinh viên nước ngoài và sinh viên mới nhập cư, chúng tôi đã đồng ý với nhau rằng với tất cả những khiếm khuyết mà nước Mỹ mang trong lòng, đất nước này đã thật sự chứng minh được khả năng lột xác của nó bằng công cụ nền tảng nhất - lá phiếu công dân.

Không tổng thống nào của nước Mỹ quên câu nói này trong bài diễn văn nhậm chức của mình: “Được phục vụ các bạn là vinh dự của tôi”.

Trong một thể chế được xây dựng từ nguyên tắc chính phủ là công bộc của dân, đây là câu nói gần như đương nhiên mọi chính khách đều phải nằm lòng.

Nhưng người dân Mỹ và những công bộc Mỹ cũng rất hiểu rằng nước Mỹ thịnh hay suy sẽ phụ thuộc vào việc người đóng vai trò công bộc tối cao này có thật sự lãnh đạo được cỗ máy chính quyền liên bang khổng lồ và phức tạp hay không.

Và vì thế, tư thế và chất lượng lãnh đạo là một trong những điều kiện tiên quyết cho hiệu quả vận hành của cỗ máy.

Tám năm trước, với Tổng thống Obama, người dân nước Mỹ tìm được một công bộc có thần thái và một lãnh đạo có tư cách sáng chói.

Cho dù qua một nhiệm kỳ tổng thống, vào mùa bầu cử bốn năm sau, nước Mỹ không còn “lâng lâng trên mây” về lựa chọn của mình và bản thân Tổng thống Obama cũng thừa nhận trong bài diễn văn nhậm chức lần hai rằng thực tế phức tạp hơn ông nghĩ khi mới đặt chân vào Nhà Trắng, tư thế của người lãnh đạo này vẫn là điểm sáng chính trong chính trường nước Mỹ.

Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, tổng thống Mỹ không dính dáng đến các vụ lùm xùm tư cách cá nhân, không đẩy nền kinh tế đến ngưỡng khủng hoảng (mà ngược lại, dần dần vực dậy nền kinh tế bị đẩy xuống gần đáy năm 2008 do hậu quả của các chính sách kinh tế thời kỳ tổng thống Bush) và không vướng phải bất kỳ một cáo buộc tham nhũng nào.

Gần đây, khi mùa tranh cử 2016 rơi tuột vào vòng xoáy không ngừng của các thể loại cáo buộc từ xấu xa đến bẩn thỉu, nhà bình luận chính trị Mỹ David Brooks của tờ Thời báo New York, một trong những cây bút từng chỉ trích một số chính sách của Tổng thống Obama, đã thốt lên: “Quá nhiều phẩm chất lãnh tụ và nhân cách mà Obama có, mà chúng ta nhiều khi coi như là hiển nhiên, bỗng nhiên đến giờ này mới thấy thiếu và trống vắng trong chính trường nước Mỹ”.

Philadelphia, Pennsylvania
Vợ chồng Tổng thống Obama đến TP Philadelphia, bang Pennsylvania vận động cho bà Hillary Clinton. Cựu Tổng thống Bill Clinton (phải) cũng có mặt trong tối 7-11 này để ủng hộ vợ - Ảnh: Reuters

Không chỉ có giới trí thức và chính khách Mỹ mới đang dần thấm thía điều này. Trong tám năm qua, một thế hệ trẻ em mới của nước Mỹ đã lớn lên với niềm tin và lòng tự hào vào một thời kỳ lịch sử mới của đất nước.

Con gái tôi từng được đọc sách về cuộc đời Tổng thống Barack Obama từ năm lớp 2. Cuốn sách chỉ vài chục trang - phác họa đơn giản về hành trình của một cậu bé mang hai chủng tộc và một giấc mơ lớn, cuối cùng trở thành người đứng đầu một cường quốc - đã để lại trong lòng con bé một ấn tượng sâu đậm.

Gần đây, khi cùng tôi ngồi nghe các cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Hillary Clinton, con gái tôi - mới 10 tuổi - còn nhận ra được rằng một trong hai ứng cử viên “chẳng biết nói gì mấy, chỉ toàn tấn công và lấn lướt đối thủ bằng câu: nói láo”.

Không gì đáng buồn bằng một thế hệ trẻ con không tìm được lòng tôn trọng với người (có khả năng) trở thành người lãnh đạo đất nước của chúng!

CAM LY (Từ CALIFORNIA, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên