14/10/2015 08:55 GMT+7

Ấn Độ muốn hồi sinh dòng sông cổ mất cách đây 4.000 năm

HUYỀN TRANG
HUYỀN TRANG

TT - Chính quyền bang Haryana, phía bắc Ấn Độ, lên kế hoạch táo bạo nhằm hồi sinh dòng sông cổ Saraswati huyền thoại đã biến mất cách đây 4.000 năm.

Lãnh đạo bang Haryana, ông Shri Manohar Lal Khattar (giữa) trong buổi phát động chiến dịch hồi sinh sông cổ tại Adi Badri - Ảnh: Haryana State

Theo Quartz India, sông Saraswati huyền thoại được đề cập trong một số văn bản cổ của Ấn Độ. Sông được xem là đấng thiêng liêng và thường được nhân cách hóa như các vị thần.

Sử thi Mahabharata tôn vinh Saraswati là dòng sông chứa cả vũ trụ, trong khi kinh Vệ Đà mô tả đó là một trong bảy con sông lớn của thời Vệ Đà. Tuy nhiên, dòng sông được cho là đã khô cạn và biến mất sau một trận động đất mạnh từ 4.000 năm trước.

Từ khi lên nắm chính quyền năm 2014, Đảng Bharatiya Janata (Đảng Nhân dân Ấn Độ) nhanh chóng cho truy tìm vết tích dòng sông “đã mất” vô cùng linh thiêng với những người theo đạo Hindu. Dưới sự chỉ đạo của chính quyền trung ương, hai bang Haryana và Rajasthan không ngừng tìm kiếm và chứng thực sự tồn tại của dòng sông cổ xưa này.

Tháng 8-2014, bà Uma Bharti - bộ trưởng phụ trách nguồn nước và phát triển các dòng sông của Ấn Độ - thông báo: “Có đủ bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện diện của sông Saraswati ở một số khu vực trên đất nước. Saraswati không chỉ là huyền thoại".

Nơi được cho là điểm xuất phát của sông Saraswati huyền thoại  - Ảnh: Haryana State

Saraswati không chỉ là một dòng sông, mà còn là dòng chảy của nền văn minh và di sản văn hóa của chúng ta

Ông PRASHANT BHARDWAJ (phó chủ tịch Hội đồng bảo tồn và phát triển Saraswati)

Theo Straits Times, cơ quan chức năng đã khai quật thăm dò đoạn dài 12km ở bang Haryana dựa trên các tài liệu cổ, truyền thuyết dân gian và hình ảnh vệ tinh do Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ cung cấp nhằm xác nhận tàn tích của dòng chảy từng tồn tại cách đây 5.000-6.000 năm. Tháng 5 vừa qua, một đợt khai quật giúp tìm thấy nguồn nước ở độ sâu 2m khiến dư luận chú ý. Tờ India Today hoan hỉ đưa tin: "Sự sống của Saraswati hồi sinh sau 4.000 năm”.

Nếu được hồi sinh, sông Saraswati không chỉ thúc đẩy du lịch tôn giáo mà còn đảm bảo nguồn nước cho khu vực khô hạn xung quanh nó. Tháng 8-2015, chính quyền bang Haryana thông báo dự án trị giá 500 triệu rupee (11 triệu USD) nhằm làm sống lại dòng sông đã mất.

Các nhân công trong làng Bhita được dự án “bảo đảm việc làm nông thôn” của chính phủ thuê đang xúc tiến dự án đầy tham vọng này, kế hoạch bao gồm đào kênh, xây đập và xây hồ chứa.

“Chúng tôi đã xác định rằng dòng sông đi qua địa phận 43 làng và trải dài trong phạm vi 55km. Chúng tôi đang tự đào kênh ở một số khu vực có mạch nước ngầm với nỗ lực làm sống lại dòng sông” - ông Gagandeep Singh, quan chức địa phương phụ trách dự án ở quận Yamunanagar (bang Haryana), tỏ ra hồ hởi.

Các nghiên cứu về tính khả thi của dự án hiện vẫn chưa hoàn thành, song ông Singh vẫn lạc quan: “Chúng tôi thực hiện đào kênh trước tạo đà cho việc hồi sinh dòng chảy sau này".

Ông Prashant Bhardwaj, phó chủ tịch Hội đồng bảo tồn và phát triển Saraswati, nêu quan điểm: “Hồi sinh là bản sắc của văn hóa Ấn Độ. Saraswati không chỉ là một dòng sông, mà còn là dòng chảy của nền văn minh và di sản văn hóa của chúng ta”.

Ông cũng khuyến khích hội đồng lên kế hoạch thúc đẩy văn hóa, khảo cổ và du lịch sinh thái bên cạnh dòng sông hồi sinh bằng cách xây dựng các địa điểm hành hương.

Dự án lãng phí?

Dự án hồi sinh dòng sông Saraswati huyền thoại tuy vậy cũng vấp phải làn sóng dư luận phản đối. Nhiều người cho rằng kế hoạch quá lãng phí, thậm chí một số vẫn nghi ngờ liệu con sông truyền thuyết có thật sự tồn tại?

Có những ý kiến chỉ trích thay vì nỗ lực hồi sinh một dòng sông đã chết, chính phủ nên tập trung vào các kế hoạch thiết thực nhằm làm xanh, sạch các dòng sông bị khai thác, xâm lấn và ô nhiễm ở Ấn Độ hiện nay.

Điển hình như sông Hằng - dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ, nơi các tín đồ Hindu vẫn tắm mình “gột rửa tội lỗi” hằng năm - đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong khi các kế hoạch làm sạch dòng sông và khu vực lân cận vẫn chưa mang lại hiệu quả triệt để.

HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên