25/05/2016 15:10 GMT+7

Quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn "thăng hoa"

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

TTO - Không phải không khí hồ hởi và tràn ngập thông tin tích cực về chuyến thăm của Tổng thống Obama tạo ra hiệu ứng lạc quan quá trớn. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Obama tại cuộc họp báo ngày 23-5 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Những gì cả hai bên đạt được trong hai năm vừa qua phản ánh tình hình thực tế: phát triển quan hệ song phương giữa hai quốc gia từ giai đoạn manh nha đã dần định hình một niềm tin chiến lược. Niềm tin đó dựa trên ba tiền đề chính.

Thứ nhất là quá trình tương tác và học hỏi 21 năm vừa qua (thậm chí trước đó) giữa lãnh đạo, trí thức và các giới khác nhau trong xã hội của hai nước đã làm rõ dần ý định, mô thức hành động của hai bên.

Thứ hai là quá trình “thể chế hóa” mối quan hệ song phương thông qua các cơ chế hợp tác khác nhau.

Thứ ba là những quan ngại chung về tình hình thực tế của môi trường an ninh khu vực.

Sẽ đến giai đoạn củng cố và bồi đắp

Một khu vực Thái Bình Dương hòa bình và ổn định hướng tới một vùng biển minh bạch, ổn định và hành xử theo luật pháp quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực đang đặt ra những làn ranh chỉ đỏ phân biệt giữa tính hợp pháp, chính đáng và xu hướng đơn phương, bất chấp luật lệ.

Hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt đang đi trên con đường đó.

Từ việc gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cuối 2014, đến gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí được công bố năm 2016; từ Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt (JVS) ký năm 2015, đến mối quan tâm chung về đảm bảo tự do hàng hải và thương mại tại Biển Đông mà cả hai đã phát triển thành những khuôn khổ hợp tác chính sách đa dạng khác nhau chỉ trong hai năm liên tiếp. 

Vấn đề “đồng minh” hay “tại sao chưa phải là đối tác chiến lược” là một câu hỏi còn đang được thảo luận. Vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào tên gọi của ngôn từ.

Trong quá trình tương tác luôn có những giai đoạn mà các tiếp xúc hay quan hệ giữa hai bên đã vượt trước ngôn từ, và chưa tồn tại mô thức gọi tên sự chuyển dịch của mối quan hệ.

Vì thế các tương tác vẫn diễn ra trong thời gian quá độ bằng một tên gọi cũ. Hoặc ở một góc nhìn khác: việc nâng cấp mối quan hệ tới mức độ nào, trong thời điểm ra sao hay gọi tên gì có thể là câu hỏi của thời điểm, khi tình hình thực tế diễn ra nhiều biến chuyển.  

Thực tiễn quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn “thăng hoa“ nhất từ thời điểm hai quốc gia chuyển thù thành bạn. Giai đoạn sắp tới sẽ đến giai đoạn củng cố và bồi đắp những thành quả mà cả hai có được.

“Dư địa” của giai đoạn này đang thúc đẩy thêm một quá trình quan trọng khác: đó là tương tác về tư tưởng, thang giá trị, nguyên tắc hành xử trong xã hội cũng như hình dung về hiện tại cũng như con đường phát triển của tương lai.

Sự ra đời của Đại học Fulbright, định hướng hành động chung tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng hay việc mở rộng hợp tác thanh niên - giới trẻ hai nước là những điểm sáng.

Các nền tảng trên là chất keo xúc tác quan trọng nhất để niềm tin chiến lược định dạng, thăng hoa, và bén rễ lâu dài. Và chắc chắn không phải chỉ nằm ở những ngôn từ hoa mỹ của thì tương lai.

Việt Nam có cơ hội trang bị vũ khí hiện đại

Trái với nhiều dự đoán dè chừng, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương diễn ra ngay trong tâm điểm chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Mỹ. 

Lộ trình có thể còn thông qua một số bước kỹ thuật và lập pháp khác từ phía bên kia bờ đại dương, nhưng với thống nhất và đồng thuận ở cấp độ cao cấp nhất giữa lãnh đạo hai quốc gia, thì đây chỉ còn là câu chuyện thời gian. 

Ý nghĩa biểu tượng của thỏa thuận này không cần bàn cãi. Một mối quan hệ đối tác toàn diện đầy đủ mang tầm vóc chiến lược nhất thiết phải cởi bỏ những rào cản trì hoãn lợi ích song trùng của cả hai.

Việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương này cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn.

Trong tư thế đó, Việt Nam có quyền lựa chọn Mỹ hay bất kỳ đối tác quân sự nào phù hợp với điều kiện và ưu tiên chính sách phát triển quốc phòng của mình.

Trong thời gian vừa qua, nhu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam không ngừng gia tăng trong bối cảnh tranh chấp biển đảo diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ cao.

Việc dựa chủ yếu vào vũ khí Nga mang lại một số rủi ro. Thứ nhất, nguồn cung có thể bị gián đoạn nếu xuất hiện rủi ro bất khả kháng (như việc các tàu Gepard bị hoãn hạ thủy do phải chờ động cơ từ Ukraine).

Thứ hai, Nga cũng bán các vũ khí tương tự của Việt Nam (như Kilo hay Su-30) hay thậm chí là cao cấp hơn (như S-400 hay Su-35) cho Trung Quốc.

Thứ ba, có một số công nghệ quốc phòng của Nga mặc dù có giá rẻ hơn nhưng lại không tiên tiến hay hiệu quả bằng các nguồn cung khác (ví dụ các công nghệ liên quan tới hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát - C4ISR).

Yêu cầu đa dạng hóa nguồn cung được đặt ra nhằm hoàn thiện hơn nữa năng lực tác chiến của quân đội và tránh rủi ro khi “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu vũ khí từ các nước khác. Có thể kể tới như nhập khẩu UAV, vũ khí pháo binh, rađa của Israel; đóng mới các loại tàu tuần tra với sự trợ giúp của Hà Lan; mua mới các loại máy bay tuần thám hay vận tải từ châu Âu…

Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ tiếp tục đóng góp vào xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam.

Nền công nghiệp quốc phòng Mỹ vốn nổi tiếng về những sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ trinh sát, giám sát, tình báo và công nghệ thông tin chuyên sâu.

Những loại vũ khí trang thiết bị sẽ giúp cải thiện hơn nữa năng lực phòng thủ, khắc phục điểm yếu C4ISR và giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc tham gia các sáng kiến an ninh khu vực.

Ở một chừng mực nào đó đã tồn tại sự nhất trí ngầm giữa hai bên rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cần thiết, như một phản ứng chiến lược trước những hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Lợi ích về an ninh hàng hải tại khu vực Đông Á đang trở thành ưu tiên chiến lược khi Washington trong thời gian vừa qua đang cố gắng thúc đẩy các sáng kiến hợp tác biển, cùng các sáng kiến an ninh mới giúp lành mạnh hóa môi trường an ninh khu vực. 

Việt Nam sẽ cần nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại trong tương lai và do đó sẽ ngày càng quan tâm hơn tới các đề nghị giúp củng cố quan hệ quốc phòng song phương từ phía Mỹ.

Ví dụ như các đề nghị của Mỹ nhằm hiện diện nhiều hơn tại Cam Ranh hay cùng hợp tác trong các vấn đề chia sẻ thông tin, tình báo, cùng hợp tác tiến hành các công tác giám sát hoặc tuần tra các khu vực biển.

Mức độ lan tỏa về hợp tác an ninh quốc phòng diễn ra trong chiều kích các xung đột trên Biển Đông ngày càng gay gắt.

Vì vậy việc các quốc gia xây dựng một hệ thống giám sát biển hữu hiệu, đặc biệt là trong các khu vực đường hàng hải quốc tế đang là một nhu cầu thiết yếu.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ 2011-2015, 93% số lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Nga. Số tàu chiến và tàu ngầm chiếm 44% tổng lượng vũ khí nhập khẩu, máy bay chiếm 37%.

Có thể thấy, hầu hết các hệ thống vũ khí chủ lực trong quân đội Việt Nam (cả hải, lục, không quân) đều có nguồn gốc từ Nga (và các nước thuộc Liên Xô cũ).

 

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên