01/09/2015 07:52 GMT+7

An ninh và tự do đi lại

PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)
PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)

TT - Những ngày gần đây, người dân Bỉ lại sống trong nỗi lo khủng bố sau vụ nổ súng trên tàu Thalys hồi thứ sáu tuần trước.

Cảnh sát Pháp kiểm tra túi vũ khí của hung thủ nổ súng trên tàu Thalys hôm 21-8  - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Pháp kiểm tra túi vũ khí của hung thủ nổ súng trên tàu Thalys hôm 21-8 - Ảnh: Reuters

Thế là sắp tới đi tàu ở châu Âu có thể nghiêm ngặt chẳng kém đi máy bay. Lãnh đạo nội vụ và giao thông của 9 nước châu Âu đã thống nhất thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh trên tàu tốc hành.

Hành khách sẽ bị kiểm tra hành lý thường xuyên hơn, việc kiểm tra do một đội với sự phối hợp của các nước, thậm chí tính đến khả năng trên vé tàu có tên người đi...

Mất bò, mới lo...

Đây là phản ứng sau vụ tay súng 26 tuổi gốc Morocco Ayoub el-Khazani nổ súng trên tàu tốc hành Thalys chiều 21-8. Vài giờ sau vụ khủng bố hụt, an ninh đã được thắt chặt tại các ga tàu lớn ở Bỉ. Cảnh sát tuần tra thường xuyên và khám xét ngẫu nhiên hành lý của hành khách.

Lâu nay, từng đi tàu Thalys, tôi chỉ cần trình tờ giấy in đặt vé cho nhân viên trên tàu là được cho qua. Nhân viên không hề đụng đến hành lý, xét hỏi hộ chiếu, visa hay bất kỳ giấy tờ chứng nhận đang sống hợp pháp ở châu Âu.

Do tàu Thalys nối với sân bay Charles-de-Gaulle ở Pháp, việc nhiều người đem theo vali to lớn, cồng kềnh là điều rất bình thường.

Nhiều người lo lắng liệu việc áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh có làm hành khách cảm thấy bị gò bó hay không và thêm nữa là liệu có hiệu quả thật sự hay không. Người ta lập luận: đi lại bằng tàu xuyên châu Âu quá tiện lợi nên số lượng rất đông.

Như tại ga xe lửa Gare du Nord ở Paris (Pháp), mỗi năm có khoảng 200 triệu hành khách qua lại trong khi sân bay Heathrow của Anh thuộc vào hạng hàng đầu châu Âu mỗi năm chỉ tiếp được 75 triệu hành khách.

Chợ súng Brussels

Ngoài vấn đề an ninh biên giới, chính quyền Bỉ còn đau đầu với vấn đề buôn bán lậu vũ khí. Chính ở ga Midi Brussels, nơi tên Ayoub el-Khazani lên tàu và sau đó gây ra vụ nổ súng, là nơi có những con đường “đen tối" mà người ta kháo nhau là có thể dễ dàng tìm mua được vũ khí.

Theo báo Telegraph, tại đây khẩu AK được bán chỉ với giá 1.000 euro.

Theo luật của Bỉ, mua và sở hữu vũ khí là phạm pháp, trừ những loại vũ khí không phát nổ, các loại dao, súng đạn không còn sử dụng được nữa, chỉ có tính chất sưu tầm.

Thế nhưng anh N., một người Việt sống ở Bỉ lâu năm, khẳng định bản thân anh có biết một số người sở hữu vũ khí trong số bạn bè anh ở Brussels. Anh cho biết những người này làm việc “không chính thống” và mua vũ khí ở chợ đen với mục đích tự vệ.

Trả lời Đài RFI, ông Claude Moniquet, đồng chủ tịch Trung tâm An ninh tình báo châu Âu có trụ sở tại Brussels, khẳng định chắc nịch: “Bỉ luôn là nơi có thể mua vũ khí hợp pháp hay bất hợp pháp”.

Ông nói thêm Bỉ là một trong những điểm buôn lậu vũ khí chính ở châu Âu do ở đây có một cộng đồng lớn người nhập cư đến từ vùng Balkan và 90% vũ khí trên thị trường chợ đen ở Bỉ là súng AK có xuất xứ từ thời chiến tranh Nam Tư, được chuyển lậu đến từ Serbia, Bosnia, Kosovo, Macedonia...

Những khẩu súng này được mua với giá vài trăm euro ở các nước vùng Balkan, sau đó chuyển sang Bỉ và bán ra với giá gấp 10 lần. Từ đó đã hình thành một đường dây kiếm lợi từ kiểu buôn bán này, bất chấp nguy cơ súng ống rơi vào tay các cá nhân hoặc nhóm khủng bố.

Sống giữa nỗi lo khủng bố, người dân Bỉ giờ đây trở nên đề phòng hơn bao giờ hết. Cuối tuần trước, tổng biên tập tạp chí Elle Bỉ đăng trên Twitter rằng cô đang đi tàu Thalys và phải đề phòng “các anh da nâu đem theo túi to lên tàu".

Phát ngôn nửa đùa nửa thật của cô được một số người đồng cảm, nhưng một số khác chỉ trích vì có tính kỳ thị. Ở đất nước có hơn nửa triệu người đạo Hồi, chủ yếu đến từ các nước Bắc Phi, quả thật người Bỉ có lo ngại khủng bố nhưng ít ai dám mạnh miệng nói ra.

Sang Anh nghiêm ngặt hơn

Do Anh không thuộc các nước Schengen nên việc kiểm tra hành khách đến từ Bỉ có phần nghiêm ngặt hơn.

Khi đi tàu tốc hành Eurostar, cũng xuất phát từ ga Midi Brussels đi London (Anh), tôi bị hải quan hỏi thăm kỹ lưỡng: “Đang ở Bỉ làm gì?”, “Đi với mục đích gì?”, “Sẽ ở đâu tại Anh?”, “Ở trong vòng bao lâu?”…

Hành lý phải qua máy soi, còn người phải đi qua cổng an ninh có bảo vệ cầm máy dò kim loại không khác gì ở sân bay.

PHƯƠNG THÙY (Từ Brussels)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên