01/12/2015 08:20 GMT+7

Sẽ có những đồng thuận rõ ràng, cụ thể về biến đổi khí hậu

QUỐC THOẠI - D.KIM THOA
QUỐC THOẠI - D.KIM THOA

TT - Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, ông Emmanuel Ly-Batallan cho biết các nước tham gia hội nghị tại Paris sẽ đạt được đồng thuận lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ 21.

Ông Emmanuel Ly-Batallan - tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM - Ảnh: Quốc Thoại
Ông Emmanuel Ly-Batallan - tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM - Ảnh: Quốc Thoại

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 30-11, ông Emmanuel Ly-Batallan cho biết nước chủ nhà hi vọng COP21 sẽ là một bước ngoặt lịch sử cho các kỳ COP từ trước đến nay, vì hiện Pháp đã nhận được 183 bản báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) của các nước tham gia trên tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ tham dự COP21.

Theo ông, đây là một kết quả tốt hơn nhiều so với kỳ COP20 diễn ra năm ngoái tại Lima, Peru.

Tổng lãnh sự Pháp cho biết theo số liệu tổng hợp được từ các báo cáo INDC gửi đến COP21, các quốc gia đã cam kết hạ tổng lượng nhiệt trung bình toàn cầu tăng không quá 2,7oC vào cuối thế kỷ 21.

“Đây thật sự là một kết quả rất đáng khích lệ vì sau các lần hội nghị COP của các năm trước, kịch bản tồi tệ nhất cho Trái đất - khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 5-6 oC - đã hoàn toàn bị loại trừ” - ông Emmanuel Ly-Batallan nhấn mạnh.

Do vậy COP21 sẽ tiếp tục thảo luận làm sao để hạ mức này xuống càng gần với mục tiêu 2oC càng tốt, ông tổng lãnh sự Pháp cho biết.

Tuy nhiên, về mặt huy động các nguồn tài chính từ các nước phát triển nhằm tài trợ cho việc chống lại những tác hại và các giải pháp nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu tại các nước nghèo và đang phát triển, thì nước chủ nhà chỉ mong muốn đạt được một “sự đồng thuận mang tính chất xây dựng”, theo lời ông Ly-Batallan.

“Rất khó để tất cả các nước sau khi rời bàn đàm phán đều để lại một tấm séc trên bàn” - ông Ly-Batallan nhận xét, nhưng ông cũng kỳ vọng các quốc gia sẽ tuyên bố nhận ra rằng biến đổi khí hậu sẽ gây tác động xấu lên từng quốc gia, và tất cả sẽ chung tay nhằm hạn chế tình trạng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng nhanh và sẽ cam kết đóng góp ít nhiều trong hiện tại hay tương lai gần thì thực tế hơn.

Theo ông, nếu mục tiêu kêu gọi đóng góp 100 tỉ USD cho năm nay không đạt được thì sẽ chờ năm sau hay năm sau nữa, nhưng mục tiêu cần phải đạt được là thay đổi nhận thức cho các lãnh đạo toàn cầu rằng tất cả phải cùng chung sức chung lòng và phải làm tốt hơn mức quốc gia mình đã cam kết qua INDC.

“Với cương vị là nước chủ nhà, Pháp thấy điều này là hoàn toàn khả thi” - ông Ly-Batallan lạc quan.

QUỐC THOẠI - D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên