14/10/2016 15:11 GMT+7

Nhật ngưng tài trợ UNESCO để phản ứng vụ thảm sát Nam Kinh

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Chính quyền Tokyo đã dùng biện pháp tài chính để trả đũa việc tổ chức UNESCO đưa sự kiện Thảm sát Nam Kinh vào chương trình lưu giữ ký ức lịch sử nhân loại.

Lễ tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh tháng 12-2015 ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hôm nay (14-10) Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida vừa công bố quyết định rút lại phần tài trợ cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) trong năm 2016.

Quyết định này được cho là "lời đáp trả" với việc câu chuyện thảm sát Nam Kinh năm 1937 được UNESCO chính thức đưa vào Chương trình "Ký ức của Thế giới" hôm 9-10.

Ngoại trưởng Nhật không giải thích rõ lý do quyết định ngừng tài trợ của mình, nhưng hôm 13-10, chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga có tuyên bố rằng quyết định của UNESCO có vấn đề do lẽ quan điểm của Nhật và Trung Quốc vẫn còn mâu thuẫn nhau trong vụ này và ông đã dọa Nhật có thể rút lại tài trợ.

"Hôm qua, chúng tôi đã đưa ra lời giải thích trong phiên họp của Đảng Dân chủ Tự do về việc vì sao vẫn chưa được thực hiện đóng góp", bộ trưởng Kishida nói với các nhà báo, đồng thời nhắc đến đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, tức có sự chuẩn thuận từ cấp cao.

Theo phân bổ, Nhật phải đóng góp khoảng 3,85 tỉ yen (37 triệu USD) cho tổ chức UNESCO trong năm 2016, chiếm khoảng 9,7% tổng ngân sách của tổ chức này.

"Thảm sát Nam Kinh", cũng thường được gọi là vụ "Cưỡng hiếp Nam Kinh", được coi là một tội ác chiến tranh do quân đội Thiên hoàng Nhật Bản tiến hành bên trong và xung quanh thành phố Nam Kinh của Trung Quốc sau khi thành phố này rơi vào tay Nhật ngày 13-12-1937.

Con số thương vong cụ thể trong vụ này là một chủ đề được bàn cãi hết sức gay gắt giữa các nhà nghiên cứu. Các ước tính từ 40.000 lên đến 300.000 thường dân (không gồm binh sĩ có vũ trang). Con số 300.000 người lần đầu tiên được Harold Timperly, một nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Trung Quốc trong thời gian này đưa ra vào tháng 1-1938.

Cho đến nay phía Trung Quốc vẫn sử dụng con số này. Toà án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông sau đó đưa ra con số 142.000 sau khi lắng nghe từ nhiều nhân chứng nhưng một số chính trị gia bảo thủ và học giả của Nhật cho rằng không hề có cuộc thảm sát thường dân nào cả.

Tổ chức UNESCO bắt đầu xây dựng chương trình "Ký ức của Thế giới" vào năm 1992 nhằm lưu giữ những tài liệu và chứng cứ quan trọng của lịch sử nhân loại.

Năm ngoái, phía Nhật đã lên tiếng về việc UNESCO tiếp nhận tư liệu và chứng cứ từ các tổ chức của Trung Quốc mà không đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Lần đó phía Trung Quốc cũng đã phản ứng ngược lại mạnh mẽ như lần này.

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Guo Biqiang, thuộc Phòng hai Tư liệu lịch sử Trung Quốc, phản ứng: "Những phàn nàn của Nhật là quá lố". 

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên