23/07/2016 08:08 GMT+7

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Những toan tính bất thành

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - LTS: Một tuần trôi qua, nhiều nhà phân tích cố gắng giải mã nguyên nhân thất bại của cuộc chính biến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuổi Trẻ giới thiệu góc nhìn 
của chuyên gia Nguyễn Ngọc Hùng, người có hàng chục năm nghiên cứu về Trung Đông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia và nội các ngày 20-7 - Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia và nội các ngày 20-7 - Ảnh: AFP

Cuộc đảo chính quân sự xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7 thất bại nhanh đến bất ngờ không kém gì như khi nó đột ngột nổ ra. Lực lượng ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng phản kích nhanh chóng và hiệu quả khiến công luận phải kinh ngạc.

Số người bị quy kết là “tham gia hoặc dính líu đến đảo chính” quá đông và bị thu gom cấp tập ngoài sức tưởng tượng! Tất cả những yếu tố này khiến những người quan tâm đứng trước những câu hỏi cần tìm sự giải đáp.

Dồn dập quyết định

Khoảng một tuần trước khi nổ ra đảo chính, Tổng thống Erdogan đã tung ra một loạt quyết định đối ngoại gây bất ngờ trước thế giới. Đầu tiên là quyết định xin lỗi Nga về vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi SU-34 của Nga ngày 14-11-2015, hướng tới khôi phục quan hệ bình thường với Nga vốn đã bị cắt đứt sau vụ này.

Liền sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận lời xin lỗi của Israel để bình thường hóa quan hệ hai nước vốn bị đóng băng suốt từ năm 2010 đến nay. Đồng thời, chính quyền Erdogan còn đánh tiếng rằng họ “tin vào việc khôi phục quan hệ tự nhiên với Syria...”.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chủ động hâm nóng quan hệ kinh tế - thương mại với Iran vốn bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng do bất đồng quan điểm tại Syria. Tổng thống Erdogan cũng đã lên lịch để tổ chức một cuộc họp quan trọng của Hội đồng tối cao an ninh quốc gia vào ngày 15-8...

Giới phân tích nhận định những động thái này cho thấy vị tổng thống đầy tham vọng đang toan tính một ván cờ rất hệ trọng liên quan đến xác định quyền lực tuyệt đối của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế rồi, đảo chính đột ngột nổ ra và thất bại rất chóng vánh. Giới phân tích cho rằng những người chủ trương đảo chính đã đoán biết trước ý đồ của Erdogan về một cuộc “đảo chính êm thấm” mà ông này sẽ thực hiện sau cuộc họp của Hội đồng tối cao an ninh quốc gia; với mục đích đã được chính Erdogan công khai tuyên bố sau khi dẹp tan đảo chính 15-7, là “xóa bỏ tình trạng chính phủ song hành”, hay còn gọi là “tình trạng nhà nước bên trong nhà nước”.

Cuộc đảo chính đêm 15-7 chính là phản ứng mang tính “đánh trước” của các lực lượng chống Erdogan. Nhưng toan tính của những người này bất thành, thậm chí họ phải trả giá quá đắt cho kế hoạch “đánh trước” non kém của họ.

Nguyên nhân đảo chính thất bại

Nhiều thông tin do truyền thông Arab và phương Tây đưa ra mấy ngày gần đây phân tích nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của cuộc đảo chính. Trước hết, những người làm đảo chính đã “ăn non” khi chưa tạo dựng được hai yếu tố rất quan trọng cần phải có để đảm bảo thắng lợi.

Thứ nhất, phe đảo chính chưa được sự ủng hộ của một đảng chính trị uy tín nào để đảm bảo một hậu thuẫn quần chúng đủ sức đối trọng với lực lượng Hồi giáo đông đảo của Đảng Công lý và phát triển (AKP) do Erdogan làm lãnh tụ. Thứ hai, không có ai trong số 100 tướng lĩnh uy tín nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp tham gia cuộc đảo chính này.

Đây chính là điểm yếu khiến phe đảo chính không thể huy động lực lượng quân sự áp đảo để giành thắng lợi. Ngược lại, phe đảo chính lại dựa vào một thế lực mà thật sự trở thành phản tác dụng, để cho chính quyền kiếm cớ trừng phạt khốc liệt.

Có nguyên nhân của việc phe đảo chính không đạt được hai yếu tố quan trọng nêu trên. Đó là sự dính líu của phong trào Gulen - một phong trào Hồi giáo nguyên gốc do giáo sĩ Fethullah Gulen sáng lập và lãnh đạo.

Giáo sĩ Gulen từng là đồng minh chiến lược của Erdogan, nhờ sự ủng hộ của phong trào Gulen mà Đảng AKP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2003, đưa Erdogan lên địa vị đứng đầu đất nước từ đó đến nay.

Nhưng phong trào Gulen đã công kích mạnh mẽ AKP và đích thân Erdogan trong vụ tham nhũng xảy ra cuối năm 2013, khi nhiều bộ trưởng người của AKP và con trưởng của Erdogan bị cáo buộc “nghi phạm”. Từ đó, Erdogan coi Gulen là đối thủ hàng đầu.

Giáo sĩ Gulen (định cư ở Mỹ từ năm 1999 đến nay) khẳng định ông không dính líu đến cuộc đảo chính vừa rồi, như lời cáo buộc của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nhiều người của phong trào Gulen trong nước đã bị cáo buộc “có dính líu”.

Yếu tố Gulen là nguyên nhân khiến các đảng chính trị đối lập và cả giới tướng lĩnh hàng đầu do dự khi được “mời” tham gia kế hoạch đảo chính.

Đảng đối lập hàng đầu là Cộng hòa nhân dân (CHP) và giới quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đều là lực lượng bảo vệ thể chế thế tục, chống lại khuynh hướng Hồi giáo hóa mà họ cho là chính quyền Erdogan đang theo đuổi.

Họ cảm thấy cuộc đảo chính này dường như chỉ là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai thế lực Hồi giáo với nhau, mà bên nào thắng thì cũng bất lợi cho những người bảo vệ thể chế thế tục.

Thậm chí, nếu Gulen thắng thì tính chất Hồi giáo cực đoan còn đậm đặc hơn cả Đảng AKP. Vậy là phe chủ trương đảo chính không được Đảng CHP và giới tướng lĩnh hàng đầu chung tay khởi sự.

Tạm dừng thực thi Công ước châu Âu về nhân quyền

Theo Independent, tuyên bố tạm dừng thực thi Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) được Phó thủ tướng Kurtulmus đưa ra ngày 21-7, một ngày sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp ba tháng.

Điều 15 của ECHR quy định: “Trong thời gian chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp nào đó đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc, bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể tiến hành các biện pháp giảm nhẹ nghĩa vụ thực thi công ước này...”.

Đáng chú ý, công ước này cấm các nước ký kết thi hành án tử hình. Thực thi công ước, năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ án tử hình. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính hụt vừa rồi, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara sẽ xem xét khôi phục án tử hình.

Ngay lập tức Cao ủy về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, đã lên tiếng cảnh báo rằng không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của EU nếu còn án tử hình.

Tổng thống Erdogan khi ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 20-7 đã nhấn mạnh ba tháng tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền hành động hiệu quả và dứt khoát trong các động thái nhắm vào những kẻ âm mưu đảo chính. Duy Linh

“Yếu tố trực tiếp giúp Erdogan vẫn an toàn và nhanh chóng lật ngược thế cờ được cho là đã có một người của phe đảo chính tiết lộ cho cơ quan tình báo của tổng thống biết trước về kế hoạch dấy loạn.

Như vậy, Erdogan có thể chột dạ về thời điểm nổ ra đảo chính, chứ ông tổng thống đầy mưu lược này không hề mất cảnh giác trước những thế lực chống lại mình

 
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên