29/08/2016 11:43 GMT+7

Nhật quyết giành châu Phi từ Trung Quốc 

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại châu Phi đang đến hồi cao trào với hàng đống tiền và “thề ước” chính trị được tung ra.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (trái) chào đón Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị tổ chức ở Nairobi - Ảnh: Reuters

Hôm qua 28-8, Hội thảo quốc tế Tokyo lần 6 về phát triển châu Phi (TICAD) vừa khép lại tại thủ đô Nairobi của Kenya.

Thủ tướng Shinzo Abe, được tháp tùng bởi 75 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, đã cam kết đổ vào châu Phi thêm 30 tỉ USD trong ba năm tới cho các dự án hạ tầng, giáo dục và sức khỏe.

Giới quan sát đánh giá Tokyo đang rất quan tâm đến nguồn tài nguyên phong phú của châu Phi - đặc biệt kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima, bên cạnh đó người Nhật không muốn để mất thị trường đầy tiềm năng này vào tay Trung Quốc.

“Nhật sẽ sát cánh cùng châu Phi để biến ước mơ châu Phi thành hiện thực. Đây là mục tiêu chính của TICAD” - Thủ tướng Abe phát biểu tại hội nghị.

Chất lượng hơn của rẻ

Theo Reuters, số tiền 30 tỉ USD ông Abe công bố cuối tuần qua bổ sung cho 32 tỉ USD Nhật đã cam kết đầu tư vào châu Phi trong năm năm tại TICAD 2013.

Tổng số tiền này chỉ vừa nhỉnh hơn 60 tỉ USD Trung Quốc hứa sẽ đổ vào châu lục này trong ba năm tại một hội nghị tổ chức tháng 12-2015.

Một so sánh khác cho thấy Trung Quốc đang dẫn trước: tổng đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật vào châu Phi năm 2015 là 1,24 tỉ USD - giảm từ 1,5 tỉ USD của năm trước, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào mỗi quốc gia Guinea Xích Đạo trong duy nhất tháng 4-2015 đã là 2 tỉ USD.

“Cách Trung Quốc xuất hiện đã giúp châu Phi vì các tay chơi khác đều đứng dậy và chú ý. Không chỉ Nhật đâu, hãy nhìn vào Mỹ, Ấn Độ và những nước khác

Ông Moses Ikiara (giám đốc Cơ quan Đầu tư Kenya)

Có lẽ chịu thua về “số lượng” nên Thủ tướng Abe tại TICAD 2016 tập trung nhấn mạnh vào “chất lượng Nhật Bản” - một tương phản của “chất lượng Trung Quốc” - trong các lĩnh vực hạ tầng hiện đại và xây dựng nguồn nhân lực.

“Chúng tôi cảm thấy thời điểm đã đến để tận dụng mọi khả năng của nước Nhật, mọi năng lực của các công ty Nhật vì sự đi lên của châu Phi. Trong phát triển kinh tế - xã hội, các bạn tìm kiếm không gì khác ngoài chất lượng” - ông Abe phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi (từ “chất lượng” còn được lặp lại thêm vài lần nữa trong bài phát biểu của Thủ tướng Nhật).

Báo Financial Times dẫn lời ông Tomohiko Taniguchi, cố vấn đặc biệt Chính phủ Nhật, nhận xét số lượng đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao Nhật tham gia TICAD lần này cho thấy họ cuối cùng đã công nhận châu Phi có thể mang lại những cơ hội tăng trưởng thật sự.

Ngoài các tập đoàn lớn như Toyota, Fuji... các nhà sản xuất mỹ phẩm, mì ăn liền, bánh kẹo, dược phẩm, tóc giả... của Nhật cũng cắt cử đại diện lặn lội sang Nairobi tìm cơ hội.

Cạnh tranh ngầm

Bắt đầu từ năm 1993, TICAD được tổ chức cứ mỗi năm năm tại Nhật nhưng năm nay là lần đầu tiên diễn ra trên đất châu Phi và chỉ mới ba năm sau TICAD 2013. Đây là thay đổi đáng kể phản ánh ưu tiên của Nhật dành cho châu Phi trong thời gian tới.

okyo nhận thức rõ họ đang tụt lại phía sau giữa lúc các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... đang dốc sức xây dựng mối quan hệ làm ăn với châu Phi - khu vực nhiều tài nguyên nhưng lại chưa phát triển.

TICAD 2016 diễn ra trong bối cảnh nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chưa từng có trong nhiều năm.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của tiểu vùng Sahara châu Phi sẽ giảm chỉ còn 1,6% năm nay từ mức 3,5% của năm 2015. Do đó, sự chú ý dồn rất nhiều vào số tiền Nhật vừa cam kết đầu tư.

Theo các nhà quan sát, tuy cả Trung Quốc lẫn Nhật đều khẳng định họ chỉ muốn phát triển mối quan hệ “hai bên cùng có lợi” với châu Phi nhưng đằng sau đó là một cuộc cạnh tranh ngầm giành ảnh hưởng.

Tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc ngay trước thềm TICAD 2016 viết bài chỉ trích Tokyo đang cố “ve vãn” châu Phi để họ ủng hộ Nhật giữ một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - một điều Bắc Kinh luôn cực lực phản đối.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nhật “khiêm tốn” một cách sắc sảo: “Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất ở châu Phi. Là một đối tác hàng đầu, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ họ”...

Tại Nairobi, Thủ tướng Abe cũng có đề cập rằng Nhật Bản sẽ “chiến đấu” vì công cuộc cải tổ tại Liên Hiệp Quốc và ủng hộ châu Phi có một đại diện trong Hội đồng Bảo an.

Chuyên gia Alex Vines, thuộc Tổ chức học giả Chatham House (London), nhận định giữa cuộc cạnh tranh ngầm Nhật - Trung, hầu hết các nước châu Phi (chỉ trừ Nam Phi ngả về Trung Quốc) đều có khả năng “mượn gió” để hưởng lợi.

Nhưng cũng có một số người nghi ngờ: “Câu hỏi là anh tận dụng sự cạnh tranh như thế nào. Anh phải nhìn vào lợi ích của mình và phát huy nó. Điều đó chỉ có thể thành hiện thực khi anh tự tin vào nghị trình của mình” - theo ông Sindiso Ngwenya, tổng thư ký Tổ chức thương mại Comesa gồm 20 nước châu Phi.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên