28/07/2016 11:14 GMT+7

Sao lại là nước Pháp?

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

TTO - Khi những kẻ trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) muốn giáng một đòn vào châu Âu, nước Pháp sẽ là mục tiêu đầu tiên mà chúng nhắm tới.

Cảnh sát Pháp đứng gác phía trước nhà thờ ở Normandy sau một ngày xảy ra vụ tấn công khiến một tu sĩ thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Pháp đứng gác phía trước nhà thờ ở Normandy sau một ngày xảy ra vụ tấn công khiến một tu sĩ thiệt mạng - Ảnh: Reuters

Theo AP, kể từ tháng 1-2015 đến nay, những kẻ tấn công IS đã sát hại ít nhất 235 người tại Pháp. Đây là số người bị sát hại vì khủng bố cao nhất tại một quốc gia châu Âu. Chiếm phần lớn trong số các hung thủ là những công dân Pháp hoặc những người định cư nói tiếng Pháp. Thủ đoạn quen thuộc là tấn công liều chết.

Tổng thống Pháp François Hollande từng cho rằng sở dĩ nước Pháp là kẻ thù hàng đầu của IS tại châu Âu bởi lẽ quốc gia của ông vốn được mệnh danh là cái nôi của dân chủ và các vấn đề nhân quyền. Sau vụ tấn công bằng xe tải tại Nice khiến 84 người thiệt mạng, ông Hollande nói: “Nếu những kẻ khủng bố tấn công chúng ta, đó là vì chúng hiểu rất rõ nước Pháp đại diện cho điều gì”.

Một mặt, các chuyên gia phân tích đồng ý với ông Hollande ở quan điểm này. Nhưng mặt khác, khi nhìn về lịch sử thuộc địa, những căng thẳng trong thực tế nhân khẩu học và các chính sách can thiệp trong nước nhằm chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài, các chuyên gia lại chỉ ra những nguyên do sâu xa hơn cho thấy vì sao những kẻ sát nhân chống đối phương Tây lại không ngừng muốn gây đau thương và tang tóc cho nước Pháp.

Hơn 5 triệu người Hồi giáo

Pháp là nước có dân số là người Hồi giáo đông nhất tại châu Âu với hơn 5 triệu người trong tổng số 66 triệu dân. Đó là “di sản” của giai đoạn chiếm đóng thuộc địa của Pháp tại nhiều khu vực ở châu Phi và Trung Đông trong quá khứ. Hầu hết những công dân nhóm này đều nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Ả Rập, họ sống tập trung trong những khu vực biệt lập và nghèo nàn nhất ở Pháp.

Các binh sĩ và lực lượng đặc nhiệm Pháp hiện vẫn đang đóng tại nhiều khu vực có đông người Hồi giáo tại những quốc gia từng là thuộc địa Pháp ở nước ngoài.

Họ chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan có liên quan tới IS ở châu Phi và theo đó, tất yếu khiến IS muốn kêu gọi việc trả thù ngay trên đất Pháp. Cùng với đó, lực lượng không quân Pháp cũng tham gia chiến dịch không kích diệt trừ IS kéo dài gần 2 năm qua do Mỹ chỉ huy tại Iraq và Syria.

Ngoài ra, những chính sách can thiệp với mong muốn đẩy nhanh quá trình hòa nhập của những người Hồi giáo ở Pháp đã vô tình làm sâu sắc hơn những xung đột tồn tại dai dẳng trong nhóm cộng đồng Hồi giáo thiểu số. Điển hình như chuyện cấm dùng mạng che mặt năm 2010 và cấm dùng khăn trùm đầu Hồi giáo trong lớp học năm 2004.

Ông Farhad Khosrokhavar, chuyên gia xã hội học, từng phân tích cho báo New York Times: “Mô hình hòa nhập của Pháp rất phóng khoáng về mặt nguyên tắc nhưng lại quá cứng nhắc trong khi thực hiện”. Cũng theo chuyên gia này, bất kể thực tế người Pháp muốn tạo ra sự hòa nhập thì những người nhập cư và con cháu họ vẫn luôn cảm thấy bị gạt sang bên lề cuộc sống.

Nhiều người Hồi giáo cảm thấy cùng là người nhập cư nhưng họ luôn bị thua kém so với những người nhập cư người Anh hay Đức, thậm chí có những người còn cảm thấy họ bị xúc phạm khi là một người Hồi giáo hay Ả Rập.

Ông Farhad Khosrokhavar cũng cho rằng sự tách biệt càng trở nên sâu sắc hơn trong tâm lý những người nhập cư có xuất thân từ những cộng đồng Hồi giáo gần gũi với Pháp nhất như Morocco, Tunisia và Algeria ở bên kia bờ Địa Trung Hải.

Chống IS từ bên ngoài hay bên trong?

Theo các chuyên gia, không có gì ngạc nhiên khi phần lớn những kẻ tấn công vào Pháp vừa qua đều có nguồn gốc gia đình liên quan tới các nước ở khu vực Bắc và Tây Phi chứ không phải Trung Đông.

Con cái của những người nhập cư châu Phi ở Pháp hiện cũng là lực lượng đông đảo nhất đã nghe theo lời kêu gọi của IS và số phần tử này ở Pháp cũng lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác tại châu Âu. Ước tính có khoảng 1.000 công dân và những người định cư tại Pháp mà phần lớn là người Hồi giáo gốc châu Phi đã tới Syria, hoặc bị bắt khi trên hành trình tới đó để gia nhập IS.

Có thể thấy rõ ảnh hưởng của điều này tại căn cứ IS ở thành phố Raqqa, thủ phủ của IS tại Syria. Tại đây, hai ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Ả Rập và tiếng Pháp.

Tiếp đó, trong các tài liệu tuyên truyền của IS, tiếng Pháp và công dân Pháp cũng đã được sử dụng để nhằm mục đích cuối cùng là gây bấn loạn với những đôi mắt và đôi tai người Pháp. Trong vòng 3 tháng qua, IS đã trực tiếp đe dọa nước Pháp, dùng những xướng ngôn viên người gốc Pháp trong chín tài liệu tuyên truyền do chúng tung ra.

Sau vụ tấn công ở Nice, nước Pháp đã tăng cường an ninh lên mức tối đa và cũng cam kết sẽ tăng cường tham gia chống IS tại Syria và Iraq.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ không biết liệu quyết tâm trấn áp IS của ông Hollande có khi nào lại là cơn cớ xúi giục nhiều hơn nữa những cư dân Hồi giáo ở Pháp tiếp tục gia nhập IS không. Nhiều người cũng nói thách thức cơ bản của nước Pháp hiện nay là giải quyết những xung đột và mâu thuẫn nội tại tiềm ẩn trong cộng đồng Hồi giáo trong nước.

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên