27/07/2016 10:54 GMT+7

​Tin vui mới về những "chị em ruột" của cừu Dolly

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Một tin tức vừa gây xôn xao giới khoa học thế giới khi nghiên cứu mới cho biết 13 con cừu nhân bản vô tính đã không bị chết yểu như cừu Dolly.

Bốn con cừu được nhân bản vô tính từ cùng dòng tế bào với cừu Dolly sinh tháng 7 năm 2007 vẫn đang phát triển bình thường ở tuổi thứ 9 - Ảnh: Nature
Bốn con cừu được nhân bản vô tính từ cùng dòng tế bào với cừu Dolly sinh tháng 7-2007 vẫn đang phát triển bình thường ở tuổi thứ 9 - Ảnh: Nature

Theo Vox, một kết quả nghiên cứu mới đăng tải ngày 26-7 trên tạp chí Nature cho biết, 13 con cừu nhân bản vô tính, có 4 con được nhân bản từ cùng dòng tế bào với cừu Dolly, có thể gọi là những "chị em ruột" với chú cừu nhân bản vô tính đầu tiên nổi tiếng của thế giới, vẫn đang phát triển bình thường.

Trước đó, việc chú cừu Dolly nổi tiếng chết khi mới được 6,5 tuổi sau khi bị viêm khớp và các khối u trong phổi đã khiến giới khoa học lo ngại nhân bản vô tính sẽ gây ra các trục trặc sức khỏe bất thường ở động vật.

Cùng với lo ngại đó, nhiều nước đã ban hành lệnh cấm nhân bản vô tính với động vật như ở Canada và Úc, đồng thời Liên minh châu Âu cũng ra chính sách cấm nhập khẩu thực phẩm từ các loài động vật nhân bản vô tính.

Tuy nhiên theo thời gian, nhân bản vô tính đã có những bước tiến đáng tin cậy hơn. Bằng chứng là trong nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Nature, 4 con cừu chị em với cừu Dolly đã bước sang tuổi thứ 9 mà vẫn không có trục trặc sức khỏe đáng kể nào.

Nhân bản vô tính hiện đã và đang được sử dụng trong nhiều mục đích ứng dụng khác nhau. Trong đó có thể kể tới như việc hỗ trợ bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và khôi phục lại các loài đã bị xếp vào diện tuyệt chủng.

Tuy nhiên theo Scientific American, những tiến bộ này vẫn đang rất khiêm tốn vì chỉ khoảng 1 đến 2% phôi thai nhân bản vô tính của động vật có thể phát triển bình thường.

Ở một phương tiện khác, bên ngoài những thành tựu cụ thể của nhân bản vô tính, một số nghiên cứu mới cũng đang tính tới việc áp dụng công nghệ này trong liệu pháp điều trị tế bào gốc ở người. 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên