25/07/2016 08:10 GMT+7

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49: Dấu hỏi về Biển Đông

QUỲNH TRUNG (từ Vientiane, Lào)
QUỲNH TRUNG (từ Vientiane, Lào)

TTO - Các ngoại trưởng khối ASEAN đã đề cập đến vấn đề Biển Đông trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng bàn thảo tại hội nghị.

Ngoại trưởng các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bìa phải) trong phiên họp toàn thể tại Vientiane ngày 24-7  - Ảnh: Q.TR.
Ngoại trưởng các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (bìa phải) trong phiên họp toàn thể tại Vientiane ngày 24-7 - Ảnh: Q.TR.

Ngày 24-7, tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 49 (AMM-49) với sự tham gia của ngoại trưởng các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.

Theo nội dung thông cáo do nước chủ nhà Lào phát cùng ngày, tại phiên họp AMM-49, các bên thảo luận quá trình thực hiện tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, đặc biệt là việc thực hiện cộng đồng chính trị - an ninh 2025.

Tuy nhiên khi đề cập tình hình quốc tế và khu vực, thông cáo của chủ nhà Lào chỉ nói ngắn gọn: “Các ngoại trưởng cũng có sự trao đổi thẳng thắn và xây dựng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như chủ nghĩa khủng bố, buôn người, buôn bán ma túy bất hợp pháp, thiên tai, di cư bất thường và các diễn biến ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và Biển Đông”.

Những gì mà các ngoại trưởng nghĩ và nói trong các cuộc họp chính thức cũng như bên lề có giá trị hơn một tuyên bố chung

Chuyên gia CHARLES MORRISON (chủ tịch Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, Mỹ)

Đề cập Tòa trọng tài

Về vấn đề Biển Đông, thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các ngoại trưởng dành nhiều thời gian trao đổi, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực, tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Nhiều ngoại trưởng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và Biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các bên cũng trao đổi một số vấn đề liên quan đến Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Các ngoại trưởng cũng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã được nhấn mạnh, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

“Không có quốc gia ngoài cuộc”

Phát biểu tại phiên khai mạc AMM-49, Bộ trưởng ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho rằng AMM-49 và những hội nghị liên quan tạo cơ hội tốt để thúc đẩy quan hệ với các đối tác bên ngoài theo các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời trao đổi các quan điểm xây dựng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, qua đó đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế.

Dù vậy, trả lời Tân Hoa xã bên lề hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 ngày 23-7, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói Trung Quốc muốn thúc giục các nước ASEAN chú trọng vào hợp tác quốc tế hơn là tạo ra sự khác biệt giữa các quốc gia và kêu gọi chống lại sự can thiệp của những quốc gia bên ngoài, đặc biệt là các siêu cường.

Nhiều nhà phân tích cho rằng “siêu cường” mà ông Lưu ám chỉ chính là Mỹ bởi trước khi đến Lào tham gia các hội nghị ASEAN, một quan chức Bộ Ngoại giao của Washington được Hãng tin Reuters dẫn lời tiết lộ rằng khi đến Vientiane, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thúc giục các quốc gia Đông Nam Á tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài.

Nhận xét về tuyên bố của ông Lưu Chấn Dân, chuyên gia Charles Morrison nói với Tuổi Trẻ rằng trong thế giới ngày nay “không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc” những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, do vậy họ có quyền kêu gọi sự ủng hộ cho các giải pháp ngoại giao.

“Sở dĩ ASEAN kêu gọi các nước tham gia cơ chế hợp tác của khối bởi vì ASEAN xem những nước này có lợi ích trong khu vực", ông Charles nói.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế, khoa khoa học chính trị tại ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nói với Tuổi Trẻ rằng sẽ là bất ngờ lớn khi tuyên bố chung của ngoại trưởng các nước ASEAN, dự kiến công bố ngày 26-7, đề cập trực tiếp đến phán quyết của Tòa trọng tài.

“Điều then chốt sẽ là trong bản tuyên bố chung có từ ngữ nào nói về tuân thủ luật pháp quốc tế hay không. Tôi cho rằng các ngoại trưởng ASEAN cuối cùng sẽ có một tuyên bố khái quát và mơ hồ khi ám chỉ về Biển Đông mà không hề thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài", GS Thitinan nhận định.

ASEAN thiếu đồng thuận

Các nhà ngoại giao ở Vientiane cho biết ngoại trưởng các nước ASEAN nhóm họp trong bất đồng vào ngày 24-7 sau khi Campuchia ngăn cản việc ra tuyên bố chung liên quan đến phán quyết mới đây của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Theo Hãng tin Kyodo của Nhật, nhiều nước như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Singapore đã yêu cầu ra tuyên bố chung của khối đề cập đến việc phải tuân thủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao (đề nghị không tên) nói rằng Campuchia là quốc gia duy nhất phản đối việc đề cập đến phán quyết trong tuyên bố chung.

“Campuchia chặn bất cứ cụm từ nào về vụ phân xử và về vấn đề quân sự hóa (Biển Đông)” - quan chức này nói.

Trong khi đó, Lào cũng bị cáo buộc đã cản trở các nước đoàn kết về vấn đề Biển Đông.

“Nếu Lào chấp thuận các lời lẽ theo đề xuất của các nước, đặc biệt là Philippines, việc đó chắc chắn làm Trung Quốc không hài lòng, nhưng nếu không đưa vào sẽ khiến các thành viên ASEAN khác không vui” - một nhà ngoại giao ASEAN nói với Kyodo News.

TRẦN PHƯƠNG

QUỲNH TRUNG (từ Vientiane, Lào)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên