25/07/2016 06:37 GMT+7

Campuchia phản đối ASEAN đưa phán quyết về Biển Đông vào tuyên bố chung

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Các quốc gia thành viên ASEAN đã không thể tìm được tiếng nói chung cho những vấn đề tranh chấp tại Biển Đông trong phiên họp ngày 24-7 tại Vientiane, Lào.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh trong phiên khai mạc hội nghị hẹp các bộ trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào - Ảnh: AP
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh trong phiên khai mạc hội nghị hẹp các bộ trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào - Ảnh: AP

Theo Stratfor, bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã có cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Tòa trọng tài thường trực ở The Hague ra phán quyết ủng hộ Philippines và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ngày 12-7.

Tại hội nghị, Philippines và Việt Nam mong muốn các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ cùng đề cập tới phán quyết của tòa trọng tài trong tuyên bố chung sau hội nghị.

Tuy nhiên Campuchia, đối tác thân cận nhất của Trung Quốc tại ASEAN, đã phản đối việc đề cập tới phán quyết này trong tuyên bố chung. Động thái khiến các nhà ngoại giao trong khối rơi vào tình huống không thể đạt được một thỏa hiệp cho vấn đề.

Lần đầu tiên ASEAN không thể ra được tuyên bố chung sau một hội nghị là năm 2012. Lần đó cũng là chính là Campuchia phản đối về vấn đề câu chữ liên quan tới Biển Đông.

Theo một quan chức ngoại giao đang có mặt tại hội nghị, ASEAN tự đặt ra hạn chót là ngày 26-7 sẽ phải đạt được một sự đồng thuận và ra tuyên bố chung của khối sau hội nghị.

Trong hai ngày tới, các thành viên ASEAN sẽ hội đàm với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Mỹ, quốc gia đồng minh của Philippines đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Nước này cũng lên án Trung Quốc về việc xây dựng các đảo nhân tạo, đồng thời tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở gần những khu vực đảo, đá mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên ông Kerry cũng hối thúc các nước ASEAN tìm kiếm những phương án giải quyết bằng con đường ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong các vấn đề tranh chấp trên biển.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên