24/08/2016 17:04 GMT+7

​Đã đến lúc nên có tên quốc tế mới cho Biển Đông?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự chồng chéo về tên gọi quốc tế của Biển Đông giữa các nước trong khu vực không phải là vấn đề lớn. 

Đề xuất đổi tên quốc tế của Biển Đông thành biển Đông Nam Á trên trang Change.org - Ảnh chụp màn hình
Đề xuất đổi tên quốc tế của Biển Đông thành biển Đông Nam Á trên trang Change.org - Ảnh chụp màn hình

Điều đáng báo động là tên gọi “South China Sea” (biển nam Trung Quốc - Nam Hải) dành cho Biển Đông, vốn được nhiều người sử dụng từ trước đến nay, lại đang bị hiểu lầm và bị lợi dụng xuyên tạc.

Chủ quyền Biển Đông bị xuyên tạc trắng trợn

Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc, Phó Đô đốc Viên Dự Bách hồi tháng 9-2015 đã gây sốc khi ngang nhiên tuyên bố “South China Sea (Biển Đông) phải là của Trung Quốc (China) bởi cái tên của nó đã chỉ ra tất cả (!?)”.

Đối với nhiều người, các luận điệu xuyên tạc và yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông vốn đã là điều phi lý. Nhưng điều nực cười hơn nữa là một quan chức quân đội cấp cao như Tư lệnh Viên lại không biết gì về nguồn gốc tên gọi thật sự của tên gọi “South China Sea”, rồi vơ vào và nhận xét xằng bậy.

Tạp chí Times trong một bài phản bác sau đó đã viết rằng, không còn từ nào để diễn tả được sự vô lý trong tuyên bố đó. Bởi nếu nói theo cách của Trung Quốc thì Ấn Độ Dương đã là đại dương của Ấn Độ, vịnh Mexico thì thuộc về Mexico chỉ đơn giản là vì… tên gọi của chúng.

Có lẽ Phó Đô đốc Viên đã không biết được rằng, chính tổ tiên Trung Quốc từ xa xưa đã gọi Biển Đông ngày nay là “Giao Chỉ dương” (biển của người Giao Chỉ - Việt Nam) trong các thư tịch cổ từ trước thời nhà Hán. Và nếu dựa theo lập luận của ông Viên, thì Việt Nam đã có chủ quyền với Biển Đông ngay từ thời nước ta còn được gọi là Giao Chỉ, thời trước công nguyên.

Nhưng Việt Nam đã không làm vậy, chúng ta hiểu rõ tên gọi “South China Sea” bắt nguồn từ đâu và chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để chứng minh cho chủ quyền đó chứ không phải chỉ dựa vào tên gọi để đòi chủ quyền.

Quay trở lại thế kỷ 19, giao thương đường biển giữa Trung Quốc và các nước phương Tây trở nên nhộn nhịp. Theo Wall Street Journal, sau 1800, cái tên “China sea” được dùng chung chung trong các bản đồ phương Tây để chỉ vùng biển ở gần Trung Quốc, nơi các thương buôn thường đi ngang.

Đến khoảng những năm 1930, “South China Sea” mới được sử dụng để phân biệt với “East China Sea” (biển Hoa Đông) cũng ở gần Trung Quốc, tuyệt nhiên không có ý chỉ các vùng biển này là của người Trung Quốc.

Trước đó, các tàu buôn Ả rập hồi thế kỷ thứ 10 đã dùng tên gọi biển Malay để chỉ vùng biển phía tây nam nằm giữa eo Sumatra và Chiêm Thành (một quốc gia trong lịch sử nằm ở phía nam Việt Nam ngày này). Tiếp đó, vào đầu thế kỷ 16, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi lần đầu tiên đến Đông Nam Á đã gọi phần phía tây Biển Đông là biển Chiêm Thành, phần phía đông là biển Luzon (đảo Luzon của Philippines).

Những cách gọi này chỉ đơn thuần là cách đánh dấu của các nhà làm bản đồ và giới thương thuyền phương Tây, hoàn toàn không có hàm ý chủ quyền gì ở đây cả.

Rục rịch các động thái mới

Trang Quartz ngày 22-8 dẫn lời Ahmad Santosa, người đứng đầu cơ quan chống đánh bắt cá trái phép Indonesia tiết lộ, chính quyền Jakarta sẽ sớm trình lên Liên Hiệp Quốc một đề xuất đổi tên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh quần đảo Natuna trên Biển Đông thành biển Natuna.

Động thái này được cho là nhằm bảo vệ chủ quyền của Indonesia khỏi “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc.

Jakarta không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, song EEZ của nước này ở Natuna lại bị chồng lấn bởi yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc. Chính quyền Indonesia cũng đã nhiều lần phải điều tàu ra xua đuổi, bắt giữ các tàu cá và tàu công vụ Trung Quốc hoạt động trái phép trong khu vực.

Trước đó, hồi năm 2012, Philippines cũng chính thức đặt lại tên Biển Đông trên các công văn và bản đồ hành chính ở nước này là “West Philippine Sea” (biển Tây Philippines). Manila sau đó cũng đệ trình bản đồ hành chính và bản đồ chính thức lên Liên Hiệp Quốc nhưng cái tên “Biển Tây Philippines” không nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Bà Ellen Frost, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Đông - Tây (Mỹ) đề xuất, các nước có thể đề nghị đổi tên “South China Sea” thành “South Sea” (biển Nam - PV). Bởi, nếu đề xuất đổi tên Biển Đông thành “Southeast Asia Sea” (biển Đông Nam Á - PV), Trung Quốc sẽ kịch liệt phản đối vì cho rằng như vậy là tước bỏ chủ quyền (vô lý) của họ.

Nhưng nếu đổi thành “South Sea”, Bắc Kinh sẽ khó phản bác bởi chính họ cũng gọi Biển Đông là Nam Hải, hoàn toàn tương đồng với biển Nam - South Sea.

Loại bỏ từ “China” chỉ là một thay đổi nhỏ song có thể “đóng góp đáng kể cho hòa bình khu vực” - bà Frost nhận định.

Phía Trung Quốc dĩ nhiên không ngồi yên trong tình hình như vậy. Mới đây nhất, ngày 20-8, thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc loan tin, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Trung Quốc Ngụy Tiểu An đề xuất nên đổi tên tỉnh Hải Nam thành Nam Hải để “nâng cao nhận thức của người dân về Nam Hải và chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với khu vực này”.

Giới học giả Trung Quốc cũng bắt đầu “tung chiêu” trên các diễn đàn, tạp chí quốc tế. Trong bài viết trên tạp chí “National Interest” của Mỹ ngày 23-8, Giáo sư Shiping Tang và Tiến sĩ Seaker Chan thuộc trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ, Đại học Phục Đán (Trung Quốc) đã đề xuất hai giải pháp cho tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông.

Một là, Trung Quốc và Philippines sẽ cùng khai thác bãi cạn Scarborough, tiến tới thành lập một trạm nghiên cứu sinh thái và trung tâm du lịch ở khu vực. Và giải pháp thứ hai, táo bạo hơn nữa và chưa từng có tiền lệ, Trung Quốc và Philippines cùng chia sẻ chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough thay vì cứ tranh cãi nó thuộc về ai.

Hai học giả này lập luận, cách giải quyết thứ hai sẽ tạo ra tiền lệ lịch sử trong quan hệ quốc tế, là bài học kinh nghiệm cho các nước có tranh chấp tương tự. Một khi đã chấp nhận chia sẻ chủ quyền, Bắc Kinh và Manila có thể cùng ngồi lại và giải quyết các vấn đề khác, như quyền đánh bắt cá ở Scarborough.

Mỹ, đồng minh của Philippines, sẽ phải chọn một trong hai cách này. Cả Washington, Manila đều không muốn có chiến tranh với Bắc Kinh, bởi điều đó là cực kì tốn kém và làm tổn hại đến hòa bình, ổn định khu vực.

Có thể thấy được sự nguy hiểm trong cách đưa vấn đề và lập luận của học giả Trung Quốc. Cần nhớ, chính Bắc Kinh đã xua tàu chiếm giữ bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 và giờ lại giở trò kêu gọi cùng khai thác tài nguyên, chia sẻ chủ quyền

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên