03/05/2016 09:10 GMT+7

Kinh tế Venezuela lao dốc không phanh

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO -  Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn “siêu lạm phát” - giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc “sụp đổ hoàn toàn”...

Công nhân Công ty Empresas Polar biểu tình chống chính quyền tại thành phố Maracaibo ngày 29-4 - Ảnh: Reuters
Công nhân Công ty Empresas Polar biểu tình chống chính quyền tại thành phố Maracaibo ngày 29-4 - Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Venezuela có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn trong 12-18 tháng tới đây sau khi rơi vào tình trạng siêu lạm phát kỷ lục, theo nhận định của chuyên gia kinh tế vĩ mô Robert K. Rennhack, phó giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một báo cáo gần đây của IMF cho biết năm nay tỉ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ là 720%, mức cao nhất thế giới. Nhưng theo báo Miami Herald, chuyên gia Rennhack cho rằng Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn “siêu lạm phát” - giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc “sụp đổ hoàn toàn” nếu không có thay đổi đáng kể nào về chính sách kinh tế.

Ông Rennhack cho rằng lạm phát ở Venezuela có thể đã bước vào lộ trình siêu lạm phát từ năm 2015 và dự kiến năm 2017, tỉ lệ lạm phát ở đây sẽ đạt 2.200% rồi có thể lao lên rất nhanh tới mức 13.000% một năm, giai đoạn mà hầu hết các học giả kinh tế định nghĩa là siêu lạm phát toàn diện.

Khi tỉ lệ lạm phát lên tới mức 5 con số như thế, hoặc chính phủ phải tiến hành một cuộc cải tổ chính trị theo kiểu quay ngược 180 độ, hoặc họ sẽ sụp đổ. Ông Rennhack cùng một nhóm chuyên gia kinh tế rút ra nhận định từ các trường hợp tương tự ở Bolivia (1982-1984), Argentina (1989-1990) và Brazil (1989-1990).

Từ thực tiễn, ông K. Rennhack cho rằng Tổng thống Nicolas Maduro sẽ khó yên vị cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2019. Các phong trào dân chủ trong khu vực sẽ gây sức ép buộc ông Maduro phải từ chức để tránh một cuộc đảo chính quân sự. Trong khi đó liên minh đối lập MUD tại Venezuela đang xem xét việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về yêu cầu tiến hành bầu cử sớm.

Nhiều người Venezuela thậm chí còn tin rằng nền kinh tế trong nước sẽ sụp đổ sớm hơn mốc thời gian 12-18 tháng như dự đoán của chuyên gia IMF. Giá cả hàng hóa tăng vọt hằng ngày, các kệ hàng trong siêu thị gần như trống trơn, lượng điện tiêu thụ ngày càng thiếu hụt. Chính quyền thậm chí buộc người lao động làm ít ngày đi để tiết kiệm năng lượng.

Việc mua hàng ở siêu thị được phân bổ theo hệ thống quản lý bằng dấu vân tay. Hàng triệu người dân phải xếp hàng dài trong nhiều giờ chỉ để mua các nhu yếu phẩm. Ngày 27-4, hầu hết các công ty kinh doanh thực phẩm tại Venezuela cho biết chỉ còn lượng thực phẩm đủ cung cấp trong 15 ngày nữa. Trong khi đó tình trạng lấy cắp hàng hóa tăng vọt ở nhiều nơi do lượng nhu yếu phẩm ngày càng cạn kiệt.

Đồng bolivar của Venezuela ngày càng không còn giá trị. Ngay cả bọn cướp cũng không thèm lấy nó. Vài tháng trước, truyền thông nước này dẫn lời một kỹ sư tên Pedro Venero cho biết khi bọn cướp xông vào nhà anh, chúng chỉ lấy đi những tờ đôla Mỹ và bỏ lại các đồng bolivar.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên