31/03/2016 09:01 GMT+7

“Siêu bộ trưởng” Aung San Suu Kyi

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - “Bà đầm thép” của Myanmar đã tìm ra cách để điều hành đất nước trong vai trò kiêm nhiệm nhiều chức bộ trưởng. Người dân Myanmar đang tin tưởng vào điều tốt đẹp.

Tân Tổng thống Htin Kyaw (trái) và bà Suu Kyi đến trụ sở quốc hội ngày 30-3 - Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Htin Kyaw (trái) và bà Suu Kyi đến trụ sở quốc hội ngày 30-3 - Ảnh: Reuters

 

Ngày 30-3, tại trụ sở quốc hội ở thủ đô Naypyidaw, ông Htin Kyaw thuộc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Myanmar.

Phó tổng thống thứ nhất (thuộc bên quân đội giới thiệu) Myint Swe và Phó tổng thống thứ hai (thuộc NLD) Henry Van Thio cũng đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Win Khaing Than.

Cùng ngày, nội các mới do ông Htin Kyaw đứng đầu tuyên thệ nhậm chức tại văn phòng tổng thống ở Naypyidaw, các hội đồng địa phương Myanmar đã thông qua quyết định bổ nhiệm thủ hiến cho 12 trong tổng số 14 khu vực và bang trên khắp cả nước. Thủ hiến hai bang còn lại là Kachin và Rakhine sẽ được công bố sau đó. Tất cả thủ hiến bang và khu vực đều là thành viên của NLD.

Bà Aung San Suu Kyi nói sẽ thay đổi và cập nhật chương trình giảng dạy. Bà cũng cho biết chính phủ mới sẽ chiêu dụ nhân tài, nhất là những người trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ ở nước ngoài, về phục vụ đất nước

MYO THET NAING (kế toán viên ở Yangon)

3 ưu tiên hành động

Trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức dài 2 phút 50 giây, ông Htin Kyaw nhấn mạnh đến ba ưu tiên chính của chính phủ mới gồm thúc đẩy tiến trình hòa bình, thành lập một liên minh liên bang dân chủ và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân.

“Chúng tôi có nhiệm vụ cùng nhau lập một hiến pháp phù hợp với đất nước và phù hợp với các tiêu chuẩn dân chủ” - ông Htin Kyaw nói.

Ngoài ra, tân tổng thống Myanmar cam kết sẽ luôn trung thành với Liên bang Myanmar và luôn đặt sự thống nhất của liên bang, thống nhất quốc gia và sự bất diệt của chủ quyền lãnh thổ lên trên hết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Myo Thet Naing, từng làm báo trong hai năm và hiện là kế toán viên cho một công ty quảng cáo ở Yangon, cho biết sau khi nghe bài phát biểu nhậm chức của tân tổng thống, đặc biệt là phần đề cập tiến trình ngừng bắn và hòa bình cho các khu vực xung đột sắc tộc, anh cảm nhận được “ánh sáng tươi mới” cho đất nước trong tương lai.

“Cuối cùng ngày này đã đến. Tôi hi vọng tân tổng thống và chính phủ mới sẽ dẫn dắt đất nước phát triển dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi” - anh Myo Thet Naing bộc bạch.

Ông Mg Mg Soe, cố vấn chính trị cho NLD, nhìn nhận với Tuổi Trẻ phần chính trong bài diễn văn tuyên thệ tổng thống của ông Htin Kyaw là viết lại hiến pháp nước này, vốn do phe quân đội soạn thảo.

“Ngài tổng thống nói ông ấy cần thêm thời gian cho việc viết lại hiến pháp. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên chính phủ mới phải tổ chức lại quân đội. Hiện tại có rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng nhất là giải pháp hòa bình trong các khu vực của các nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang. Để xây dựng một liên minh liên bang, đất nước tôi cần phải có hòa bình. Nếu không có hòa bình, thật khó làm những vấn đề khác” - ông Soe đánh giá.

“Bây giờ các nhóm sắc tộc thiểu số muốn ngừng bắn, nhưng quân đội không đồng ý ngừng bắn với một số nhóm sắc tộc thiểu số. Do đó, tổng thống phải cố gắng thuyết phục quân đội làm việc này. Tiến trình hòa bình rất quan trọng đối với việc nâng cao tiêu chuẩn sống và tiến tới việc thiết lập một liên minh liên bang” - ông Soe nhận định thêm.

Người dân kỳ vọng vào bà Suu Kyi

Thủ lĩnh NLD cầm quyền Aung San Suu Kyi được bổ nhiệm làm “siêu bộ trưởng” khi nắm giữ bốn bộ quan trọng gồm bộ trưởng ngoại giao kiêm nhiệm bộ trưởng văn phòng tổng thống, bộ trưởng giáo dục, bộ trưởng điện lực và năng lượng.

“Tuy bà ấy không thể làm tổng thống nhưng giờ đã nắm giữ nhiều bộ quan trọng thì người dân cũng rất vui mừng vì điều đó” - anh Myo Thet Naing cho biết.

Anh Myo nói việc bà Suu Kyi làm bộ trưởng giáo dục chính là cách tốt nhất để phát triển đất nước.

Anh Myo cho biết các trường đại học tại Myanmar không có đủ năng lực và hầu hết sinh viên không hài lòng với chất lượng đào tạo. Thay vào đó, sinh viên thường phải đi học thêm để lấy kiến thức vào đời và chỉ đến trường chủ yếu để có bằng cấp.

Tuy nhiên, bằng đại học ở Myanmar thậm chí không bảo đảm cho sinh viên ra trường một công việc cơ bản, họ phải tham dự các lớp học chuyên môn khác như kế toán, học các kỹ năng máy tính cơ bản mới có thể tìm được việc làm.

Anh Myo hi vọng trong vai trò bộ trưởng năng lượng, bà Suu Kyi sẽ giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn về đập thủy điện Myit Sone, vốn bị chính quyền của cựu tổng thống Thein Sein trì hoãn trong 5 năm qua, các dự án liên doanh với nước ngoài được xem là thất bại đối với Myanmar như dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung.

“Là bộ trưởng ngoại giao, không ai nghi ngờ việc bà Suu Kyi được so sánh như “cựu ngoại trưởng Hillary Clinton” và “Ngoại trưởng John Kerry” của Mỹ. Bà ấy sẽ đi cùng tổng thống trong hầu hết sự kiện đối ngoại quan trọng. Còn trong vai trò là bộ trưởng văn phòng tổng thống, tôi không thể nói gì hơn bởi vì nhiều người dân đã xem bà ấy đứng trên tổng thống đương nhiệm” - anh Myo Thet Naing nói.

Đàm phán khó khăn

Theo ông Mg Mg Soe, bên quân đội phải đàm phán bởi tình cảnh hiện tại không thuận lợi cho họ.

“Nếu quân đội chấp nhận đàm phán với chính phủ mới, có thể họ sẽ đánh mất quyền lực trong khu vực dân sự nhưng lợi ích của họ vẫn còn đó. Vấn đề chỉ là thời gian. Quân đội không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với chính phủ mới. Nhưng có thể quá trình đàm phán sẽ không dễ dàng gì” - ông Soe kết luận.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên