29/09/2016 15:17 GMT+7

Kinh hoàng "hồ chết chóc" ở Ấn Độ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Cách đây nhiều thế kỷ hồ Kazhipally tại Medak từng là nơi tranh giành của nhiều hoàng tử Ấn Độ nhưng nay đến cả những người dân nghèo nhất cũng không muốn sống gần cái hồ nguy hiểm này.

Trẻ con tắm tại hồ Osman Sagar gần thành phố Hyderabad của Ấn Độ - Ảnh: Reuters
Trẻ con tắm tại hồ Osman Sagar gần thành phố Hyderabad của Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Cách không xa trung tâm công nghệ nhộn nhịp Hyderabad, Medak là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh tại Ấn Độ và là một trong những nguồn cung cấp thuốc giá rẻ lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà hoạt động cộng đồng, các nhà nghiên cứu cho biết sự hiện diện của hơn 300 công ty dược tại khu vực này, cùng với sự thiếu giám sát và xử lý nước thải không đúng quy trình, đã khiến ao hồ và các con sông nơi đây chứa đầy kháng sinh, tạo ra những dòng vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh.

"Vi khuẩn kháng thuốc đang sinh sôi tại đây và sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới" - bác sĩ Kishan Rao làm việc tại Patancheru thuộc khu công nghiệp Medak, cảnh báo.

Bác sĩ Rao cho biết nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Gothenburg, Thụy Điển đã phát hiện mức ô nhiễm do dược phẩm rất cao tại hồ Kazhipally cùng sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh.

"Những hồ nước bị ô nhiễm này nuôi dưỡng sự phát triển của các vi khuẩn kháng ciprofloxacin và vi khuẩn kháng sulfamethoxazole nhiều hơn so với những hồ khác của Ấn Độ và Thụy Điển" - nghiên cứu mới nhất năm 2015 của ĐH Gothenburg cho biết.

Ciprofloxacin và Sulfamethoxazol là hai loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trên thế giới và xuất khẩu thuốc từ trung tâm Hyderabad trị giá khoảng 14 tỉ USD hàng năm.

Trong khi đó, các hãng dược tại Medak như công ty Dr Reddy, Công ty Aurobindo và Công ty Hetero của Ấn Độ cũng như tập đoàn Mylan của Mỹ đều khẳng định đã tuân thủ theo các quy định về môi trường của chính quyền địa phương và không xả thải vào đường nước chung.

Tuy nhiên chính quyền trung ương ở New Delhi và chính quyền địa phương lại chia rẻ về quy mô của vấn đề này. Ban Quản lý Ô nhiễm Trung ương (PCB) tại New Delhi liệt kê khu Patancheru vào diện "ô nhiễm nghiêm trọng" nhưng cho biết các cuộc giám sát mới của PCB cho thấy tình hình ô nhiễm đã được cải thiện.

Sự sinh sôi của "siêu khuẩn" kháng kháng sinh đang đặt ra mối đe dọa cho ngành y học hiện đại bằng sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh trong năm ngoái.

Các chuyên gia y tế tại Mỹ cho biết vi khuẩn kháng kháng sinh là nguyên nhân của 2 triệu ca nhiễm trùng nghiêm trọng và là thủ phạm của khoảng 23.000 cái chết mỗi năm.

Tuần trước, 13 công ty dược hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ xử lý ô nhiễm tại các nhà máy sản xuất kháng sinh để chống lại sự phát triển của các siêu vi khuẩn kháng thuốc.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên LHQ lần đầu tiên cũng cam kết tiến hành các bước để giải quyết mối đe dọa ngày càng hiển hiện này.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên