18/08/2016 11:12 GMT+7

Ở Biển Đông, chơi theo luật mới có lợi

QUỲNH TRUNG - TRUNG TÂN
QUỲNH TRUNG - TRUNG TÂN

TTO - Các học giả quốc tế đã chỉ ra những âm mưu, chiêu thức của Bắc Kinh nhằm thể hiện quyền làm càn kiểu ông lớn ở Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Chu Hồi trả lời câu hỏi của học giả tại hội thảo - Ảnh: TRUNG TÂN
Giáo sư Nguyễn Chu Hồi trả lời câu hỏi của học giả tại hội thảo - Ảnh: TRUNG TÂN

Ngày 17-8, tại hội thảo “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” tổ chức ở Nha Trang, các học giả quốc tế và trong nước đã dành trọn ngày thảo luận đầy đủ các khía cạnh phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Cơ hội tạo thế đàm phán

Trong phiên thảo luận đầu tiên, ông Nguyễn Quý Bính - nguyên đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, và trọng tài viên tại Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague - khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 12-7 là dịp để suy xét và nhìn nhận kỹ lưỡng hơn về lợi ích ưu tiên của Việt Nam.

“Khi đối phó với Trung Quốc, nước có những yêu sách ngang ngược bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS, Việt Nam sẽ có lợi hơn trong việc điều chỉnh lập trường pháp lý phù hợp với các quy định của UNCLOS. Như vậy sẽ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của quốc tế, đồng thời tạo thế đàm phán dễ dàng, thuận lợi hơn với Trung Quốc” - cựu đại sứ Nguyễn Quý Bính nhận định.

Theo ông Bính, nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông hầu hết đều tập trung ở vùng thềm lục địa trong giới hạn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, do đó Việt Nam và các nước liên quan như Malaysia, Philippines cần ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia thuộc phạm vi EEZ tính từ bờ biển của mình. Cụ thể hơn, theo ông Bính, Việt Nam nên điều chỉnh quy định “nội luật” theo hướng tập trung ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích đối với vùng EEZ, thu hẹp bớt tranh chấp ở Biển Đông.

Đại sứ Bính nhấn mạnh rằng quy chế về đảo, đá ở Trường Sa theo nội dung của phán quyết của Tòa trọng tài không làm mất đi quyền kiểm soát của Việt Nam đối với các đảo đang trấn giữ, mà thậm chí còn giúp bảo vệ tốt hơn các lợi ích hợp pháp liên quan của Việt Nam và các nước khác, chẳng hạn như quyền tự do hàng hải, hàng không qua khu vực biển đang có tranh chấp, quyền đánh cá của ngư dân Việt Nam cũng được quốc tế bảo hộ.

Phải nhận diện rõ chiêu thức của Trung Quốc

Trong bài tham luận tại hội thảo, ông Shekhar Dutt - cựu phó cố vấn an ninh quốc gia và cựu thứ trưởng quốc phòng Ấn Độ - cho biết Trung Quốc đã có những nỗ lực kiên trì và liên tục để mở rộng phạm vi hoạt động thực hiện yêu sách của mình. Cách tiếp cận Biển Đông hiện nay của Bắc Kinh, theo ông Shekhar Dutt, cho thấy sự tráo trở của nước này. Theo đó, nước này không hề tôn trọng các hiệp ước đã ký kết với các nước khác để duy trì hòa bình và ổn định.

“Cộng đồng quốc tế cũng cần phải đồng lòng phối hợp mạnh mẽ hơn để tác động hay thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm khôi phục nguyên trạng trước đây. Mỹ cũng nên phối hợp với các cường quốc khác để cùng tạo áp lực lên Trung Quốc” - ông Shekhar nêu rõ.

Cựu thứ trưởng của Ấn Độ nhận định với cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt”, Bắc Kinh có thể ép buộc chính phủ hầu hết các nước ASEAN hợp tác với mình nhưng vẫn không thể giúp nước này xây dựng hình ảnh một cường quốc thân thiện - đó là một đất nước không màng lợi ích của mình, thúc đẩy kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng phía nam.

Theo ông Shekhar, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các nước ASEAN là phải thúc giục Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông nhìn nhận đây là vấn đề nan giải vì “Trung Quốc có mưu đồ sử dụng quan hệ kinh tế và ảnh hưởng của mình để chia rẽ ASEAN và một khi ASEAN bị chia rẽ thì không có COC”.

Nhận định với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Amy Searight - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, đồng thời là nguyên phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ - cho rằng giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là các quốc gia có lợi ích và liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần thể hiện sự ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài và cố gắng đạt tiếng nói “càng đoàn kết càng tốt” nhằm ngăn chặn Trung Quốc có những thỏa thuận ngầm.

Kiện Trung Quốc vì hủy hoại môi trường

Trả lời câu hỏi của các học giả về các dự báo về môi trường ở Biển Đông tại phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và môi trường) - cho biết có thể tạm đánh giá thiệt hại quy ra vật chất với những rạn san hô ở Biển Đông.

Theo tính toán, mỗi hecta san hô có giá trị khoảng 300.000 USD/năm, vậy khoảng 1.500ha san hô thì tương ứng với thiệt hại khoảng 500 triệu USD/năm. Hiện trữ lượng cá cũng đã giảm 16%.

Về vụ kiện môi trường, ông Hồi nói “điều ấy là có thể xảy ra”. Khả năng kiện từng được đưa vào nội dung một hội thảo về Biển Đông trước đây. Theo ông Hồi, nếu Biển Đông là vùng biển nghèo thì việc Trung Quốc hủy hoại môi trường “chỉ mắc một cái lỗi”, nhưng thực tế Biển Đông là vùng biển giàu nên Trung Quốc đã phạm tội “hủy diệt môi trường”, tác động đến 300 triệu dân của 9 quốc gia.

“Dù Trung Quốc luôn miệng cho rằng tranh chấp nên được giải quyết theo cơ chế song phương và không cần luật pháp quốc tế nhưng cho đến nay, Trung Quốc chưa chứng minh có đủ năng lực để giải quyết tranh chấp theo cơ chế song phương thành công, ngoại trừ hiệp định phân định vịnh Bắc bộ với Việt Nam

Tiến sĩ Gerald Will (chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị, Viện Chính trị và an ninh quốc tế)
QUỲNH TRUNG - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên