30/08/2016 11:28 GMT+7

ASEAN và mục tiêu 200 tỉ USD từ kinh tế số

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Kinh tế số sẽ phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á trong thập kỷ tới và điều các nước ASEAN cần làm là tăng cường kết nối để nắm bắt cơ hội bùng nổ.

Ứng dụng công nghệ số vào huấn luyện, đào tạo lính cứu hỏa ở Singapore - Ảnh: AFP
Ứng dụng công nghệ số vào huấn luyện, đào tạo lính cứu hỏa ở Singapore - Ảnh: AFP

“Kinh tế số đem lại mức độ tự do mới và làn sóng cơ hội cho doanh nghiệp và người dân. Nếu các chính phủ trong khối ASEAN hỗ trợ kết nối kỹ thuật số và các doanh nghiệp bắt kịp sự chuyển đổi sang kỹ thuật số, thành quả sẽ rất đáng mong đợi

Ông S. Iswaran (bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore)

Báo cáo chung của hãng công nghệ Mỹ Google và Công ty đầu tư Temasek của Singapore công bố mới đây cho thấy tiềm năng rất lớn của kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á. Sáu nước được lựa chọn nghiên cứu là những nước phát triển nhất trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Tổng giá trị kinh tế số của sáu nước dự kiến đạt 200 tỉ USD vào năm 2025.

Với gần 120 triệu người dùng trực tuyến, Indonesia dự kiến sẽ có thị trường kinh tế số trị giá 81 tỉ USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị kinh tế số của Đông Nam Á, theo nghiên cứu của Google và Temasek. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang coi công nghệ như một yếu tố tiềm năng có thể vực dậy kinh tế. Tháng 3-2016, ông Widodo hứa sẽ nâng tăng trưởng kinh tế lên mức trung bình 7% mỗi năm và đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số lớn nhất khu vực vào năm 2020 với tổng doanh thu hơn 130 tỉ USD.

Hadi Wenas, giám đốc MatahariMall.com - một trong những cửa hàng trực tuyến lớn nhất Indonesia, cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh mạnh mẽ sắp tới. “Nếu chúng ta tập trung vào việc phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, đưa sản phẩm với mức giá tốt nhất, tốc độ nhanh nhất... chúng ta sẽ trụ lại trong thị trường” - ông Wenas nói.

Indonesia cũng sẽ là thị trường dịch vụ vận chuyển số lớn ở khu vực với sự bùng nổ của các dịch vụ trực tuyến như Uber, Grab và dịch vụ xe ôm nội địa Gojek. Mảng dịch vụ vận chuyển cũng sẽ là trọng tâm của kinh tế số khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới, dự kiến tăng từ 5 tỉ USD năm 2015 lên 24 tỉ USD trong vòng một thập kỷ.

Singapore hiện vẫn là nước dẫn đầu về kinh tế số tại Đông Nam Á và cả thế giới. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 7-2016 cho thấy đảo quốc sư tử vẫn là quốc gia dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng kết nối, đánh giá khả năng hưởng lợi từ các cơ hội tạo ra từ cải cách số. “Singapore đã có một chiến lược mạnh mẽ nhằm thúc đẩy công nghệ truyền thông và thông tin ở các khía cạnh kỹ năng, hạ tầng, sử dụng công nghệ trong doanh nghiệp và cá nhân” - nhà kinh tế trưởng Margareta Drzenie của WEF đánh giá.

Trong phát biểu tuần trước, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore S. Iswaran đã đưa ra giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số ở Đông Nam Á. Đó chính là hội nhập kỹ thuật số nhằm mở ra cơ hội cho hơn 600 triệu công dân ASEAN.

Nhưng để làm được điều đó, các nước Đông Nam Á vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Thách thức lớn trong việc hội nhập là quản lý dữ liệu xuyên quốc gia và cập nhật các quy định về thương mại điện tử. Bộ trưởng Iswaran cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận nhằm đảm bảo cấu trúc thương mại truyền thống không cản trở cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). “Bởi vì trong kinh tế số, chúng ta chú trọng tốc độ và hướng đến các giao dịch lẻ, giá trị nhỏ. Đây thực sự là trọng tâm của các SME” - ông Iswaran giải thích.

Vấn đề quan trọng khác là các kỹ năng. Tổng giám đốc của Google Indonesia, Tony Kuesgen, nhận định: “Điều Indonesia cần tập trung không chỉ là đào tạo cho người dân về cơ hội kỹ thuật số, các yêu cầu về việc lập các trang web, các chiến dịch tiếp thị trực tuyến mà còn phải làm cách nào lấy lợi thế từ các quốc gia khác và đem về các kỹ năng”. Google ước tính Indonesia cần đến 20 tỉ USD trong thập kỷ tới để thúc đẩy kinh tế số.

Steven Vanada, chủ tịch Quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản, cho rằng Chính phủ Indonesia cũng như các nước khác trong khu vực không chỉ tập trung vào việc giúp đỡ các công ty về vấn đề vốn. “Điều quan trọng không chỉ là nới lỏng các yêu cầu IPO (phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng), mà còn phải giáo dục các nhà đầu tư về tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Phát hành IPO mà không thu hút được các nhà đầu tư thì cũng không tạo ra hiệu quả tốt” - ông Vanada nói.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên